Đề nghị mức án đối với cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ
VOV.VN - Cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ bị đề nghị mức án 8 – 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.
Sáng 4/8, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án Vi phạm bồi thường giải phóng mặt bằng tại Dự án Cảng hàng không Điện Biên. Bị cáo Trần Thị Hòa vắng mặt tại phiên tòa vì lý do sức khỏe không đảm bảo.
Sau khi kết thúc phần xét hỏi, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Điện Biên công bố bản luận tội, đề nghị mức án đối với 9 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Tuấn Anh, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ bị đề nghị mức án 8 - 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.
Cùng tội danh này, các bị cáo: Phạm Trung Kiên bị đề nghị 4 - 5 năm tù; Trần Xuân Mạnh bị đề nghị 4 - 5 năm tù; Nguyễn Đình Hiệp bị đề nghị 6 - 7 năm tù; Bùi Thị Ánh bị đề nghị 4 - 5 năm tù; Bùi Mạnh Cường bị đề nghị 5 - 6 năm tù.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Khương, bị đề nghị 8 - 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”; 1 - 2 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt 9-11 năm tù.
Bị cáo Trần Thị Vân bị đề nghị 7 - 8 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”; 1 - 2 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt 8-10 năm tù.
Bị cáo Trần Thị Hòa bị đề nghị 36 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trong quá trình xét xử, sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên công bố cáo trạng, các bị cáo Nguyễn Tuấn Anh; Nguyễn Đình Hiệp và Bùi Thị Ánh - nhân viên phòng Tài nguyên và Môi trường không đồng ý với cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Tuấn Anh đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình và khẳng định, lời khai của các bị cáo khác về mình là đúng với diễn biến nội dung sự việc. Đồng thời, cựu Phó Chủ tịch Thành phố mong muốn tiếp tục được đề nghị gia đình, người thân nộp tiền khắc phục hậu quả. Bị cáo Bùi Thị Ánh cũng thừa nhận sai phạm khi nhận hồ sơ lập phương án đợt 31 thấy không có biên bản niêm yết công khai khái toán phương án, không có bản tổng hợp ý kiến của người bị thu hồi đất nhưng không trả hồ sơ để bổ sung.
Riêng bị cáo Nguyễn Đình Hiệp vẫn không thừa nhận hành vi phạm tội của mình và cho rằng bị oan vì theo văn bản số 927 của UBND TP Điện Biên Phủ về việc phân công nhiệm vụ cho các đơn vị thì việc tham mưu cho UBND TP phê duyệt là không trái với quy định.
Bị cáo Nguyễn Đình Hiệp và luật sư mong muốn được đối chất với đại diện cơ quan điều tra, người ban hành cáo trạng, đặc biệt đối chất với ông Hà Văn Đông – nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Điện Biên Phủ - cấp trên trực tiếp của bị cáo Hiệp.
Hầu hết bị cáo cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sai phạm do chưa hiểu hết quy định và bị thúc ép tiến độ trong quá trình thực hiện việc lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại Dự án Sân bay Điện Biên.
Trong phần xét hỏi, các luật sư cũng đặt nhiều câu hỏi cho các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác nhằm làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan trong việc Công ty Cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên phải trích lại 30% số tiền được bồi thường để ủng hộ Ban giải phóng mặt bằng.