Vụ lật xe khách ở Phú Yên: Tài xế thiếu bằng lái, trách nhiệm chủ xe đến đâu?

VOV.VN - Liên quan đến vụ lật xe khách ở Phú Yên ngày 8/2 khiến 3 người chết, 26 người bị thương, luật sư cho rằng, trường hợp người quản lý doanh nghiệp biết rõ lái xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện nhưng vẫn giao phương tiện thì có thể bị xem xét trách nhiệm.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Sông Cầu, Công an tỉnh Phú Yên đã thực thi lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với lái xe Phạm Quốc Huy (sinh năm 1985, trú tại thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 Bộ Luật Hình sự. 

Trong vụ việc này, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Phú Yên thông tin, lái xe Phạm Quốc Huy âm tính với nồng độ cồn và ma túy nhưng không đủ các điều kiện theo quy định để điều khiển xe khách. Lái xe Huy chỉ có giấy phép lái xe hạng C (điều khiển ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe). Trong khi đó, người điều khiển ô tô chở người từ 10 - 30 chỗ ngồi phải có giấy phép lái xe hạng D, trên 30 chỗ ngồi phải có giấy phép lái xe hạng E. 

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng đại diện Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng, hành vi không có giấy phép lái xe phù hợp là lỗi vi phạm hành chính. Đây không phải là căn cứ để xử lý hình sự đối với người điều khiển phương tiện này.

Để xử lý hình sự người lái xe trong tình huống này, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ người này có làm chủ tốc độ hay không, có chú ý quan sát hay không, có tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn khi điều khiển phương tiện này hay không.

Trong trường hợp người này có lỗi trong quá trình điều khiển phương tiện dẫn đến hậu quả vụ tai nạn xảy ra thì sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 bộ luật hình sự với hình phạt là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm theo khoản 3, Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra cần phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh người điều khiển phương tiện này đã có lỗi là thực hiện một trong các hành vi như: điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, chuyển hướng, chuyển làn không đảm bảo quy tắc an toàn… Hoặc có các hành vi khác vi phạm luật trật tự an toàn giao thông đường bộ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả vụ tai nạn xảy ra thì mới có căn cứ để kết tội đối với người điều khiển phương tiện này.

"Người này không có giấy phép lái xe phù hợp là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi lượng hình chứ không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn xảy ra. Người không có giấy phép lái xe hoặc không có giấy phép lái xe phù hợp không tất yếu dẫn đến vụ tai nạn giao thông xảy ra, đó chỉ có thể là nguyên nhân thúc đẩy làm cho nguy cơ xảy ra cao hơn và tính chất có thể nghiêm trọng hơn" - luật sư Cường phân tích.

Ngoài việc phải đối mặt với hình phạt, người điều khiển xe phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút, tiền phục hồi chức năng, tổn thất về tinh thần. Đối với nạn nhân đã tử vong, còn phải bồi thường chi phí mai táng, nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân phải cấp dưỡng theo quy định của pháp luật.

Trong vụ việc này, luật sư Cường cũng cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp. Bởi, trong trường hợp người gây tai nạn giao thông là người làm công của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có trách nhiệm phải bồi thường trực tiếp cho các nạn nhân sau đó yêu cầu người gây tai nạn bồi hoàn trả lại. 

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hành vi của người điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ để xử lý đối với hành vi này. Trong trường hợp người quản lý doanh nghiệp biết rõ người này không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện nhưng vẫn giao phương tiện cho người này điều khiển dẫn đến tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng thì người giao phương tiện cho người này cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 263 bộ luật hình sự. 

Cụ thể, Điều 263: Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trong đó quy định, người nào có thẩm quyền mà biết rõ người không có giấy phép lái xe, không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật mà vẫn điều động người đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.

Cụ thể, làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100- dưới 500 triệu đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500- đến dưới 1,5 tỷ đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: Làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trong vụ việc này nếu vụ tai nạn xảy ra do lỗi kĩ thuật, không có lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông thì người này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên người điều động người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ điều khiển phương tiện khi không đủ điều kiện thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 263 bộ luật hình sự.

Còn trường hợp chứng minh người điều khiển phương tiện cũng có lỗi thì cả người điều khiển phương tiện và người giao phương tiện, phân công cho người này điều khiển đều bị truy cứu về các tội danh khác nhau quy định tại điều 260 và điều 263 bộ luật hình sự, theo luật sư Cường. 

Theo luật sư Cường, vụ việc này sẽ là bài học cho công tác quản lý hoạt động vận tải cũng như ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Hậu quả của vụ tai nạn này là rất nghiêm trọng, gây đau thương đến nhiều gia đình và cá nhân.  

Bởi vậy, ngoài trách nhiệm pháp lý phải đối mặt thì người phạm tội, người gây thiệt hại có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân và các nạn nhân bị thương tích. Những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, về tài sản, về tổn thất tinh thần do các bên thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, không thỏa thuận thì những người bị thiệt hại sẽ đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.​

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bắt giữ lái xe khách gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ở Phú Yên
Bắt giữ lái xe khách gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ở Phú Yên

Lái xe Phạm Quốc Huy điều khiển xe khách mang biển kiểm soát 50H - 35547 chạy theo tuyến Đà Nẵng - Đà Lạt đâm vào dải phân cách rồi lật nghiêng khiến 3 người tử vong tại chỗ và 26 người bị thương.

Bắt giữ lái xe khách gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ở Phú Yên

Bắt giữ lái xe khách gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ở Phú Yên

Lái xe Phạm Quốc Huy điều khiển xe khách mang biển kiểm soát 50H - 35547 chạy theo tuyến Đà Nẵng - Đà Lạt đâm vào dải phân cách rồi lật nghiêng khiến 3 người tử vong tại chỗ và 26 người bị thương.

Vụ lật xe khách ở Phú Yên: Tập trung cứu chữa các nạn nhân
Vụ lật xe khách ở Phú Yên: Tập trung cứu chữa các nạn nhân

VOV.VN - Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định tập trung tối đa, đảm bảo nhân vật lực để chạy chữa cho các nạn nhân gặp nạn trong vụ lật xe khách tại Phú Yên.

Vụ lật xe khách ở Phú Yên: Tập trung cứu chữa các nạn nhân

Vụ lật xe khách ở Phú Yên: Tập trung cứu chữa các nạn nhân

VOV.VN - Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định tập trung tối đa, đảm bảo nhân vật lực để chạy chữa cho các nạn nhân gặp nạn trong vụ lật xe khách tại Phú Yên.

Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ở Phú Yên: Tài xế không có giấy phép lái xe
Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ở Phú Yên: Tài xế không có giấy phép lái xe

VOV.VN - Chiều nay (8/2), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với tài xế Phạm Quốc Huy (40 tuổi) trú thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai trong vụ tai nạn xe khách khiến 3 người chết, 26 người bị thương.

Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ở Phú Yên: Tài xế không có giấy phép lái xe

Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ở Phú Yên: Tài xế không có giấy phép lái xe

VOV.VN - Chiều nay (8/2), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với tài xế Phạm Quốc Huy (40 tuổi) trú thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai trong vụ tai nạn xe khách khiến 3 người chết, 26 người bị thương.