Vĩnh viễn mất đi người thân vì sự bốc đồng của những đứa trẻ mới lớn
VOV.VN - Luật sư Đỗ Thành Hưng (Giám đốc công ty luật TNHH LTH, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, nhiều gia đình không bao giờ có cơ hội gặp lại người thân của mình chỉ vì một phút bốc đồng của những đứa trẻ mới lớn
Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, thời gian gần đây, tình hình “tội phạm đường phố” có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng thanh thiếu niên tụ tập thành các nhóm đông, điều khiển phương tiện mang theo vũ khí, dao, kiếm, công cụ hỗ trợ tham gia giao thông, sẵn sàng sử dụng vũ khí để thực hiện các hành vi phạm tội như: cố ý gây thương tích, giết người, gây rối trật tự công cộng...
Từ năm 2011, Công an TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 141 về việc tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng điều khiển mô tô, xe máy lạng lách, đánh võng, chở người sai quy định mang theo vũ khí tham gia giao thông. 13 năm qua, lực lượng 141 góp phần quan trọng bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô, đã phát hiện, bắt giữ hơn 14.000 vụ với khoảng 17.600 đối tượng có dấu hiệu phạm tội, xử lý hình sự đối với hàng nghìn đối tượng, chủ yếu liên quan đến tàng trữ trái phép chất ma túy, vũ khí quân dụng, trộm cắp tài sản...
Vụ việc gần đây nhất là rạng sáng ngày 3/11, nhóm “quái xế” gồm các thanh thiếu niên từ 16 đến 19 tuổi phóng xe ngược chiều, đâm tử vong một cô gái đang dừng đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu, gây bức xúc rất lớn trong dư luận, tước đi sinh mạng và gây đau thương, tang tóc cho gia đình nạn nhân. Vụ việc dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh với một bộ phận thanh thiếu niên ham chơi, thiếu hiểu biết pháp luật và hành xử bất chấp các quy định. PV VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn luật sư Đỗ Thành Hưng (Giám đốc công ty luật TNHH LTH, Đoàn luật sư TP Hà Nội) về vấn đề này.
PV: Thưa luật sư, với vụ việc mới nhất xảy ra tại Hà Nội khi nhóm “quái xế” đâm tử vong một cô gái đang dừng đèn đỏ, cá nhân ông suy nghĩ gì?
Luật sư Đỗ Thành Hưng: Từ trước đến nay, chúng ta không hiếm thấy những bản tin về việc đua xe trái phép gây ra những hậu quả rất thương tâm. Qua sự việc này cho thấy việc đua xe trái phép không hề giảm mà còn gia tăng và hậu quả thì vô cùng lớn. Ngay giữa nội thành thủ đô mà nhóm “quái xế” này vẫn bất chấp phóng xe với tốc độ cao không màng đến nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh khi đang tham gia giao thông.
Từ đó có thể thấy nhóm “quái xế” này đã coi thường mạng sống của những người đang tham gia giao thông cũng như coi thường pháp luật. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, cũng cần lưu ý và xem xét đến trách nhiệm của những người giao xe cho cho nhóm “quái xế” này điều khiển phương tiện. Cùng với đó, cần tăng cường nhận thức trong gia đình và nhà trường, nâng cao hơn nữa công tác giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi thanh thiếu niên.
PV: Việc các nhóm thanh thiếu niên tụ tập, phóng nhanh vượt ẩu, mang theo hung khí đã trở thành vấn nạn nhiều năm nay, không ít lần dẫn đến hậu quả gây thương vong. Theo luật sư, đâu là nguyên nhân của vấn nạn này và liệu chúng ta có cách nào để xử lý triệt để hay không?
