75 năm dấu chân Bác trên ATK Định Hóa
VOV.VN - Tại ATK Định Hóa, Bác từng ở và làm việc tại nhiều nơi, cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh có những quyết sách quan trọng, đưa sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Việt Bắc có vai trò quan trọng đối với thành công và những thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Tháng 10/1946, sau chuyến thăm Pháp về, Bác và Trung ương cử ông Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Tháng 11/1946, Trung ương thành lập Đội công tác đặc biệt do ông Trần Đăng Ninh phụ trách lên Việt Bắc nghiên cứu việc di chuyển và chọn địa điểm an toàn đặt các cơ quan của Trung ương khi chiến tranh xảy ra.
Nằm trong vùng Việt Bắc, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) có địa thế thuận lợi cho các cơ quan Trung ương, quân đội và các cơ sở kinh tế, quốc phòng, văn hóa của ta đứng chân an toàn, vừa hoạt động vừa sản xuất tự cấp tự túc phục vụ kháng chiến lâu dài; dễ cho ta tác chiến du kích, phòng thủ và hạn chế sức mạnh về vũ khí, trang bị của địch. Hệ thống đường mòn ngang dọc, thuận lợi cho ta cơ động, gây khó khăn cho địch khi hành quân cơ giới; việc giao thông liên lạc với các huyện liền kề bí mật, bảo đảm.
Sau một thời gian khảo sát thực tế, cân nhắc kỹ lưỡng, Định Hóa cùng các huyện Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên), Sơn Dương. Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) là những nơi có đủ các yếu tố địa lợi, nhân hòa được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn xây dựng An toàn khu (ATK) Trung ương.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến đến cuối tháng 3, đầu tháng 4/1947, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội, Mặt trận, các cơ quan kinh tế, văn hóa, giáo dục đã lần lượt lên đóng ở các huyện thuộc ATK Trung ương. Cũng sau ngày 19/12/1946, Bác Hồ cùng các cảnh vệ, giúp việc rời Hà Đông, qua Hà Tây, Ninh Bình, vào Thanh Hóa rồi ngược ra Phú Thọ. Bác vừa di chuyển, vừa làm việc, chủ trì các cuộc họp của Trung ương và Hội đồng Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến. Ngày 02/4/1947, Bác đến làng Xảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang và ngày 20/5/1947, Bác đến ATK Định Hóa, ở và làm việc tại căn lán trên đồi Khau Tý. Từ thời điểm này đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Bác đã chuyển nơi ở và làm việc đến nhiều địa điểm trong ATK Trung ương. Ngay tại ATK Định Hóa, Bác cũng ở và làm việc tại nhiều nơi, cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh có những quyết sách quan trọng, đưa sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Đồi Khau Tý (thôn Điềm Mặc, xã Thanh Định - nay là xã Điềm Mặc), là nơi ở và làm việc đầu tiên của Bác Hồ tại ATK Định Hóa. Tại đây, ngoài công việc, Bác còn dành thời gian viết sách, báo nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Tháng 6/1947, với bút danh A. G, Bác viết đăng báo Sự thật bài “Cán bộ tốt và cán bộ xoàng” và bài “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền”; tháng 10/1947, với bút danh X.Y.Z, Bác viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” gồm 6 phần mà nhiều nội dung đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nhân kỷ niệm Quốc khánh 02/9/1947, trong thư gửi đồng bào các tỉnh Việt Bắc, Bác khẳng định “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Cũng tại đây, Bác chỉ đạo chọn và nhất trí lấy ngày 27/7 hàng năm làm Ngày Thương binh toàn quốc (từ năm 1955 là Ngày Thương binh Liệt sỹ). Khau Tý cũng là nơi Bác viết bài thơ Cảnh khuya. Ngày 07/10/1947, Pháp cho quân nhảy dù đánh chiếm thị trấn Chợ Mới và thị xã Bắc Kạn, mở đầu cuộc tấn công lên Việt Bắc. Đêm 07/10, Bác cùng Thường vụ Trung ương họp, nhận định tình hình và đề ra chủ trương đối phó. Sáng 08/10, Bác gửi thư kêu gọi quân, dân ta ra sức tiêu diệt địch. Ngày 15/10/1947, Ban Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị “Phải phá cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”. Thời gian này, để bảo đảm an toàn trước cuộc tấn công quyết liệt của giặc Pháp, Bác rời Khau Tý, cùng một số cơ quan Trung ương di chuyển sang huyện Võ Nhai ở và làm việc, đến ngày 17/11/1947 lại lên đường về ATK Định Hóa.
Xóm Khuôn Tát (xã Phú Đình) là nơi Bác chuyển về sau khi rời huyện Võ Nhai. Bác ở và làm việc tại ngôi lán nhỏ - thường gọi là Lán Khuôn Tát, dựng liền với hầm đào sâu vào lưng đồi Nà Đình, cùng các đồng chí giúp việc tắm giặt, câu cá ở đoạn suối giữa cánh đồng và tập thể dục trên bãi cỏ dưới gốc đa. Khuôn Tát là nơi Bác ở và làm việc nhiều lần: Lần 1 từ ngày 20 đến ngày 28/11/1947, lần 2 từ ngày 01/01 đến 07/3/1948, lần 3 từ ngày 05/4 đến 01/5/1948 và lần sau cùng dịp cuối năm 1953, đầu năm 1954. Tại đây, ngày 20/01/1948, Bác ký Sắc lệnh số 110/SL, phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp; sắc lệnh số 111/SL và 112/SL phong quân hàm Thiếu tướng cho các đồng chí: Hoàng Văn Thái, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn, Hoàng Sâm, Chu Văn Tấn, Trần Tử Bình, Lê Văn Hiến; ngày 25/01/1948, Bác ký Sắc lệnh số 115/SL phong quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình; Sắc lệnh số 117/SL phong quân hàm Thiếu tướng cho đồng chí Trần Đại Nghĩa. Tại Khuôn Tát, đầu tháng 01/1954, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Bác để lên đường chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác thay mặt Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Đại tướng: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, Tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Bác nhắc Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”.
