Từ thảm sát ở Yên Bái:'Giải mã' nghi phạm trẻ giết dã man nhiều người
VOV.VN - Theo chuyên gia tâm lý, từ những vụ thảm sát ở Yên Bái hay ở Bình Phước báo động sự rối loạn nghiêm trọng về mặt nhân cách trong bộ phận giới trẻ.
Như vậy sau hơn 62 giờ với sự nỗ lực cao nhất, vì bình yên cuộc sống của nhân dân, các cán bộ, chiến sỹ công an tỉnh Yên Bái phối hợp cùng Bộ Công an và công an các tỉnh lân cận đã bắt giữ được Đặng Văn Hùng-nghi phạm vụ thảm sát 4 người rúng động ở Yên Bái ngày 12/8 vừa qua.
Không riêng vụ thảm sát ở Yên Bái, trong vòng hơn 1 tháng qua, ở nước ta liên tiếp xảy ra những vụ thảm sát gây rung động dư luận như vụ thảm sát 6 người trong gia đình ở Bình Phước, thảm sát 4 người ở Nghệ An, thảm sát 2 người ở Quảng Trị. Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong đời sống hàng ngày, các nghi phạm đều có tuổi đời còn rất trẻ đã xuống tay một cách tàn bạo đối với các nạn nhân- là những người quen biết, thậm chí có họ hàng với nghi phạm.
Vậy đâu là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến những vụ thảm án? Làm thế nào để ngăn chặn, hạn chế mầm mống tội phạm? Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với Đại tá, PGS.TS Vũ Trung Quý-Phó trưởng bộ môn Tâm lý, Học viện An ninh nhân dân.
PGS.TS Vũ Trung Quý-Phó trưởng bộ môn Tâm lý, Học viện An ninh nhân dân. |
Báo động sự rối loạn nghiêm trọng về nhân cách
PV: Ông có nhận định gì về việc thời gian gần đây, ở nước ta liên tiếp xảy ra những vụ thảm sát với tính chất man rợ, ghê rợn?
PGS.TS Vũ Trung Quý: Như chúng ta đã biết, thời gian qua, ở nước ta liên tiếp xảy ra nhiều vụ đối tượng giết chết nhiều người trong khi thực hiện tội phạm với tính chất man rợ, ghê rợn mà đối tượng phạm tội là những người trẻ. Mặc dù đây là chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, nhưng đã phản ánh một sự không bình thường trong đời sống xã hội, gây nên cảm giác bất an trong nhân dân, cần được cảnh báo trong đời sống xã hội.
Dưới góc độ tâm lý học tội phạm, những vụ giết người, thảm sát dã man của các đối tượng thể hiện sự rối loạn nghiêm trọng về mặt nhân cách, sự lệch chuẩn trong hành vi, sự chai sạn trong cảm xúc của một bộ phận giới trẻ.
Về động cơ, mục đích phạm tội: các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội chủ yếu để thỏa mãn nhu cầu mang tính chất bản năng của chúng, như giết người cướp của nhằm thỏa mãn những ham muốn vật chất tầm thường hoặc để trả thù hèn hạ mất nhân tính.
Khi thực hiện những hành vi phạm tội ấy, các đối tượng không nghĩ gì đến hậu quả đối với nạn nhân, với xã hội và ngay cả bản thân đối tượng. Như vụ thảm sát ở Bình Phước, khi nghiên cứu hoạt động phạm tội thấy rằng đối tượng giết nhiều người trong một gia đình với tính chất dã man, điều đó khiến chúng ta hướng mạnh về động cơ trả thù (động cơ về mặt tình cảm). Từ việc xác định động cơ phạm tội giúp các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch điều tra, khoanh vùng đối tượng nghi vấn, điều tra khám phá nhanh vụ án.
Nghi can Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước. |
PV: Theo ông, những nhân tố nào dẫn đến nhiều vụ thảm sát như vậy?
