Việc xin lỗi tử tù Hàn Đức Long: Tòa đã làm đúng, đủ quy trình
VOV.VN - Trường hợp ông Hàn Đức Long thấy buổi xin lỗi công khai chưa thoả đáng, chưa đạt nguyện vọng thì ông có quyền làm lại đơn yêu cầu
Buổi xin lỗi tử tù Hàn Đức Long diễn ra chiều 25/4 diễn ra trong không khí náo loạn đang khiến dư luận vô cùng bất bình. Những hình ảnh trong clip đăng trên các báo mạng cho thấy, Phó Chánh án Tòa án Cấp cao tại Hà Nội ông Trần Văn Tuân thay mặt cơ quan tiến hành tố tụng lên xin lỗi tử tù Hàn Đức Long liên tục bị gián đoạn do phải tránh né những chiếc dép bị ném lên.
Buổi công khai xin lỗi ông Hàn Đức Long diễn ra không trọn vẹn khi người nhà cháu bé bị sát hại đã gây náo loạn hội trường. |
Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty TNHH một thành viên Luật Tam Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo khoản 3 Điều 51 Luật Bồi thường trách nhiệm của Nhà nước, việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng các hình thức: Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại địa phương nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại có sự tham dự của chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú, đại diện của cơ quan nơi người bị thiệt hại làm việc; đại diện của tổ chức chính trị xã hội mà người bị thiệt hại là thành viên. Đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong 3 số liên tiếp theo yêu cầu của người bị thiệt haị hoặc đại diện hợp pháp. Trường hợp người bị thiệt hại chết, nhân thân có quyền yêu cầu khôi phục danh dự.
Theo quy định như trên có thể thấy, việc tổ chức xin lỗi công khai đối với ông Hàn Đức Long, Toà án Nhân dân Cấp cao đã làm đúng và đầy đủ các trình tự theo luật định như trên. Tuy nhiên xét về tính trang trọng của buổi lễ cũng như việc truyền tải đầy đủ các thông tin khi tiến hành xin lỗi công khai là chưa đáp ứng được mục đích một cách toàn diện và đầy đủ. Theo các phương tiện thông tin đại chúng, ông Hàn Đức Long đã phải ra về trước khi kết thúc buổi xin lỗi, việc truyền tải đầy đủ thông tin trong văn bản của Toà án Nhân dân cấp cao bị gián đoạn đối với người được xin lỗi công khai, không khí buổi làm việc diễn ra trong tình trạng lộn xộn, bởi sự phản đối và ném các vật dụng sinh hoạt vào người đọc văn bản. Xét ở một góc độ nào đó mục đích buổi xin lỗi công khai là chưa hoàn thành đầy đủ.
Tuy nhiên, Luật cũng không yêu cầu hay bắt buộc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành xin lỗi công khai lại vì các lý do như trên.
Trong trường hợp ông Hàn Đức Long thấy rằng buổi xin lỗi công khai như trên là chưa thoả đáng, chưa đạt nguyện vọng thì ông có quyền làm lại đơn yêu cầu, việc có chấp nhận hay không chấp nhận và nếu chấp nhận thì xin lỗi bằng hình thức nào sẽ do Toà án Nhân dân Cấp cao quyết định. Quyết định của Toà án Nhân dân cấp cao trong mọi tình huống đều được cho là đúng pháp luật vì Toà án Nhân dân cấp cao đã làm đúng và đầy đủ các trình tự theo quy định của điều 51 khoản 3 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước như đã nêu trên.
“Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là hành vi không đẹp của người thân bị hại trong vụ án, không ngoại trừ có cả những đối tượng lợi dụng để phá hoại buổi lễ, phản đối việc xin lỗi của cơ quan chức năng đối với ông Hàn Đức Long. Những hành vi này là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội làm nhục người khác, cố ý gây thương tích và chống người thi hành công vụ”, Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên, Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm.
Còn theo luật sư Vũ Ngọc Chi, hành vi giật, lật đổ bảng biểu, la ó phản đối; ném vật dụng sinh hoạt vào tay, đầu, mặt người đọc văn bản có dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng (điều 245 BLHS) và Tội chống người thi hành công vụ theo điều 257 BLHS.
Xét ở góc độ tâm lý, có thể hiểu và thông cảm vì tâm lý bức xúc của người thân bị hại vì chưa tìm ra được hung thủ gây án. Việc xem xét có truy cứu trách nhiệm về các hành vi này hay không hoặc xử phạt hành chính hay chỉ nhắc nhở, cảnh cáo là thẩm quyền của các cơ quan chức năng khi xem xét và làm rõ về mục đích của hành vi, đánh giá về tính chất mức độ nghiêm trọng của vụ việc và ra quyết định./.
Toàn cảnh buổi công khai xin lỗi ông Hàn Đức Long “không thành“