Xóm Nà Lọm (xã Phú Đình) là nơi Bác ở và làm việc nhiều lần từ 07/3/1948 đến cuối 1953, đầu năm 1954. Tại xóm Nà Lọm, Bác ở và làm việc trong một căn lán nhỏ trên đồi Tỉn Keo - thường gọi là Lán Tỉn Keo, và trong trại Thiếu nhi tại Xóm.
Lán Tỉn Keo là nơi Bác ở lần đầu từ ngày 07/3 đến ngày 05/4/1948. Xung quanh lán Bác ở là lán của các đồng chí bảo vệ, giúp việc, lán họp và chòi gác dưới chân đồi. Tại Tỉn Keo, ngày 11/ 3/1948, Bác viết thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII, trong thư, Bác căn dặn: “Tư cách người công an cách mệnh là: Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”. Lần thứ 2, Bác ở Tỉn Keo từ ngày 25/5/1948 đến 12/9/1948. Tại đây, ngày 11/6/1948, Bác ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, nêu rõ mục đích, phương châm và khẩu hiệu của thi đua ái quốc, những nội dung thi đua cụ thể cho từng giới đồng bào và hô hào mọi tầng lớp nhân dân ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc; ngày 19/8/1948, Bác ký Sắc lệnh số 206/SL thành lập Hội đồng quốc phòng tối cao. Cuối năm 1953, đầu 1954, Bác về ở và làm việc tại ATK Định Hóa, khi ở Tỉn Keo, lúc ở Khuôn Tát.
Tại Tỉn Keo, cuối tháng 9/1953, Bác chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân (1953 - 1954); ngày 06/12/1953, Bác và Bộ Chính trị thông qua Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954 của Tổng Quân ủy và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; ngày 01/01/1954, Bác và Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên giáp đứng đầu. Từ những quyết định lịch sử này, quân và dân ta đã làm nên đến chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Trại thiếu nhi tại xóm Nà Lọm là nơi Bác ở và làm việc từ 01/5/1948 đến ngày 25/5/1948. Trong thời gian này, ngày 01/5, Bác viết Lời kêu gọi thi đua yêu nước và gửi thư cho đồng bào lao động toàn quốc, kêu gọi mọi người ra sức thi đua, góp phần làm cho kháng chiến thắng lợi, thống nhất và độc lập thành công. 13h chiều 28/5/1948, tại một căn nhà của Trại thiếu nhi ven đồi Pụ Đồn có bàn thờ Tổ quốc và trang trí khẩu hiệu, dưới sự chủ trì của Bác, Chính phủ tổ chức lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ATK Định Hóa cũng là nơi ở, làm việc của các lãnh đạo: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái…; nơi thành lập nhiều cơ quan của Trung ương như: Ban Kiểm tra Trung ương (nay là Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam…; nơi đóng trụ sở của nhiều cơ quan Đảng, Tổng bộ Việt Minh, Quân đội; nơi diễn ra những hoạt động đối ngoại của Đảng và Chính phủ.
Tại ATK Định Hóa, Bác và Trung ương quyết định mở Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950; Chiến dịch Hòa Bình (Đông - Xuân 1951-1952), Chiến dịch Tây Bắc (Thu - Đông 1952), Chiến dịch Thượng Lào (Xuân - Hè 1953); Bác cũng thường xuyên đến dự, chủ trì nhiều cuộc họp; làm việc với các đồng chí lãnh đạo; thăm các cơ quan, đơn vị đóng tại địa phương. Tháng 9/1949, đến thăm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Làng Luông, xã Bình Thành, Bác đã ghi vào cuốn sổ vàng của Trường: “Học để: Làm việc, Làm người, Làm cán bộ, Học để phụng sự Đoàn thể, Phụng sự giai cấp và nhân dân, Phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.
Từ ngày 02/02 đến ngày 10/3/1950, Bác rời ATK Trung ương, bí mật đi thăm Trung Quốc, Liên Xô. Trong chuyến đi này, Trung Quốc, Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa đã công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng ý viện trợ quân sự cho Việt Nam. Trước mắt Liên Xô viện trợ cho ta một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly, một số xe vận tải và thuốc men. Trung Quốc trang bị vũ khí cho một số đại đoàn bộ binh và một trung đoàn pháo binh, đảm nhận việc vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam, cử cố vấn quân sự sang giúp Việt Nam kháng chiến. ATK Định Hóa cũng là nơi thí điểm thực hiện nhiều chính sách dân chủ mới của Đảng và Chính phủ.
Vinh dự là một huyện của ATK Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Định Hóa đã tích cực ủng hộ nhân lực, vật lực, che chở, đùm bọc và trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ ATK, bảo vệ các cơ quan Trung ương và Bác Hồ, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Định Hóa cùng nhân dân và lực lượng vũ trang 16 xã, thị trấn trong huyện vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa là Di tích Quốc gia đặc biệt./.