Xử vụ lừa đảo MB24: Dẫn facebook đối chứng hành vi phạm tội
VOV.VN -Cựu lãnh đạo MB24 lập gian hàng không để kinh doanh, mà để lừa người mua trao tiền thật, đổi điểm ảo lấy tiền đút túi riêng.
Chiều 25/6, phiên tòa xét xử “đường dây lừa đảo” MB 24 bước vào phần xét hỏi.
Tại tòa, các bị cáo đồng loạt đổ lỗi cho cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuấn Minh. “Ông trùm” của MB 24 đã đào tẩu sau khi biết Công ty MB24 bị công an vào cuộc điều tra.
Bị cáo Lê Văn Cường (SN 1975, cựu Phó Giám đốc phụ trách về truyền thông MB24) khai, ở công ty, Cường chỉ phụ trách mảng truyền thông. Công việc của Cường là liên kết với các doanh nghiệp để liên hệ hàng hóa đưa lên hệ thống.
Các gian hàng tạo ra là nhằm để các thành viên quản lý sản phẩm của mình. Thành viên miễn phí thì mức độ tương tác khác nhau. Sự quy ước mang tính tương ứng.
Các bị cáo cũng cho biết, mỗi người có một nhiệm vụ riêng, nhưng việc quản lý toàn bộ công việc đều do Nguyễn Tuấn Minh. Minh điều hành mọi công việc từ xa qua mạng internet.
Tại tòa, Cường còn khai nhận, dù là thành viên thuộc lãnh đạo MB24, nhưng Cường vẫn phải bỏ tiền ra để lấy điểm nhằm thành lập các gian hàng trên trang mạng muaban24.vn.
“Bị cáo đưa tiền cho anh Minh để đổi lấy điểm, dùng không hết điểm thì bị cáo đổi lại lấy tiền”. Cường cho cho biết đã bỏ ra khoảng 5 tỷ đồng để có hơn 2.500 gian hàng ảo trên trang mạng muaban24.vn.
Đặt vấn đề về hành vi phạm tội, tại tòa, các bị cáo đều quanh co chối tội. Theo bị cáo Hà, việc mua bán trên trang mạng vẫn có nhiều thành viên tham gia miễn phí. Tuy nhiên để mua bán thuận lợi thì phải bỏ tiền mua điểm. Càng bỏ nhiều tiền thì gian hàng sẽ xuất hiện một cách tương ứng trên trang web.
Thẩm vấn các bị cáo tại tòa, đại diện VKS đặt vấn đề với bị cáo Hà: “Bị cáo có nắm được quy định về sàn giao dịch thương mại điện tử?”
Trả lời, câu hỏi của đại diện VKS, bị cáo Hà cho biết, không biết bất kỳ quy định nào về sàn giao dịch thương mại điện tử, việc bị cáo tham gia vào MB24 là thông qua kinh nghiệm học được từ mô hình của Công ty Tâm Mặt Trời.
Vạch rõ bản chất của vụ việc, đại diện VKS cho rằng, việc lập các gian hàng ảo trên trang mạng muaban24.vn, các bị cáo không phải thực hiện kinh doanh các mặt hàng mà để mua bán các gian hàng.
“Tại sao bị cáo không mua một gian hàng để kinh doanh mà lại bỏ tiền để mua nhiều gian hàng đến thế. Đối với bị cáo Hà, sở hữu 1.500 gian hàng không buôn bán mà là đầu tư để bán lại gian hàng cho người khác”, đại diện VKS nói.
HĐXX cũng chỉ ra rằng, việc các bị cáo thu tiền khi có người khác mua gian hàng của mình, cứ theo cấp bậc, lợi nhuận sẽ tăng lên. Người tham gia phải dùng tiền thật để mua điểm trên mạng do các bị cáo tạo ra. Số điểm này không được bảo đảm bằng tiền thật. Đây chính là mấu chốt của vụ án. Các bị cáo tự cho mình quyền “in ra tiền” không dựa trên sức lao động.
Chủ tọa cũng cho rằng, điểm trên muaban24.vn không được đảm bảo bằng giá trị tiền. Các bị cáo có quyền tăng điểm không có hạn chế. Đây là hành vi trái phép, là cái gốc truy tố hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này.
Để làm rõ hơn hành vi của vụ lợi, lừa đảo, chủ tọa Ngô Thế Phong cũng đưa mạng xã hội facebook ra làm dẫn chứng.
“Vào cộng đồng mạng lớn như facebook có thu tiền không? Còn các bị cáo lại thu tiền. Các bị cáo làm tranh tối tranh sáng tự cho mình cái quyền in ra tiền không dựa trên sức lao động. Các bị cáo lợi dụng để chiếm đoạt tài sản của người ta. Các bị cáo đã chiếm đoạt để đút tiền vào túi của mình. Các bị cáo bán gian hàng trên internet để thu lợi nhuận”, chủ tọa Ngô Thế Phong phân tích.
Hơn 17h ngày 25/6, phiên tòa tạm dừng, HĐXX cũng kết thúc phần xét hỏi. Ngày mai, phiên tòa sẽ bước vào phần tranh luận./.