Xử lý tội phạm "tín dụng đen": Chế tài nào mới đủ sức răn đe?
VOV.VN - Dù Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" nhưng các luật sư cho rằng, chế tài như hiện nay là không đủ sức răn đe.
Hiện nay, tình trạng cho vay tiền với lãi suất cao vẫn diễn ra phổ biến. Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo, nhưng tình trạng này vẫn xảy ra, khiến nhiều người dân lâm vào cảnh túng quẫn do những băng nhóm, những kẻ chuyên cho vay nặng lãi khống chế, đòi nợ.
Trước thực trạng đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới ban hành Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP, hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ Luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Quy định mới làm rõ hành vi phạm tội
Năm 2019, TAND Tối cao có hướng dẫn một số vướng mắc trên nhưng lại không chỉ rõ trường hợp nào bị xử lý hình sự vì cho vay nặng lãi. Do đó, nhiều đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi vẫn trốn tránh và không dễ xử lý. Đến nay, Nghị quyết 01/2021 đã quy định cụ thể những vấn đề trên. Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 201 Bộ luật Hình sự và xét xử các vụ án về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, có hiệu lực từ ngày 24/12/2021.
Theo Nghị quyết 01/2021 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, lãi suất vay không quá 20%/năm, tức là không quá 1,67%/tháng, nên nếu ai cho vay mà mức lãi suất vượt quá 5 lần của mức 1,67%/tháng là cho vay nặng lãi. Trước Nghị quyết 01, chưa có quy định thế nào là thu lợi bất chính và không có hướng dẫn phải sung công quỹ hay trả về đương sự số tiền gốc cũng như tiền lời bất chính.
Cụ thể, Nghị quyết quy định, trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30 triệu đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản...) sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng (nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm), bên cạnh tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Còn người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà người cho vay chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính dưới 30 triệu đồng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà họ nhằm đạt được. Cũng theo Nghị quyết này, người vay nặng lãi sẽ được tòa án triệu tập với tư cách "người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan", không phải bị hại. Họ chỉ được trả lại phần tiền người cho vay đã thu lợi bất chính; các khoản khác gồm tiền gốc và lãi cao nhất theo luật (bằng 20%/năm) được sung công.
Đánh giá Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP, Tiến sĩ-luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, cho vay là một giao dịch dân sự phổ biến trong đời sống xã hội, tuy nhiên nếu cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự nhằm thu lợi bất chính, người cho vay phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 là một tội danh độc lập, được quy định trong chương "Các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế" (Chương XVIII – Mục 2 BLHS năm 2015). Quy định này ra đời nhằm kịp thời đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh xã hội đồng thời phù hợp với các quy định mới của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Song quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 trong thực tế áp dụng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập dẫn đến các quan điểm và cách áp dụng pháp luật giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng chưa được thống nhất. Để góp phần tháo gỡ những khó khăn đó, TANDTC đã có công văn số 212/TANDTC – PC ngày 13/09/2019 thông báo kết quả giải đáp nghiệp vụ, trong đó vướng mắc về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã được giải đáp tại Điều 1, Mục 1 của Công văn.
Nhưng trên thực tế tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” vẫn chưa được áp dụng nhiều để xử lý các đối tượng phạm tội và vẫn còn những vướng mắc nhất định của các cơ quan tiến hành tố tụng trong áp dụng pháp luật, dẫn đến hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm chưa cao. Chính vì thế mà TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn về hoạt động áp dụng quy định tại Điều 201 - Bộ luật Hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Do vậy, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, Nghị quyết này phần nào đã giải quyết được những tồn tại trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” theo điều 201 Bộ luật hình sự như giải thích được các thuật ngữ, khái niệm, cách tính số tiền thu lợi bất chính, đề cập chi tiết nhiều trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự…
Hình phạt nhẹ "tín dụng đen" vẫn sẽ len lỏi
Tuy nhiên, theo luật sư Đặng Văn Cường, trong thực tiễn, hoạt động cho vay nặng lãi rất tinh vi và phức tạp. Nguyên nhân hoạt động “tín dụng đen” hoành hành thực tế xuất phát từ nhu cầu vay dân sự là rất lớn, nhiều người trẻ, người lao động thường rơi vào hoàn cảnh khó khăn, rất khó có thể vay mượn được người thân và không có tài sản để tham gia hoạt động vay có thế chấp từ các tổ chức tín dụng nên đã tìm đến các đối tượng tín dụng đen cả trên mạng và trong đời sống. Các đối tượng thường cho vay và cắt lãi suất ngay từ đầu, trong giấy tờ thỏa thuận vay mượn không ghi lãi suất. Thậm chí người vay cũng thường không giữ giấy tờ gì, các đối tượng thường che giấu các hình thức nhận tiền lãi, việc trả lãi không có chứng cứ dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện, xử lý.
