Vụ nổ súng tại Tiên Lãng: Khởi tố 4 bị can về tội giết người
Hiện vẫn còn hai đối tượng Đoàn Văn Thoại và Phạm Văn Thái đang được kêu gọi ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng.
- Nghi can nã súng làm 6 chiến sĩ trọng thương khai gì?
- Giám đốc CA Hải Phòng nói về vụ nổ súng bắn 6 chiến sĩ
- Nghi can nổ súng bắn chiến sĩ tại Hải Phòng đầu thú
- Khởi tố vụ án nổ súng tại Hải Phòng
Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hải Phòng vừa đưa ra Quyết định khởi tố bị can đối với Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sinh, Đoàn Văn Vệ về tội “giết người” trong vụ chống cưỡng chế đất đai tại Hải Phòng. Quyết định của cơ quan điều tra đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Hải Phòng phê chuẩn.
Bà Nguyễn Thị Thương và bà Nguyễn Thị Báu bị khởi tố tội “chống người thi hành công vụ” nhưng được cho tại ngoại. Tuy nhiên hai người này bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Riêng Đoàn Xuân Quỳnh (Sinh năm 1995, con trai) đang học THPT, Cơ quan CSĐT điều tra cũng đã thả, giao cho gia đình quản lý và sẽ xem xét sau.
Cơ quan điều tra tiếp tục kêu gọi các đối tượng Đoàn Văn Thoại và Phạm Văn Thái ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng.
Hiện trường xảy ra vụ nổ súng khiến 6 chiến sĩ bị thương (Ảnh: NLĐ) |
Liên quan đến vụ việc, báo Đất Việt ngày 11/1 đưa tin, ngày 10/1, nhóm phóng viên tác nghiệp tại khu vực đầm của ông Đoàn Văn Vươn bất ngờ bị nhóm côn đồ giằng công cụ tác nghiệp và định hành hung. Một người tự xưng là công an xã cho biết: “Chúng tôi được lệnh trông coi khu vực này, nếu muốn chụp ảnh phải có lệnh của Chủ tịch huyện Lê Văn Hiền”. Trong khi đó, khu đầm trên sau khi cưỡng chế xong đã bàn giao cho xã Vinh Quang quản lý.
Cũng theo Đất Việt thì ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, chính thức trả lời báo chí vụ nổ súng tại Tiên Lãng. Ông Khánh khẳng định huyện Tiên Lãng không lừa người dân. Theo ông Khánh, UBND huyện đã mời ông Vươn lên làm việc 8 lần, cả 8 lần hòa giải đều có biên bản nhưng đương sự không lần nào ký.
Riêng vấn đề đất nuôi trồng thủy sản phải giao 20 năm theo luật Đất đai, nhưng huyện Tiên Lãng lại giao tùy tiện mỗi hộ một hạn mức, ông Khánh nói: “Tôi không nắm đầy đủ về luật nhưng địa phương có thể căn cứ vào tình hình thực tế để giao thấp hơn, 4 năm, 5 năm, 10 năm... miễn là không quá 20 năm. Khi ký vào các văn bản giao đất, các chủ đầm đã đồng ý là hết thời hạn thì phải bàn giao lại cho huyện, không đòi bồi thường”.
Tuy nhiên, trước câu hỏi huyện thực hiện việc này căn cứ vào điều luật nào, ông Khánh trả lời: "Cái này phải hỏi cơ quan chuyên môn".
Như tin đã đưa, ngày 5/1, tổ công tác của UBND huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, đã tiến hành cưỡng chế thu hồi 38,5 ha đầm nuôi trồng thủy sản tại khu vực cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng do gia đình ông Đoàn Văn Vươn quản lý.
Khi tổ công tác của UBND huyện Tiên Lãng vừa tiến vào khu nhà ở đầm, bất ngờ một loạt mìn tự tạo phát nổ, đạn hoa cải bắn hàng loạt vào tổ công tác, làm Trưởng Công an huyện Tiên Lãng cùng 5 cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội bị thương./.