Luật sư Đỗ Thành Hưng: Vấn nạn này đã xảy ra trong nhiều năm, nguyên nhân xuất phát từ rất nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như: Đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi thanh thiếu niên là chưa nhận thức hết những hậu quả do hành vi của mình gây ra cho xã hội; do môi trường gia đình bỏ rơi, buông lỏng quản lý; do môi trường xã hội thiếu những không gian giải trí lành mạnh hay sự bùng nổ của CNTT như hiện nay khiến trẻ tiếp xúc với môi trường bạo lực và kích động quá nhiều và quá sớm…
Để giải quyết triệt để vấn nạn này thì cần kết hợp xử lý từ tất cả các nguyên nhân nêu trên. Đồng thời các cơ quan có thẩm quyền cần quyết liệt hơn nữa trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm này. Bởi đa số những trường hợp thanh niên tụ tập, phóng nhanh vượt ẩu, mang theo hung khí khi không gây ra hậu quả nghiêm trọng thì chỉ bị xử lý hành chính và chưa kể những trường hợp không bị phát hiện và xử lý nên từ đó vấn nạn này vẫn luôn âm ỉ tái diễn trong cuộc sống thường nhật của chúng ta.
PV: Theo luật sư, điều gì gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi xử lý các nhóm “quái xế” lộng hành trên đường phố?
Luật sư Đỗ Thành Hưng: Các đối tượng đua xe thường thông qua các ứng dụng mạng xã hội kêu gọi tụ tập thành từng nhóm nhỏ, không theo quy luật, có thể tụ tập bất kỳ đêm nào trong tuần, tụ tập môtô, xe máy phóng nhanh, lạng lách biểu diễn với các nhóm 30 - 50 xe và có những nhóm trên 100 xe. Những xe này thường là xe biển số giả, biển số bị che hoặc không biển số, khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác minh, xử lý...
Việc xử lý hình sự các đối tượng đua xe gặp rất nhiều khó khăn vì để xác định hành vi đua xe trái phép buộc phải làm rõ nhiều tình tiết: cuộc đua đó được tổ chức như thế nào, có trọng tài là ai, thời điểm nào xuất phát cũng như địa điểm bắt đầu diễn ra cuộc đua và thời điểm kết thúc cuộc đua.
Chính vì vậy mà đa số các trường hợp vi phạm chủ yếu là bị xử lý hành chính mà không khởi tố các đối tượng đua xe trái phép, hoặc nếu có khởi tố thì cũng rất hiếm.
PV: Trong quá trình làm việc, luật sư đã từng chứng kiến vụ án nào tương tự chưa? Cảm xúc của những người trong cuộc là như thế nào, thưa ông?
Luật sư Đỗ Thành Hưng: Trong quá trình hành nghề của mình, tôi cũng đã chứng kiến khá nhiều vụ án tương tự. Đây là những sự việc không mong muốn. Tuy nhiên khi sự việc đã rồi thì người có hành vi vi phạm đầu tiên là vô cùng hoảng loạn, một phần do đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi, phần vì hậu quả mà hành vi vi phạm gây ra là những mất mát về con người và vật chất vô cùng to lớn mà những đứa trẻ vị thành niên chưa bao giờ ngờ tới bởi đa phần trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội, họ đều rất tự tin rằng, kết quả xấu nhất sẽ không xảy ra. Sau đó là cảm xúc ăn năn hối cải nhưng cũng đã muộn màng.
Về phía người bị hại và gia đình bị hại, có người bị thương nặng cả đời không thể trở lại thành người bình thường, có người mất đi cả mạng sống và người thân của họ cũng là những người phải chịu cảm giác đau đớn tột cùng khi phải chứng kiến người thân của mình chịu đau đớn là hậu quả của vụ tai nạn giao thông để lại, hay thậm trí còn không bao giờ có cơ hội gặp lại người thân của mình nữa chỉ vì một phút bốc đồng của những đứa trẻ mới lớn. Tôi mong những trường hợp tương tự như vậy sẽ không tiếp tục tái diễn thêm nữa.
PV: Trong thời đại truyền thông số, mạng xã hội bùng nổ, một số thanh thiếu niên khai nhận đã tham gia đua xe, cầm hung khí để quay clip đăng lên mạng xã hội cho “oai”. Đối với vấn đề này thì quy định của pháp luật hiện hành có chế tài xử lý như thế nào, thưa luật sư?
Luật sư Đỗ Thành Hưng: Đây là những hành vi có tính chất gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tùy tính chất và mức độ hành vi thì người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 123/2021/NĐ-CP) là phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 15.000.000 đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép và có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng và tịch thu phương tiện hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đua xe trái phép với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc tùy trường hợp có thể bị truy cứu về tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định của BLHS, hình phạt cao nhất có thể lên đến 07 năm tù.