Kèm theo những hoạt động cho vay nặng là những hoạt động tội phạm khác nhằm mục đích thu hồi nợ của người vay như hành hung, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí giết người nếu người vay không trả được nợ... Người đi vay thường bị đe dọa, sợ hãi nên không dám tố cáo. Chỉ có những vụ việc nào mà đối tượng đánh đập người bị hại đến mức gây thương tích hoặc thiệt mạng thì vụ việc mới bị phanh phui. Vì thế mà các hoạt động cho vay nặng lãi đang là vấn nạn nhức nhối cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an, an toàn công cộng của người dân.
Ngoài ra, hiện nay số vụ án được phát hiện ngày càng có quy mô lớn, diễn ra trên phạm vi rộng. Hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thường diễn ra trên không gian mạng, nhiều nhóm đối tượng thành lập các “công ty tài chính” trá hình, thậm chí ứng dụng internet, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá và lôi kéo “khách hàng”. Việc thu thập các chứng cứ về hoạt động cho vay này có những đặc thù bởi vậy việc đấu tranh với loại tội phạm này vẫn còn rất nan giải.
Do đó bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, theo luật sư Cường, cơ quan chức năng cần tăng cường lực lượng để phát hiện, triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi, kể cả các đường dây cho vay nặng lãi trên không gian mạng để công tác đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này đạt được hiệu quả như mong đợi.
Liên quan đến vấn đề này, nói về tội "Cho vay lãi nặng", theo Điều 201 - Bộ luật Hình sự, luật sư Nguyễn Quang Tiến (VPLS Đặng Sơn - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, thực tế hoạt động cho vay lãi nặng diễn ra khá phổ biến với nhiều hình thức và đi đôi với đó là tình trạng người cho vay dùng nhiều thủ đoạn vi phạm pháp luật để đòi nợ gây ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe thậm chí là tính mạng của người vay nhưng tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” vẫn chưa được áp dụng nhiều để xử lý các đối tượng phạm tội. Nguyên nhân, một phần là do những vướng mắc của các cơ quan tiến hành tố tụng trong áp dụng pháp luật, dẫn đến hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm chưa cao. Cũng chính vì thế mà TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết Hướng dẫn về hoạt động áp dụng quy định tại Điều 201 - Bộ luật Hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Trong đó giải thích rõ ràng về thuật ngữ, khái niệm “cho vay lãi nặng”, “thu lợi bất chính” là gì... Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng hướng dẫn cụ thể về cách tính số tiền thu lợi bất chính. Trên cơ sở đó, hệ thống tòa án trên cả nước sẽ áp dụng quy định tại Điều 201 - Bộ luật Hình sự một cách thống nhất trong quá trình đấu tranh, phòng chống các hành vi cho vay lãi nặng một cách hiệu quả hơn.
Cũng theo luật sư Nguyễn Quang Tiến, tình trạng "tín dụng đen" hiện vẫn diễn ra khá phổ biến và thậm chí ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn, gây nguy hiểm đối với xã hội nhưng công tác đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong đợi. Hơn nữa, "tín dụng đen" còn là nguyên nhân phát sinh ra nhiều loại tội phạm khác nhưng hình phạt đối với tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" chưa đủ mạnh, cao nhất cũng chỉ là 3 năm tù. Do đó, đối với những đối tượng cho vay lãi có hệ thống, theo đường dây và thu lợi bất chính hàng tỷ đồng mỗi năm thì chế tài như hiện nay là không đủ sức răn đe./.