PGS.TS Vũ Trung Quý: Liên tiếp xảy ra những vụ đối tượng giết chết nhiều người trong lúc thực hiện tội phạm là hệ quả của nhiều nguyên nhân, sự tác động nhiều phía của những yếu tố tâm lý, xã hội tiêu cực, đó là về mặt giáo dục, môi trường, sự quản lý của xã hội, ảnh hưởng của phương tiện thông tin đại chúng…
Song, từ những vụ án vừa qua, vấn đề cơ bản vẫn từ phía gia đình. Thực tế cho thấy, nhiều gia đình đang bế tắc, lúng túng trong việc giáo dục con cái, có những gia đình mà bố mẹ quá nuông chiều, che chở, bao bọc con, kể cả khi con cái có những hành vi sai trái, họ có điều kiện về mặt kinh tế nhưng không có phương pháp giáo dục con cái.
Cũng có gia đình quá khó khăn, bố mẹ bận công việc làm ăn nên không còn thời gian giáo dục con cái nên họ để trách nhiệm đó cho xã hội, nhà trường. Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh còn thiếu hiểu biết về tâm lý giới trẻ nên áp dụng những biện pháp mang tính chất hà khắc như đánh đập, dẫn đến những thương tổn trong tâm lý các em.
Theo kết quả nghiên cứu của UNICEF về trẻ vị thành niên, tuổi thơ và quá khứ của người phạm tội đóng vai trò to lớn trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách tâm lý tội phạm sau này. Những thương tổn cá nhân từ nền giáo dục gia đình mà đứa trẻ phải gánh chịu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hành vi man rợ sau này của cá nhân khi đến tuổi trưởng thành.
Khi các bậc cha mẹ áp dụng những biện pháp giáo dục hà khắc, đánh đập sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy tuổi thơ của mình bị đối xử phân biệt và sau này, khi đến lứa tuổi thành niên, đứa trẻ đó dễ có xu hướng thực hiện hành vi bạo lực mà dưới góc độ tâm lý là để trả thù.
Thứ hai, nguyên nhân từ phía tác động của xã hội: Cùng với quá trình hội nhập kinh tế, hàng loạt hoạt động kinh doanh mới ra đời và do cách quản lý của chúng ta không tốt đã ảnh hưởng một cách tiêu cực đến tâm lý giới trẻ. Như hoạt động của nhà hàng, khách sạn, vũ trường, quán bar, quán game... không được quản lý tốt đã ảnh hưởng đến nhân cách của giới trẻ, dẫn tới việc một số em chán học, bỏ học, lao vào tệ nạn, chạy theo bạn bè xấu. Hậu quả tác động tiêu cực của giáo dục gia đình, xã hội khiến trẻ cảm thấy bị lạc lõng, các em dễ dàng lao vào con đường nghiện game, tệ nạn xã hội.
Đặc biệt, ảnh hưởng của văn hóa bạo lực đối với tâm lý giới trẻ thông qua những phương tiện truyền thông: qua phim ảnh, sách báo, trò chơi điện tử… Vấn đề này cho chúng ta thấy chúng ta đang có những thiếu sót trong công tác quản lý. Do thiếu sự chọn lọc, do bị chi phối bởi tính chất thương mại hóa nên có quá nhiều cảnh đâm chém, tàn sát nhau, cuộc sống đồi trụy công khai trên phim ảnh, sách báo, trò chơi điện tử. Về mặt tâm lý, điều này khiến giới trẻ nhầm hiểu rằng những hành động bạo lực ấy dường như đã, đang được hợp thức hóa trong đời sống xã hội. Dần dần những hình ảnh đó ngấm ngầm ăn sâu vào ý thức giới trẻ và khi có điều kiện sẽ được bộc lộ một cách tự nhiên.
Thứ ba là thiếu sót trong quản lý xã hội khiến các đối tượng tiếp cận quá dễ các phương tiện phạm tội (vũ khí nóng, mã tấu, súng, kiếm, dao...).
Và một điều cũng rất quan trọng, đó là bản thân một bộ phận giới trẻ các em không chịu tiếp thu kinh nghiệm xã hội, lười lao động, không có ý thức học tập vươn lên... mà chỉ tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu vật chất của bản thân. Đó là những thiếu sót trong quá trình xã hội hóa nhân cách.
Bắt giữ nghi can Đặng Văn Hùng trong vụ thảm sát 4 người ở Yên Bái. |
PV: Trong những vụ thảm sát liên tiếp xảy ra gần đây, các nghi phạm hẳn có điểm chung trong quá trình thực hiện tội phạm, thưa ông?
