Tăng cường giám sát về tư pháp để tranh oan sai
VOV.VN - Thực hiện tốt giám sát xã hội đối với hoạt động tư pháp sẽ góp phần hạn chế những bản án oan cũng như không bỏ lọt tội phạm.
Bên cạnh việc sửa đổi Bộ Luật Tố tụng Hình sự để đẩy mạnh cải cách tư pháp, tranh oan sai, cử tri cũng mong muốn, Quốc hội tăng cường giám sát để kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế bất cập trong công tác tư pháp, bảo vệ quyền con người, tránh oan sai do hoạt động tố tụng hình sự gây ra.
Cử tri mong muốn, Quốc hội tăng cường giám sát để kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế bất cập trong công tác tư pháp |
Ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng, trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm có hai yêu cầu đặt ra đối với cơ quan chức năng, thứ nhất là phải chống bỏ lọt tội phạm và thứ hai là phải chống oan sai.
Ông Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: “Hoạt động tố tụng hình sự gắn liền với chủ thể tiến hành tố tụng. Mỗi cá nhân khi tiến hành tố tụng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định tố tụng của mình. Điều này đã được ghi trong Hiến pháp và Dự thảo Luật tố tụng Hình sự sửa đổi, nếu như anh ban hành các quyết định tố tụng sai thì anh phải đền, phải bồi thường và phải bị xử lý và chịu trách nhiệm về quyết định sai của mình”.
Cử tri cũng đề nghị, Nhà nước hoàn thiên hệ thống pháp luật để tăng cường vai trò giám sát xã hội đối với hoạt động tư pháp. Cụ thể là tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - kinh tế - xã hội - nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng, trong việc giám sát hoạt động tư pháp với các đối tượng giám sát cụ thể như: giám sát hoạt động tuân thủ, chấp hành và áp dụng pháp luật trong việc xử lý các tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, giám sát việc thực hiện điều tra, truy tố, xét xử các vụ án và thi hành các bản án theo quy định của pháp luật; giám sát trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về thiệt hại cho công dân do hoạt động tư pháp gây ra….
Những hoạt động của các chủ thể giám sát xã hội này đều góp phần quan trọng làm cho các cơ quan tư pháp, cán bộ, công chức của các cơ quan tư pháp hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, giới hạn quyền lực được giao; bảo đảm cho các hoạt động tư pháp thực hiện đúng pháp luật một cách khách quan, khoa học, hiệu quả, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tiến sĩ Hoàng Thị Quỳnh Chi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kiểm sát, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị: Phải tăng cường quy chế kiểm tra kiểm soát trong nội bộ từng ngành và kiểm tra từ bên ngoài, thông qua sự giám sát của các cơ quan dân cử, giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc và giám sát của các cơ quan ngôn luận. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
“Chúng tôi nghĩ rằng trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp việc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp là hết sức cấp bách. Việc triển khai các Đề án này là sự khẳng định quyết tâm của Đảng trong chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tư pháp, bởi vì tư pháp là công lý, nếu tư pháp không nghiêm thì người dân sẽ không còn niềm tin vào công lý, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, cho nên đây là lĩnh vực cần được đặc biệt quan tâm”, Tiến sĩ Hoàng Thị Quỳnh Chi nêu ý kiến.
Để hạn chế và tránh việc oan sai trong tố tụng hình sự đòi hỏi phải áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời, thực hiện tốt giám sát xã hội đối với hoạt động tư pháp sẽ góp phần quan trọng để thực hiện các giải pháp hạn chế và tranh oan sai tốt hơn, hiệu quả hơn, để không còn những bản án oan cũng như không bỏ lọt tội phạm./.
Nghe âm thanh: