Vì sao cướp tài sản được xếp vào nhóm tội đặc biệt nghiêm trọng?
VOV.VN - Cướp tài sản được xếp vào nhóm tội đặc biệt nghiêm trọng. Bởi, kẻ gây án không chỉ chiếm đoạt tài sản của người khác mà còn gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân.
Cướp tài sản là một trong những tội xảy ra phổ biến trong nhóm tội xâm phạm đến quyền sở hữu. Trong những năm gần đây, hành vi này ngày càng gia tăng với hình thức táo tợn hơn.
Chiều mùng 2/3, 2 đối tượng bịt mặt đã dùng súng bắn và khống chế bảo vệ ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang để cướp tiền. 2 đối tượng này đã bị bắt ngay sau đó và hiện đang bị tạm giam để điều tra.
Trước đó, tối 28/2 lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang đã tạm giữ 3 nghi phạm để điều tra về hành vi cướp tài sản. Cả 3 khai nhận đã thực hiện trót lọt 7 vụ cướp tài sản tại tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Tiền Giang.
Cũng trong tháng 2, 1 đối tượng trú tại huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk tạm trú tại thành phố Buôn Ma Thuột đã bị bắt khẩn cấp để phục vụ công tác điều tra về hành vi “giết người cướp tài sản”. Theo điều tra, đối tượng này thấy nạn nhân ở nhà một mình nên cầm chày gỗ đánh nhiều nhát vào đầu rồi dùng chân đạp vào bụng nạn nhân đến khi nạn nhân gục xuống nền nhà. Sau đó, đối tượng đã tháo chiếc nhẫn vàng trên tay nạn nhân rồi bỏ trốn.
Các đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản sẽ bị xử lý như thế nào? Liên quan đến vấn đề này, PV VOV trao đổi với luật sư Vũ Thị Mai Phương, Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Xuân Lai.
PV: Thưa luật sư, bà có thể cho biết theo quy định của Bộ luật Hình sự, hành vi như thế nào là cướp tài sản?
Luật sư Vũ Thị Mai Phương: Cướp tài sản được quy định tại Điều 168 của Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, cướp tài sản chính là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản. Tội cướp tài sản là hành vi nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội và nguy hiểm cho người bị hại. Chính vì vậy, tội danh này được quy định đối với người phạm tội từ 14 tuổi trở lên.
PV: Luật sư có thể cho biết, đâu là các yếu tố cấu thành của tội cướp tài sản là gì?
Luật sư Vũ Thị Mai Phương: Các yếu tố cấu thành của tội cướp tài sản gồm 4 yếu tố đó là: Mặt khách quan của tội phạm, mặt khách thể của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm và mặt chủ thể của tội phạm.
Theo đó, mặt khách quan của tội phạm, thứ nhất là dùng vũ lực, thứ 2 đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, thứ 3 là làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.
Hậu quả của việc phạm tội ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người bị hại
Về mặt chủ quan của tội phạm, đó là người phạm tội không chỉ cố ý thực hiện hành vi mà còn có mục đích chiếm đoạt tài sản, ý thức chiếm đoạt tài sản có trước khi thực hiện hành vi. Mặt khác, chủ thể của tội phạm đối với tội cướp xâm phạm đến 2 quan hệ xã hội. Đó là quyền nhân thân, là sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và quyền tài sản. Chủ thể của tội phạm, là bất kỳ người nào từ 14 tuổi trở lên khi thực hiện hành vi và có năng lực trách nhiệm hình sự.
PV: Cướp tài sản khác gì so với tội cướp giật tài sản, thưa luật sư?.
Luật sư Vũ Thị Mai Phương: Tội cướp và tội cướp giật tài sản có những điểm giống nhau và khác nhau. Điểm giống nhau ở đây là nhằm chiếm đoạt tài sản và đều là lỗi cố ý trực tiếp. Chủ thể của tội phạm đều là người từ 14 tuổi trở lên và đều là những hành vi rất nguy hiểm cho xã hội cũng như cho người bị hại.
Mặt khác nhau, tội cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản.
Tội cướp khác tội cướp giật là xâm hại đến 2 quan hệ xã hội, đó là quan hệ về quyền nhân thân và quan hệ về quyền tài sản.
