Vụ hỗn chiến trên sông: Sông Yên “dậy sóng” vì đâu?

(VOV) - Mất đi nguồn sống, những người dân lương thiện bỗng chốc không ngại cầm dao, gạch đá đánh chém lẫn nhau.

Mâu thuẫn đã được báo trước

Việc khai thác ngao Nhớt (loại ngao to, màu vàng sẫm, giá trị kinh tế cao) của người dân ven dòng sông Yên có từ lâu đời. Nhiều năm nay, việc khai thác ngao nhớt tự nhiên trên sông Yên thành nghề chính của hàng trăm hộ dân hai xã Quảng Nham (Quảng Xương) và Hải Châu (Tĩnh Gia).

Nơi khai thác tự nhiên bỗng chốc thành địa điểm của trận hỗn chiến
Để khai thác được ngao nhớt ở độ sâu 3-5m nước, người dân phải buộc bè bằng cây luồng ghép lại, chèo ra sông rồi lặn hoặc dùng máy kéo lưỡi nạo để lấy ngao. Có thời điểm, cả xã Quảng Nham có trên 100 bè đi khai thác ngao tự nhiên, mỗi ngày, một người có thể kiếm được 200 đến 300 nghìn đồng, hôm nào trúng mánh thì được 500 nghìn đồng, có hôm cũng về không.

Cuộc sống yên bình cứ vậy, đời này qua đời khác con ngao nuôi sống người dân. Và hình thức khai thác tự nhiên trên không làm mất đi hệ sinh thái dòng sông.

Nhưng mọi chuyện thay đổi từ cuối năm 2012, đầu 2013 khi có một số người dân, hộ dân tự ý mang các loại cọc tre, luồng ra lưu vực khai thác tự nhiên cắm mốc, khoanh vùng làm thu hẹp vùng khai thác ngao nhớt tự nhiên. Trong khi khu vực khai thác ngao nhớt là lòng sông chứ không phải bãi bồi ven sông, là khu vực khai thác chung, không giao cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào cả.

Việc làm trên đã gây bức xúc cho những hộ kiếm sống từ ngao nhớt, không có nơi khai thác, không có nguồn thu, cuộc sống những gia đình, con người sống bằng nghề sông nước nơi đây đã khó khăn nay càng khó khăn thêm.

Người dân vẫn còn hoang mang, lo sợ vì mất kế sinh nhai
Chính vì lẽ đó, đầu tháng 4/2013, hàng chục hộ dân xã Quảng Nham đã đồng làm đơn tố cáo việc cắm cọc, thả luồng, khoanh vùng trên. Nội dung đơn người dân viết: Chúng tôi là những hộ dân nghèo của 4 thôn gồm thôn Điền, thôn Thanh, thôn Đông và thôn Hòa xin được báo cáo UBND xã, Công an xã Quảng Nham một việc như sau: vào 9h sáng ngày 5/4/2013 chúng tôi đang khai thác ngao tại khu vực sông Yên (khu vực chung, không giao bất cứ ai thuê, quản lý - PV) nhưng anh Phạm Văn Long và anh Trần Văn Hùng đều ở thôn Điền (Quảng Nham) lôi kéo và thuê một số kẻ xấu ở Tĩnh Gia, chạy thuyền, bè cầm dao, kiếm, mã tấu và các hung khí khác đe dọa, đánh và hành hung chúng tôi làm ăn trên dòng sông mà bao đời nay cha ông chúng tôi đã dựa vào đây kiếm sống, để nuôi dưỡng gia đình và vợ con. Chúng nó đã cố tình lao vào chém giết, đe dọa và nói đây là địa phận thuộc quyền của chúng nó, không cho những người lao động như chúng tôi làm ăn. Chúng nó còn mạnh miệng nói rằng “chúng bay còn bắt ngao, bắt ốc ở nơi đây thì chúng tao sẽ giết chết. Chúng tôi những người dân lao động nghèo ở 4 thôn quanh năm chỉ trông cậy vào nghề cào ngao, bắt ốc để mưu sinh nuôi vợ con mà vô lý bây giờ chúng nó tranh giành địa phận. Chúng tôi thiết nghĩ đây là tài sản Quốc gia, mọi người, mọi nhà đều có quyền đánh bắt khai thác, huống hồ từ ngàn năm nay ông cha chúng tôi đã sống dựa vào dòng sông Yên này để kiếm sống và mưu sinh (trích từ đơn của người dân).

“Ngăn sông, cấm chợ”

Nhận được thông tin từ người dân, UBND huyện Quảng Xương đã có văn bản chỉ đạo xã Quảng Nham nhanh chóng giải quyết nhưng hộ dân cắm cọc trái phép trên tuyến sông Yên. Triển khai ý kiến chỉ đạo, xã Quảng Nham đã thông báo cho các hộ dân nhổ hết các loại cọc cắm trên sông, khu vực không được giao, nơi người dân khai thác tự nhiên xưa nay.


