Các nhà điều tra tiết lộ “góc tối” của ngành hàng không quân sự Mỹ
VOV.VN - Mặc dù kinh phí tài trợ đã gia tăng trong vài năm qua nhưng rất ít phi công đạt được số giờ bay cần thiết để thành thạo các kỹ năng điều khiển máy bay.
Các vụ tai nạn hàng không quân sự đã khiến 224 phi công hoặc thành viên trong phi hành đoàn thiệt mạng, phá hủy 186 máy bay, gây thiệt hơn 11,6 tỷ USD cho Mỹ kể từ năm 2013 và nhiều phi công tin rằng con số này sẽ tiếp tục gia tăng, Ủy ban Quốc gia về an toàn hàng không quân sự của Mỹ cho biết.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn
Ủy ban này được Quốc hội thành lập để đánh giá các nguyên nhân gây tai nạn hàng không quân sự sau một loạt vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào năm 2018. Ủy ban đã tiến hành phỏng vấn hàng nghìn phi công trong quân đội, nhân viên bảo trì và phi hành đoàn cùng các nhân viên sân bay, đồng thời xem xét dữ liệu về các vụ tai nạn từ năm 2013 đến 2018 để hiểu rõ lý do dẫn đến những tai nạn đáng tiếc không liên quan đến chiến đấu. Những gì họ ghi nhận được từ ý kiến của các phi công và các nhà bảo trì là tình hình vẫn chưa được cải thiện.
“Chúng tôi đã đi tới 80 nơi khác nhau, tiếp xúc với 200 đơn vị khác nhau. Tất cả họ đều lo lắng rằng các vụ tai nạn tiếp theo có thể xảy ra”, ông Cody – người đã có 36 năm phục vụ trong quân ngũ và có hơn 5.000 giờ lái máy bay trực thăng cho biết.
Khi hỏi các thành viên phụ trách dịch vụ bảo trì về những nguyên nhân có thể gây ra vụ tai nạn tiếp theo, các nhà điều tra đã nhận được câu trả lời đầy bất ngờ.
“Đây là câu hỏi không khó trả lời tại một căn cứ của thủy quân lục chiến, một lính thủy đánh bộ cho biết đơn vị của anh đã tái sử dụng kính lọc 5 USD dùng cho máy bay. Anh giải thích rằng, đơn vị vẫn có rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện ngay cả khi không có kinh phí mua kính lọc mới”.
Một bản sao báo cáo của Ủy ban Quốc gia về an toàn hàng không quân sự, được công bố vào ngày 2/12 cho biết, việc cắt giảm hoạt động huấn luyện là một trong những yếu tố gây ra các vụ tai nạn và điều này có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của các chuyến bay.
“Đây là điều dường như không thể đảo ngược. Ngày càng có nhiều huấn luyện viên không đủ năng lực và tiêu chuẩn tham gia đào tạo các thế hệ phi công mới và những người có năng lực hạn chế này lại tiếp tục đào tạo các thế hệ tiếp theo”, một chỉ huy đội bay của hải quân nói với các nhà điều tra.
Phát biểu với báo chí, ông Richard Healing, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về an toàn hàng không quân sự cho biết, việc cắt giảm hoạt động huấn luyện sẽ gây ra tâm lý lo lắng, mất tinh thần. “Các phi công mất tinh thần vì không được luyện tập nhiều còn những người bảo trì lo lắng vì không có phụ kiện thay thế”.
Ngoài ra còn những nguyên nhân khác như nguồn tài chính eo hẹp, cùng với yêu cầu triển khai máy bay quân sự để chống lại các cuộc tấn công của IS tại Iraq, Syria, đối phó sự gia tăng ảnh hưởng của Nga tại châu Âu và tăng cường sự hiện diện ở châu Á –Thái Bình Dương.
Việc cắt giảm ngân sách vào năm 2013 đã dẫn đến tình trạng cắt giảm nhân sự, giờ bay, hoạt động bảo trì tại kho bãi, đòi hỏi ngành hàng không quân sự phải thực hiện nhiều công việc hơn trong khi có ít nguồn lực hơn. Trong những năm tiếp theo, hàng nghìn phi công và nhân viên bảo trì dày dặn kinh nghiệm đã rời quân ngũ để phục vụ cho các chuyến bay thương mại. Sự dịch chuyển của họ đã làm gia tăng khối lượng công việc cho những người ở lại.