PV: Pháp luật có những quy định như thế nào về việc thanh thiếu niên phạm tội? Phải chăng việc pháp luật có quy định nhân văn đối với thanh thiếu niên phạm tội là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận giới trẻ đang hành động bất chấp pháp luật?
Luật sư Đỗ Thành Hưng: Pháp luật hiện nay quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà BLHS có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của BLHS. Hiện nay, BLHS có những quy định riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Hầu hết những quy định này đều mang tính chất răn đe, phòng ngừa nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Người phạm tội dưới 18 tuổi sẽ được xử lý bằng cách áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự (khiển trách; hòa giải tại cộng đồng; giáo dục tại xã, phường, thị trấn) hay bị xử lý bằng cách áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Về hình phạt, khi xét xử Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa và đặc biệt là quy định không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Đa số các trường hợp thanh thiếu niên phạm tội là do không nhận thức hết được hậu quả mà hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra, sau khi thực hiện hành vi thì đều rất ăn năn, hối cải, nhưng bên cạnh đó vẫn còn có một số rất ít trường hợp đã nhận thức được chính sách pháp luật khoan hồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội để lợi dụng mà bất chấp vi phạm.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét xử lý cả hành vi giao xe khi chưa đủ điều kiện của các phụ huynh. Luật sư có thể cho biết pháp luật quy định thế nào về những trường hợp giao xe như vậy?
Luật sư Đỗ Thành Hưng: Trong trường hợp giao xe hoặc để cho người chưa đủ điều kiện (về độ tuổi, sức khỏe, chưa có GPLX phù hợp với loại xe được phép điều khiển) điều khiển phương tiện thì chủ phương tiện/người giao phương tiện có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Tại khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP với mức phạt là phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ phương tiện.
Trong trường hợp người được giao phương tiện khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiệnmà gây hậu quả nghiêm trọng như: làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại sửa khỏe cho người khác theo quy định hay gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng thì người giao phương tiện còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 264 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
PV: Luật sư có lời khuyên nào dành cho các phụ huynh đang có con ở tuổi thanh thiếu niên dễ có hành vi mang tính chất “nổi loạn”, để tránh những hậu quả không mong muốn?
Luật sư Đỗ Thành Hưng: Hiện nay, tội phạm ở độ tuổi thanh thiếu niên đang rất phổ biến. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này. Tuy nhiên, có một nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhất đó là gia đình bỏ rơi, buông lỏng quản lý, bỏ mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường và xã hội. Gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa tội phạm ở độ tuổi thanh thiếu niên, vì vậy các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý để có thể quan tâm, chăm sóc và giáo dục con cái, cùng nhà trường và xã hội giáo dục con cái kịp thời phát hiện, uốn nắn khi con cái có những hành vi sai trái góp phần phòng chống tội phạm ở độ tuổi “nổi loạn” này. Để hạn chế và ngăn ngừa việc trẻ vị thành niên phạm tội, gia đình cần lưu ý một số vẫn đề sau:
Các bậc phụ huynh cần có những kiến thức về tâm sinh lý của trẻ để có những phương pháp giáo dục phù hợp với từng độ tuổi, phụ huynh cũng cần trang bị cho trẻ kỹ năng sống, kỹ năng đối phó và tự giải quyết vấn đề để giúp trẻ biết tự kiềm chế, tự kiểm soát, tự điều chỉnh thái độ và hành vi phù hợp với chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần trang bị kiến thức pháp luật để hướng dẫn, truyền đạt cho trẻ về mức độ và hậu quả của những hành vi phạm pháp nhằm răn đe và giúp trẻ ý thức về hậu quả của những hành động phạm pháp nếu vi phạm.
Đặc biệt, gia đình và người thân cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường và địa phương trong việc quản lý, giáo dục con cái, nhất là với việc giao xe cho con trẻ khi chưa đủ điều kiện tham gia giao thông.
PV: Vâng, xin cảm ơn luật sư.