Theo thống kê của UBND xã Quảng Nham thì toàn xã có 18 hộ đã tự ý ra cắm cọc, thả luồng tiêu và đóng đăng đáy trên sông Yên không có hợp đồng thuê đất. Cũng theo thông báo của xã Quảng Nham thì từ đầu năm 2013 một số hộ dân trong xã và một số hộ dân thuộc huyện Tĩnh Gia đã gia tăng cắm cọc và thả luồng ra ngoài mốc giới. Nghiêm trong hơn, các hộ dân còn san cồn, bãi, bơm cát bùn ra sông, mở mang diện tích nuôi trồng và thu hoạch ngao tự nhiên. Chính vì vậy, xã Quảng Nham đã lập kế hoạch và yêu cầu các hộ của xã nhổ cọc, dừng việc san bãi.

Sau khi triển khai, người dân trong xã đã chấp hành và ký cam kết không vi phạm.

Tưởng chừng cuộc sống đã trở lại như xưa, nhưng cũng từ khi đó, mâu thuẫn giữa một số người dân khai thác ngao nhớt với một số người dân của xã Hải Châu (Tĩnh Gia) bắt đầu và ngày càng gia tăng.

Tuy bên xã Quảng Nham đã không còn cắm cọc, thế nhưng bên Hải Châu vẫn chưa được giải quyết. Người dân hai xã tuy cùng với nhau khai thác ngao nhưng lại xảy ra mâu thuẫn chính từ việc cắm cọc, khoanh vùng phân chia ranh giới như hình thức cấm xâm phạm, “ngăn sống, cấm chợ”. Việc ngày càng nghiêm trọng hơn khi bè khai thác ngao mỗi ngày một giảm vì không còn nơi khai thác, nếu bè bên Quảng Nham sang phần bên kia sông thì bị người của Hải Châu đuổi không cho khai thác, nếu đi vào phần đã được cắm cọc coi như đã xâm phạm “lãnh địa” bên kia. Trong khi tất cả đều là vùng khai thác ngao tự nhiên, không được giao cho bất cứ ai và việc cắm cọc, thả luồng là trái qui định pháp luật.

Và hỗn chiến

Rồi cái gì đến đã đến, mâu thuẫn không được giải quyết kịp thời, trưa ngày 7/7, hai bên đã tổ chức lực lượng, chuẩn bị hung khí để đánh nhau chỉ vì việc tranh chấp khu vực khai thác ngao tự nhiên. Phía Quảng Nham, khoảng 60 người đã tổ chức khoảng 30 bè nhỏ (loại bè kết bằng cây luồng dùng để đi cào ngao, mỗi bè từ 2 đến 3 người) để tiến sang “giành lại những gì đã mất”. Bên Hải Châu cũng bố trí 1 thuyền máy (loại 15CV, dài 8m - rộng 4m) và 2 bè với khoảng gần 20 người tham gia.

Nhằm thẳng hướng nhau mà xông tới, hai bên đã hỗn chiến, ẩu đả bằng dao, gạch, đá, thanh sắt khiến 3 người chết, 9 người bị thương nặng. Người chết gồm: Ông Tô Văn Dũng (SN 1952), ông Lê Văn Hiệu (SN 1966), đều ở xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia và anh Lê Kim Cường  trú tại xã Quảng Ninh, Quảng Xương.

Trận hỗn chiến kinh hoàng làm 3 người chết, 9 người bị thương nặng.

Chín người khác bị thương gồm: Anh Tô Văn Dần (SN 1977), anh Tô Văn Mạnh (SN 1973), anh Tô Văn Thêm (SN 1961), Lê Văn Linh, Phạm Đăng Hồng (SN 1964), Lê Văn Hoà (SN 1962) đều trú tại huyện Tĩnh Gia. Phía xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương có 3 người bị thương gồm: Anh Đinh Văn Hà (SN 1982), anh Trần Văn Quân (SN 1985) và anh Nguyễn Văn Tuyển (SN 1987) đều ở xóm Điền, xã Quảng Nham, Quảng Xương.

Vùng quê vốn dĩ yên bình ven sông Yên ngày nào nay là nỗi kinh hoàng mỗi khi nhắc đến. Hậu quả xảy ra đang được các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa tiến hành giải quyết, đưa những kẻ chủ mưu, giết người ra xét xử trước pháp luật.

Tuy vậy, người dân hai địa phương vẫn từng ngày mong các cấp có hướng giải quyết dứt điểm, không để xảy ra việc tranh chấp, lấn chiếm và bảo vệ chính đáng nơi khai thác, đánh bắt ngao, ốc là cuộc sống của hàng trăm hộ dân bao đời nay./.

Ngao nhớt, loại ngao to từ bao đời nay người dân nơi đây khai thác là nguồn sống chính

Ông Trần Xuân Lờ - Phó chủ tịch UBNX Quảng Nham cung cấp hồ sơ, số liệu từ việc cắm cọc trái phép trước khi hỗn chiến

Người dân đã làm đơn tố cáo việc cắm cọc, khoanh vùng trước khi xảy ra hỗn chiến

Danh sách các hộ cắm cọc, thả luồng, đăng đó trái phép của Quảng Nham

Những người cào ngao lương thiện xưa nay vẫn bám lấy con sông mà sống

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên