Vụ án 23 năm tù oan ở Hà Nam: Công lý ở đâu?
VOV.VN - Đã 23 năm trôi qua, mặc dù gia đình bị cáo Trần Văn Vót liên tục kêu oan, thậm chí bố của bị hại cũng kêu oan cho bị cáo nhưng vụ án vẫn chưa rõ.
Những ngày qua, dư luận hướng sự quan tâm về việc không khởi tố lãnh đạo Vinaconex gây thiệt hại hơn 13.400 tỷ đồng hay trách nhiệm hình sự sẽ được xem xét như thế nào đối với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh gây thiệt hại hơn 3000 tỷ đồng trong thời gian làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam.
Cũng trong những ngày qua, còn có vụ án hai bị cáo chưa thành niên chỉ vì đói mà cướp giật bánh mỳ trị giá 45.000 đồng phải nhận mức án tù quá nặng và vụ án đã ngồi tù 23 năm có dấu hiệu oan sai đối với bị cáo Trần Văn Vót ở Lý Nhân, Hà Nam.
Mặc dù, mới đây, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có chỉ đạo đối với hai vụ án này, song dư luận không khỏi đặt câu hỏi: công lý ở đâu và việc tiếp cận công lý có quá khó khăn với người dân?
Ông Trần Văn Vót đang trò chuyện với con gái Trần Thị Chi. (Pháp luật TPHCM). |
Vụ án Trần Văn Vót xảy ra cách đây hơn 20 năm bắt đầu từ tranh chấp đất đai của người dân hai miền Thanh Nga và Nhân Phúc, thuộc xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Chiều 29/11/1992, trong vụ xô xát giữa hàng trăm người dân hai miền này, có người ném lựu đạn vào đám đông làm một người dân Nhân Phúc chết và 21 người bị thương.
Sau khi vụ án xảy ra, công an huyện Lý Nhân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Cự (người dân miền Thanh Nga) về tội “giết người” và “tàng trữ vũ khí trái phép”. Do ông này bỏ trốn, công an đã phát lệnh truy nã toàn quốc.
Ba tháng sau, ông Trần Ngọc Thanh được đưa về Công an tỉnh Hà Nam để điều tra về hành vi giết người trong vụ án này. Tại cơ quan điều tra, ông Trần Ngọc Thanh đã khai ông Trần Văn Vót là người đưa lựu đạn cho ông Thanh ném vào đám đông. Ông Trần Văn Vót bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam tuyên phạt tù chung thân về 4 tội: giết người, phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, tàng trữ vũ khí trái phép và gây rối trật tự công cộng. Còn ông Thanh bị phạt 15 năm tù. Hai bị cáo kháng án.
Từ đó đến nay đã 23 năm trôi qua, mặc dù gia đình các bị cáo liên tục kêu oan, thậm chí chính bố của người bị hại cũng kêu oan cho hai bị cáo nhưng vụ án vẫn chưa được làm rõ. Là người nhận được đơn kêu oan của gia đình bị cáo, bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV cho rằng những tình tiết của vụ án khiến bà đặt câu hỏi về hành trình đi tìm công lý của người dân.
Nghiên cứu hồ sơ vụ án, bà nhận thấy cơ quan tiến hành tố tụng có vẻ như có dự kiến sẵn, sắp xếp ông Vót đi theo kịch bản không dựa vào thực trạng cụ thể của vụ án, sắp đặt sẵn tội cho ông ấy và các tình tiết chứng minh cho tội đó. Tại thời điểm vụ án, những người có mặt tại nơi lựu đạn nổ, bản thân họ bị thương, tòa án không triệu tập thậm chí khi những người này nói ông Vót và ông Thanh không có mặt thì còn bị cơ quan điều tra dọa truy tố khai báo gian dối.
“Cả bố đẻ của người bị hại trong vụ án đó 23 năm cũng đi kêu oan với gia đình ông Vót. Đây là việc chưa từng có trong xử lý hình sự”, bà Trần Thị Quốc Khánh nói.
Với tính chất nghiêm trọng của vụ án, mới đây, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết đã thành lập đoàn công tác liên ngành với sự tham gia của các cơ quan tố tụng cả Trung ương và địa phương. Quá trình thẩm tra đã đánh giá lại toàn bộ vụ án để thông tin cụ thể. Đây là động thái tích cực.
Tuy nhiên, theo ông Lê Thúc Anh, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nhìn từ các vụ án oan sai thời gian qua cho thấy có một số nguyên tắc cần được tuân thủ nghiêm nếu muốn thực sự có những đổi mới trong cải cách tư pháp, bảo đảm công lý được thực thi, quyền và lợi ích chính đáng của người dân được bảo vệ.
Ông Lê Thúc Anh phân tích: “Phán quyết của tòa phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Muốn tranh tụng tốt thì phải thể hiện sự bình đẳng và dân chủ, có nghĩa những người tham gia tố tụng phải hết sức bình đẳng, đặc biệt với luật sư và Viện kiểm sát. Luật đã có các cơ quan tố tụng phải giáo dục tinh thần trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng, chứng cứ không chỉ có lời khai vì lời khai chưa phải là chứng cứ duy nhất, phải có chứng cứ khác. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán khi xem xét chứng cứ phải có bằng chứng. Phải có chế tài thật nghiêm với những người gây khó khăn cho luật sư, cho bị can”.
Bà Trịnh Thị Thanh Bình, nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre cho rằng, mặc dù quy định của luật Tố tụng, đặc biệt là Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi có nhiều điểm mới nhưng cần có cơ chế thực thi cụ thể.
Theo bà, quy định của luật dù có chặt chẽ nhưng việc áp dụng làm sao để người tiến hành tố tụng cân nhắc để lượng hình, định tội phù hợp thì cùng với trình độ năng lực của người áp dụng luật thì một số giải pháp như quyền im lặng, phải có sự trợ giúp pháp luật thông qua luật sư.
Trong quá trình tiến hành tố tụng có sự kiểm soát thông qua quyền được tham gia của luật sư, của những người tiến hành tố tụng. Những quy định mới nếu được nghiên cứu tốt, áp dụng tốt thì sẽ tránh được những bản án oan sai dư luận không đồng tình.
Một nền tư pháp trong sạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và mang lại cho người dân niềm tin vào công lý khi mà những nguyên tắc quan trọng được bảo đảm thực thi nghiêm. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào năng lực và cái tâm của những người tiến hành tố tụng mà quan trọng trước hết là xây dựng một nền tư pháp có kỷ luật, kỷ cương với tính thượng tôn pháp luật được coi trọng./.
Bị oan sai 16 năm, 2 người phụ nữ cần một lời xin lỗi