Vụ nữ nhân viên ngân hàng bị đánh ghen: Hành vi côn đồ, khởi tố là có căn cứ
VOV.VN - Pháp luật Việt Nam bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân. Vì vậy, hành vi cố ý gây thương tích, đánh nhau nơi công cộng, làm nhục người khác là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội.
Liên quan đến vụ nữ nhân viên ngân hàng bị đánh ghen, ngày 4/1, Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) vẫn đang làm rõ vụ việc.
Hiện, Cơ quan CSĐT Công an quận đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra 3 hành vi gồm: “Cố ý gây thương tích”; “Làm nhục người khác” và “Gây rối trật tự công cộng”.
Theo điều tra ban đầu, tối 1/1, Công an quận Ninh Kiều tiếp nhận tin báo của chị N.N.N. (30 tuổi, ngụ phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, nhân viên một ngân hàng) về việc bị bà H.N.B.T. (41 tuổi, ngụ quận Bình Thủy) cầm nón bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu, mắt gây thương tích. Bà T. còn xé áo, quần của chị N.Sau đó, N.T.N.Q. (em chồng của bà T.) tiếp tục cầm nón bảo hiểm đánh chị N.
Bước đầu, tại cơ quan công an, bà T. và Q. thừa nhận hành vi phạm pháp như trên. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, một số người tụ tập xem, cầm điện thoại quay clip rồi đăng lên mạng xã hội.
Tại cơ quan công an, bà T. và Q. thừa nhận không có bằng chứng chứng minh mối quan hệ bất chính giữa ông Tr. (chồng bà T.) và chị N. Khi phát hiện ông Tr. đi chung với chị N., bà T. "ghen tuông, tức giận, nóng vội, la lên những thông tin không đúng sự thật để mọi người xung quanh biết, đồng tình đứng về phía mình, thực hiện hành vi như trên".
Hiện, bà T. nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Bà T. đồng ý bồi thường tiền chi phí nằm viện, thuốc điều trị và các khoản chi phí khác theo yêu cầu của chị N.
Sự việc gây dư luận trong ba ngày gần đây, nhiều người bày tỏ sự đồng tình với hành vi của người vợ, nhưng cũng cho rằng, hành vi đánh người nơi công cộng, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân, đến trật tự công cộng như vậy thì cũng thật đáng lên án, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng đại diện Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, pháp luật Việt Nam bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của mọi công dân. Vì vậy, hành vi cố ý gây thương tích, đánh nhau nơi công cộng, làm nhục người khác là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội,…. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 318 bộ luật hình sự.
Theo đó, pháp luật quy định, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Trường hợp hành vi được xác định là có tổ chức, có phá phách hoặc xúi giục người khác gây rối sẽ bị xử phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.
Do đó, theo luật sư Cường, với kết quả xác minh ban đầu từ phía cơ quan chức năng qua clip, lời khai của nạn nhân, lời khai của những người làm chứng thì việc cơ quan điều tra khởi tố hai người phụ nữ này về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 318 bộ luật hình sự là có căn cứ và cần thiết. Trong trường hợp kết quả nạn nhân có thương tích thì dù thương tích dưới 11% cũng sẽ xử lý hai người phụ nữ này sẽ bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích theo điều 134 bộ luật hình sự.
“Một người bình thường sẽ nhận thức được rằng, đấm, đạp, đánh vào người khác đang trong tư thế không có khả năng tự vệ hoàn toàn có thể gây ra thương tích thì hành vi có thể được xác định là có tính chất côn đồ. Điều đáng chú ý trong vụ việc này, hai đối tượng không chỉ thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích mà còn lột quần áo nạn nhân để người khác ghi hình đăng lên mạng xã hội. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân nên việc cơ quan điều tra xử lý hình sự các đối tượng này về tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 155 bộ luật hình sự là có căn cứ”- luật sư Cường nói.
Trong vụ việc này, luật sư Cường cho hay, ngay cả những người không tham gia đánh hội đồng, nhưng lại có hành vi quay video rồi đăng tải lên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác. Bởi vậy, những người chứng kiến sự việc, có clip quay về sự việc thì tuyệt đối không được phát tán mà có thể sử dụng clip đó để trình báo tố giác với cơ quan điều tra, được xác định là người làm chứng trong vụ án này.
Theo luật sư Cường, đối tượng thực hiện hành vi làm nhục người khác sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền đến 30.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc mức phạt tù cao nhất có thể đến 5 năm.
Dù nguyên nhân sự việc là gì chăng nữa thì hành vi đánh người nơi công cộng, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân, đến trật tự công cộng cũng đáng lên án. Và người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Về phía nạn nhân trong vụ việc này, theo luật sư Cường cũng thiếu kỹ năng sống. Hành vi thách thức của nạn nhân cũng khiến bản thân rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Cùng với đó, vụ việc này cũng cho thấy sự vô cảm của nhiều người khi chứng kiến sự việc mà không giúp đỡ nạn nhân. Sự thiếu hiểu biết và vô cảm của những người chứng kiến có thể đầy những người này vào tình huống nguy hiểm, dễ trở thành vi phạm pháp luật nếu thu thập thông tin trái phép và sử dụng sai mục đích.