Còn tội cướp giật tài sản, đó là hành vi lợi dụng sơ hở hoặc tạo ra sơ hở của bị hại để thực hiện hành vi một cách công khai để chiếm đoạt tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát. Có nghĩa, người phạm tội chỉ mong lấy được tài sản rồi lại mong nhanh chóng tẩu thoát, không có ý định tấn công, hay đe dọa người bị hại
Điểm khác nữa là tội cướp giật không xâm phạm đến quan hệ về nhân thân.
Tội cướp là tội nguy hiểm cho người bị hại và cho xã hội. Tội cướp nói chung nguy hiểm hơn so với tội cướp giật tài sản nên Bộ luật hình sự quy định khung hình phạt của tội cướp tài sản cao hơn tội cướp giật tài sản. Và Bộ Luật hình sự cũng quy định về khung hình phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với hành vi chuẩn bị phạm tội của tội cướp tài sản. Còn đối với tội cướp giật tài sản thì Bộ luật hình sự không quy định hình phạt tù đối với hành vi chuẩn bị phạm tội. Nghĩa là không phải chịu trách nhiệm hình sự
PV: Theo quy định của pháp luật, người có hành vi cướp tài sản của người khác sẽ bị xử lý như thế nào.
Luật sư Vũ Thị Mai Phương: Căn cứ để xác định người có hành vi cướp tài sản của người khác và các mức của khung hình phạt được quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017.
Theo đó, khoản 1 được quy định là người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi làm người khác bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 3-10 năm.
Khoản 2 quy định, phạm tội tăng nặng, thứ nhất phạt tù từ 7-15 năm. Khoản 3 quy định khung hình phạt tăng nặng thứ hai phạt tù từ 12-20 năm. Khoản 4 quy định đối với khung hình phạt tăng nặng thứ ba phạt tù từ 18 -20 năm hoặc tù chung thân.
Đối với khoản 5, người chuẩn bị phạm tội cũng có thể bị phạt tù từ 1-5 năm. Đối với Khoản 6 thì quy định về hình phạt bổ sung, người phạm tội thì có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng.
Phạt quản chế cấm cư trú từ 1-5 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
PV: Thưa luật sư, giá trị tài sản bị cướp có phải là một trong những tình tiết tăng nặng định khung hình phạt không?
Luật sư Vũ Thị Mai Phương: Giá trị tài sản cũng là một trong những điều kiện để quy định về định khung hình phạt tăng nặng.
Đối với việc tăng nặng thứ nhất, đó là tài sản có giá trị từ 50- 200.000.000 đồng. Đối với khung hình phạt tăng nặng thứ 2, giá trị tài sản là từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng. Khung hình phạt tăng nặng thứ ba, giá trị tài sản từ 500.000.000 đồng trở lên.
PV: Vậy giá trị tài sản bị cướp được xác định như thế nào thưa?
Luật sư Vũ Thị Mai Phương: Giá trị tài sản bị cướp, được tính là tài sản người phạm tội đã cướp của người bị hại quy đổi ra với giá bán tương đương trên thị trường ở thời điểm bị cướp hoặc là áp giá theo quy định của Tòa án.
Tuy nhiên, hiện nay chưa thấy cơ quan điều tra, tòa án có bảng khung để áp giá mà chỉ có thể xác định giá trị của tài sản theo lời khai của bị hại.
PV: Thưa luật sư, khi bị cướp tài sản hoặc phát hiện hành vi cướp tài sản, người dân có thể gửi tin báo tố giác tội phạm ở đâu?
Luật sư Vũ Thị Mai Phương: Người dân có thể báo cho cơ quan công an gần nhất như Công an phường, xã, quận, huyện nơi xảy ra hành vi bị cướp. Trong đó, có thể trình bày cụ thể về nhân thân của mình, trình bày rõ bị cướp hoặc chứng kiến hành vi cướp, nêu rõ thời gian, địa điểm mô tả và đối tượng thực hiện hành vi.
Trong trường hợp cấp bách, người bị hại hoặc người chứng kiến hành vi bị cướp có thể hô hoán để những người xung quanh giúp đỡ. Qua đó, đảm bảo giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về sức khỏe. tài sản của người bị hại.
PV: Vâng, xin cảm ơn luật sư./.