Từ sau ngày 15/4: Đã bớt đi "tin giả" nhờ hành lang pháp lý?
VOV.VN -Nghị định 15/2020/NĐ-CP được cho là "phương thuốc" mạnh hơn trong việc phòng chống những thông tin giả, sai lệch gây hoang mang dư luận.
Thời gian qua, tại Việt Nam, những thông tin sai lệch, thất thiệt về virus Corona đã gây xáo trộn không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Nhiều người cho rằng, đây chính là nguồn lây bệnh "ảo". Nghị định 15/2020/NĐ-CP về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” có hiệu lực từ 15/4/2020, thay thế Nghị định 174, được cho là "phương thuốc" mạnh hơn trong việc phòng chống những thông tin giả, sai lệch gây hoang mang dư luận trên không gian mạng.
Thông tin giả tràn lan trên mạng xã hội gây hoảng loạn cho người dân |
Trung tướng Trần Ngọc Khánh- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội cho biết, nạn tin giả đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng từ ngày có Luật an ninh mạng đã hạn chế được rất nhiều. Những người tham gia không gian mạng đã ý thức hơn khi phát ngôn và Luật cũng là cơ sở để cơ quan chức năng có thể xử lý những thông tin bịa đặt, xuyên tạc; Đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi, cơ quan công an đã xử lý rất nhiều thông tin gây hoang mang cho cộng đồng, cho xã hội trên không gian mạng.
Tính đến cuối tháng 3, công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đã xác minh làm việc với hơn 650 trường hợp đưa tin sai sự thật và xử phạt vi phạm hành chính 146 người; đặc biệt trong đó có cả những người nổi tiếng như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ Cát Phượng, diễn viên Ngô Thanh Vân… vì đưa những thông tin không đúng trên trang cá nhân.
Luật sư Phạm Thị Thu, Giám đốc Công ty Luật số 1 Hà Nội cho rằng, những người dùng mạng xã hội cần phải trang bị cho mình những kiến thức, sự hiểu biết để có thể phân biệt những thông tin thật và giả. Từ đó cẩn trọng hơn với những thông tin chưa được kiểm chứng, đặc biệt là cần phải tìm hiểu những quy định của pháp luật để không dẫn đến các vi phạm”
Tại điều 8 Luật an ninh mạng quy định: Nghiêm cấm thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác
“Luật mặc dù đã có, trước đây là Nghị định 174/2013/NĐ-CP, còn bây giờ là nghị định 15/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên hiện nay tình trạng vi phạm vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân một phần là bởi sự hiếu kỳ của người dân, sự thiếu hiểu biết về pháp luật và bởi tâm lý thích thú khi “câu like”, “câu view”, biết sai nhưng vẫn làm”- luật sư Thu chia sẻ.
Cũng theo luật sư Thu, điều này đã gây hoang mang trong dư luận xã hội, gây nhiễu thông tin và đặc biệt là gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch của nước ta trong thời gian qua. Vì vậy, cần phải có các biện pháp ngăn chặn của các cơ quan thực thi pháp luật, tăng cường rà soát, xử lí nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội; không chỉ là xử phạt hành chính, chúng ta cũng cần phải xử lý hình sự khi có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Nếu như trước đây nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định có 114 hành vi bị xử lí vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực bưu chính viễn thông, thì hiện nay nghị định 15/2020/NĐ-CP đã quy định rõ ràng, chi tiết với 224 hành vi liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Tại điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định: Người dân có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 – 20.000.000 đ nếu vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội và buộc phải gỡ bỏ những thông tin vi phạm. So với nghị định 174/2013/NĐ-CP thì nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rất rõ ràng, cụ thể, chi tiết các hành vi mà trước đây nghị định 174/2013/NĐ-CP chưa có.
Cũng theo luật sư Phạm Thị Thu, Giám đốc Công ty Luật số 1 Hà Nội, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành và có hiệu lực vào thời điểm này là rất kịp thời. Nếu như trước đây, các thông tin giả, sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội thì trong thời gian gần đây, đặc biệt là từ ngày 15/4/2020, những thông tin này đã ít hơn trước, một phần là bởi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và một phần cũng bởi ý thức của người dân đã tăng lên rất nhiều.
Việc Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/4 đã tạo ra một hành lang pháp lý, thắt chặt hơn so với nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Luật sư Phạm Thị Thu chia sẻ: “Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định rõ ràng hơn đã giúp cho công tác xử lý của các cơ quan chức năng được cụ thể và đầy đủ, đồng thời ngành tòa án cũng đã có những văn bản hướng dẫn tòa án các cấp xử lý hình sự đối với những hành vi vi phạm; tuy nhiên mức phạt chỉ là một phần, quan trọng người dân phải thực sự thấu hiểu và tuân thủ luật. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền của các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan báo chí, truyền thông, tư pháp,… sẽ góp phần đẩy lùi được tin giả”
Để ngăn chặn được những thông tin thất thiệt, “căn bệnh” gây hoang mang trên mạng xã hội, bà Thu đưa ra lời khuyên: “Bản thân mỗi người cần phải bình tĩnh, sáng suốt trong việc tiếp nhận và xử lí thông tin. Đồng thời phải theo dõi sát sao các thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, tránh gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh; kịp thời phản ánh đến các cơ quan chức năng về những trường hợp đăng tin bịa đặt, sai sự thật.”
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay có quá nhiều người nhẹ dạ, cả tin vô tình tiếp tay cho cái sai, điều đó khiến cho nạn tin giả tiếp tục tấn công vào xã hội, gây hoang mang cho người dân. Nghị định 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực với những quy định chặt chẽ chắc chắn sẽ góp phần làm cho không gian mạng trở nên trong sạch hơn./.