PGS.TS Vũ Trung Quý: Qua nghiên cứu tâm lý các đối tượng trong lúc thực hiện hành vi phạm tội, như vụ Lê Văn Luyện, mục đích của đối tượng là trộm vàng, nhưng trong lúc Luyện thực hiện hành vi phạm tội đã bị chủ nhà phát hiện. Để che giấu hành vi phạm tội của mình, trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng đã thúc đẩy tính liều lĩnh, tàn bạo, dã man trong con người đối tượng, khiến Luyện thực hiện hành vi giết chủ nhà, và giết nhiều người trong gia đình nạn nhân.
Hay như vụ giết 6 người trong một gia đình ở Bình Phước, thảm sát 4 người ở Nghệ An, hay thảm sát ở Yên Bái, các nạn nhân đều biết mặt nghi phạm, thậm chí là thân quen. Vì vậy, các nghi phạm này buộc phải giết nhiều người để trả thù và nhằm trốn trách sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Chuyên gia mách "kế" đối phó với đối tượng
PV: Ông có lời khuyên gì khi người dân rơi vào hoàn cảnh bất lợi như bị tội phạm trộm cắp cướp tài sản, tấn công tại nhà ở của mình?
PGS.TS Vũ Trung Quý: Từ trước đến nay, chúng ta thường có tâm lý khi bị đối tượng đột nhập vào nhà, cướp tài sản thì thường la lớn để hàng xóm nghe thấy, khiến đối tượng sợ hãi mà bỏ chạy.
Tuy nhiên, với tính chất manh động, côn đồ của đối tượng phạm tội hiện nay, chúng ta cũng nên thay đổi phương thức phòng ngừa, chống trả. Điều quan trọng nhất là phải thật bình tĩnh để tính toán cách đối phó trong từng tình huống cụ thể. Với quan điểm “còn người thì còn của”, nên cách cơ bản nhất vẫn là khi thấy đối tượng, trước mắt chúng ta phải tìm chỗ ẩn nấp an toàn để bảo toàn tính mạng, sau đó quan sát, theo dõi và tìm cách thông báo cho cơ quan chức năng, người xung quanh. Vì với tâm lý tội phạm gần đây, khi chúng bị phát hiện, bị truy đuổi thường thúc đẩy tính liều lĩnh, dã man khiến đối tượng ra tay ngoài mục đích ban đầu, ngay cả bản thân đối tượng cũng không ý thức được hậu quả xảy ra như có thể đâm, chém, giết nạn nhân.
Ngoài ra, trong gia đình có thể để nhiều vật dụng như gậy, thước, dao... ở nhiều nơi, khi có điều kiện, hãy lợi dụng những vật đó để chống trả, khống chế đối tượng. Mỗi gia đình nên có số điện thoại của cơ quan công an, của những gia đình xung quanh.
PV: Theo ông, làm thế nào để ngăn ngừa, hạn chế mầm mống tội phạm nói trên?
PGS.TS Vũ Trung Quý: Gia đình, xã hội, nhà trường cần nâng cao nhận thức cho giới trẻ, tăng cường công tác bồi dưỡng kỹ năng sống, đặc biệt cần chú trọng việc giáo dục ý thức pháp luật, ý thức chịu trách nhiệm hành vi của mình. Cần tạo môi trường sống tốt cho giới trẻ từ môi trường gia đình đến xã hội.
Cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất đối với các đối tượng gây án. Điều này vừa để trấn an dư luận, đồng thời cảnh báo, răn đe những đối tượng đang có ý định phạm tội, để chúng sợ hãi mà từ bỏ hành vi tội ác dã man.
Cần phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với các ngành kinh doanh nhà hàng, quán bar, vũ trường, quán game..; quản lý tốt việc mua bán vũ khí nóng, phương tiện gây án.
Bên cạnh đó, mỗi người, mỗi gia đình, nhóm xã hội cần phải có kỹ năng giải quyết tốt mâu thuẫn bất hòa nảy sinh trong cuộc sống. Nếu không có phương pháp giải quyết những mâu thuẫn một cách êm thấm, ổn thỏa khiến đối tượng dễ dàng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn đó.
PV: Xin cảm ơn ông!./.