Ba sông băng huyền thoại ở châu Phi sẽ "biến mất" trong 2 thập kỷ tới?
VOV.VN - Biến đổi khí hậu có thể khiến 3 sông băng huyền thoại ở châu Phi biến mất hoàn toàn trong vòng 2 thập kỷ tới. Đây là cảnh báo vừa được Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organisation- WMO) đưa ra tại cuộc họp báo hôm nay (19/10).
Phát biểu trước báo giới, Giám đốc Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas cho biết, năm 2020 là năm nóng kỷ lục ở châu Phi, với mức nền nhiệt cao hơn 0,86 độ C so với mức nhiệt độ trung bình trong vòng 3 thập kỷ qua. Với tình trạng này, nguy cơ 3 sông băng ở châu Phi là Kilimanjaro ở Tanzania, Kenya ở Kenya và Rwenzoris ở Uganda sẽ chỉ còn trong trí tưởng tượng của mọi người vào năm 2040.
“Các sông băng trên thế giới đều đang tan chảy và nếu nhìn vào trường hợp ở châu Phi 3 dòng sông băng nổi tiếng ở Tanzania, Kenya và Uganda cũng sẽ lâm vào tình cảnh tương tự. Chúng ta đang chứng kiến sự biến mất của các sông băng và nếu xu hướng ấm nóng toàn cầu còn tiếp diễn, sông băng ở châu Phi sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2040”, ông Petteri Taalas cho biết.
Điều đáng nói ở đây là châu Phi chỉ chiếm khoảng 4% mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của thế giới song lại đang phải chịu tác động nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu. Nhiều đất canh tác đã bị xói mòn trong khi tình trạng xâm lấn biển đang diễn biến nghiêm trọng ở nhiều thành phố lớn của châu Phi. Trong khi khu vực này cũng đang thường xuyên phải đối mặt với lũ lụt. Nếu không có giải pháp cũng như sự hỗ trợ của quốc tế giúp châu lục này đối phó với biến đổi khí hậu, 118 triệu người nghèo ở châu Phi có thể phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt và nắng nóng cực đoan thường xuyên hơn. Biến đổi khí hậu có thể làm suy giảm 3% GDP của châu lục vào giữa thế kỷ này.
“Chi phi của việc không hành động chính là phải chấp nhận một thập kỷ của suy giảm kinh tế, bất ổn an ninh, nghèo đói và tổn thương gia tăng. Đây không phải là kết quả mà chúng ta sẵn sàng chấp nhận. Điều này cho thấy chúng ta phải hành động ngay vào thời điểm mà chúng ta nhận thấy cần phải có hành động”, ông Jean Paul Adam – Giám đốc công nghệ, biến đổi khí hậu, nguồn lực thiên nhiên của Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc khu vực châu Phi nhận định.
Ước tính, chỉ riêng khu vực Hạ Sahara cần đến 30 đến 50 tỷ USD tương đương 2-3% mức GDP mỗi năm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong năm 2020, lũ lụt và mưa bão đã khiến 1,2 triệu người tại đây bị mất nhà ở./.