Vụ lùi xe ô tô trong sân trường khiến 1 học sinh tử vong dưới góc nhìn pháp lý
VOV.VN - Phân tích vụ lùi xe ô tô trong sân trường khiến 1 học sinh tử vong, luật sư cho rằng, vụ việc có dấu hiệu hình sự, người điều khiển phương tiện thiếu chú ý quan sát khi lùi xe, bất cẩn dẫn đến vụ tai nạn giao thông. Do vậy, người này được xác định là có lỗi.
Liên quan đến vụ phụ huynh lùi xe ôtô trong sân trường khiến một em học sinh tử vong, tối 16/9, Công an huyện Krông Búk (Đắk Lắk) ra quyết định tạm giữ hình sự tài xế để điều tra.
Như tin đã đưa, sáng 16/9, do trời mưa nên ông L.V.N. (32 tuổi, trú xã Ea Sin), huyện Krông Búk đã lái xe ôtô chở con mình vào Trường Tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân, xã Ea Sin. Tuy nhiên, khi tài xế lùi xe thì cán trúng một em học sinh lớp 2, khiến nạn nhân tử vong.
Qua theo dõi thông tin về vụ việc, Tiến sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, hành vi của phụ huynh này là rất bất cẩn, rất đáng trách và có dấu hiệu tội phạm nên việc cơ quan điều tra tạm giữ hình sự để xem xét xử lý là có căn cứ. Tuy nhiên, để khởi tố về tội danh gì thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhiều vấn đề. Trong đó, cũng cần xác định khu vực gây tai nạn đó có phải là khu vực “đường bộ” hay không?
Luật sư Cường phân tích, hiện nay Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ 2024 vẫn chưa có hiệu lực pháp luật. Bởi vậy, đơn vị chức năng sẽ áp dụng Luật giao thông đường bộ được Quốc hội ban hành năm 2008 để xem xét các vấn đề về pháp lý.
Cụ thể, Khoản 1, Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008, quy định: “đường bộ bao gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ”.
Trong đó: Đường: nền đường, mặt đường, lề đường, lề phố; Cầu đường bộ: cầu vượt sông, cầu vượt khe núi, cầu vượt trong đô thị, cầu vượt đườn sắt, cầu vượt đường bộ, cầu vượt biển và bao gồm cầu dành cho người đi bộ.
Hầm đường bộ bao gồm hầm qua núi, hầm ngầm qua sông, hầm chui qua đường bộ, hầm chui qua đường sắt, hầm chui qua đô thị và hầm dành cho người đi bộ. Bên cạnh đó còn có bến phà, cầu phao đường bộ, đường ngầm, đường tràn.
Do vậy, theo trưởng Văn phòng luật Chính Pháp, hành vi vi phạm quy định khi tham gia giao thông trên đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, với hành vi tham gia giao thông, điều khiển các phương tiện giao thông không phải khu vực được xác định là đường bộ thì sẽ không đủ căn cứ để xử lý về tội danh này, khi đó nếu có lỗi vô ý làm chết người thì sẽ xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 bộ luật hình sự.
“Một điều cũng đáng lưu ý là khi người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đi vào đường cấm, khu vực cấm thì cũng có thể được xác định là hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Bởi vậy, trong tình huống này sân trường này có biển cấm hay không, cơ quan chức năng có xác định đây là khu vực cấm xe ô tô hay không? Nếu là khu vực cấm xe ô tô, xe ô tô không được phép di chuyển vào đây thì cũng có thể xem xét xử lý về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự do xe ô tô đi vào khu vực cấm.
Còn trường hợp sân trường không phải là khu vực cấm tham gia giao thông, chưa có căn cứ xác định sân trường này là khu vực cơ quan có thẩm quyền cấm tham gia giao thông thì không đủ căn cứ để xử lý về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, khi đó có thể xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại điều 128 Bộ luật Hình sự.
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, người này mới lấy bằng lái xe được ba tháng, điều khiển xe ô tô bán tải vào trường tiểu học, sau khi lùi xe thì đã cán phải một em học sinh lớp 2 dẫn đến cháu bé này tử vong và gây thương tích cho hai cháu bé khác.
Với diễn biến sự việc ban đầu như vậy, luật sư Cường cho rằng, vụ việc này có dấu hiệu hình sự, người điều khiển phương tiện này thiếu chú ý quan sát khi lùi xe, bất cẩn dẫn đến vụ tai nạn giao thông. Do vậy, người này được xác định là có lỗi, đó là lỗi vô ý và hậu quả cháu bé tử vong.
“Sự việc xảy ra trong sân trường, khuôn viên nhà trường không phải khu vực đường bộ. Bởi vậy, với lỗi vô ý gây hậu quả chết người thì có thể xử lý về nhiều tội danh. Trong đó, có tội vô ý làm chết người, tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ… Việc xử lý về tội danh nào sẽ căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành tội phạm, đặc biệt trong tình huống này là phải xem xét đến địa điểm, xác định hiện trường của vụ án có phải là “đường bộ” theo quy định của pháp luật hay không?”, luật sư Cường phân tích.
“Trường hợp xử lý về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn, làm rõ nhận thức và diễn biến hành vi của người điều khiển chiếc xe ô tô bán tải này, đánh giá hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp có lỗi thì chắc chắn sẽ xử lý hình sự, vấn đề xử lý về tội danh gì sẽ phụ thuộc vào hành vi vi phạm và địa điểm xảy ra vi phạm có thuộc phạm vi điều chỉnh của luật giao thông đường bộ hay không. Nếu không xử lý về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì cũng sẽ xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người với chế tài nghiêm khắc”- luật sư Cường nói.
Trong vụ việc này, luật sư Cường cho rằng, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trách nhiệm của bảo vệ, của lãnh đạo nhà trường về các công tác đảm bảo an toàn cho học sinh.