Một nhân viên bảo trì của không quân Mỹ cho biết: “Chúng tôi nhận thấy có sự liên quan giữa các yếu tố con người và việc gia tăng các vụ tai nạn. Họ thiếu kinh nghiệm và quá mệt mỏi vì phải gánh một lượng lớn công việc. Họ kêu gọi sự giúp đỡ nhưng chỉ nhận được thái độ im lặng”.
Một phi công của lực lượng thủy quân lục chiến chia sẻ: “Các con tôi không biết tôi là ai. Chúng không biết khi nào tôi trở về. Những ý nghĩ đó dẫn đến việc chúng tôi mệt mỏi và mất tập trung khi bay”.
Thiếu kỹ năng và kinh nghiệm
Báo cáo cho biết, các phi công mới được tuyển dụng để lấp đầy các vị trí trong hàng ngũ phải gánh chịu hậu quả vì họ có ít giờ bay huấn luyện hơn và có ít phi công dày dặn kinh nghiệm hướng dẫn họ. Mặc dù kinh phí tài trợ đã gia tăng trong vài năm qua, nhưng rất ít phi công đạt được số giờ bay cần thiết để thành thạo các kỹ năng.
“Ngoại trừ huấn luyện viên và chuyên gia đánh giá, mọi người trong đội bay của tôi đều được miễn thực hiện một số thao tác”, một phi công của lục quân cho biết.
Nguyên nhân khiến phi công không được thực thực hành đủ giờ bay, một phần do nhân lực bị cắt giảm buộc họ phải đảm nhận các công việc hành chính, một phần do không đủ máy bay chiến đấu. Trả lời phỏng vấn với báo chí năm 2018 về các vụ tai nạn, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo rằng việc cải thiện vấn đề an toàn trong lĩnh vực hàng không quân sự có thể mất nhiều năm.
Các nhân viên bảo dưỡng máy bay cho biết, họ ngày càng phụ thuộc vào các thiết bị mô phỏng vì không có sẵn phương tiện hoặc thiếu giáo viên đào tạo. Một số nhân viên bảo trì mới thậm chí không thể xác định được các công cụ cơ bản để mở cửa máy bay. “Khi ra trường, nhiều nhân viên bảo trì không phân biệt được sự khác nhau giữa ốc vít Philips và một tuốc nơ vít tiêu chuẩn”, một nhân viên bảo trì cấp cao của thủy quân lục chiến nói.
Bộ Quốc phòng là cơ quan nhận được sự phân bổ lớn nhất trong ngân sách tài chính của Mỹ. Trong năm tài chính 2020, Bộ này nhận được 718 tỷ USD cao hơn so với 686 tỷ USD dành cho ngân sách quốc phòng năm 2019.
Tuy nhiên trong 18 năm qua, thì có tới 13 năm Quốc hội Mỹ không thể thông qua dự luật ngân sách ngay từ đầu năm tài chính mới, và trong thời gian bàn bạc về một dự luật ngân sách cuối cùng, họ tạm thông qua các nghị quyết cấp kinh phí ở mức giống các năm trước đó. Nhưng các nghị quyết này không tính đến sự gia tăng hàng năm về chi phí chẳng hạn như tiền lương và chăm sóc sức khỏe cho quân nhân. Để bù đắp sự thiếu hụt, Bộ Quốc phòng thường cắt giảm chi phi trong lĩnh vực hàng không quân sự. Điều này động nghĩa với việc các chương trình huấn luyện phi công và bảo trì sẽ bị thắt chặt cho đến khi họ nhận được khoản kinh phí đầy đủ trong những tháng sau đó.
Rủi ro trong tương lai
Báo cáo của Ủy ban Quốc gia về đảm bảo an toàn hàng không quân sự được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Mỹ đang đối mặt với sức ép về mặt ngân sách. Thâm hụt ngân sách và sự gia tăng các nhu cầu chi tiêu nội địa do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có thể khiến Lầu Năm Góc đối mặt với tình trạng bị cắt giảm kinh phí trong vài năm tới, hai chuyên gia về ngân sách quốc phòng cho biết. Theo các chuyên gia này, số vụ tai nạn hàng không có tăng đột biến hay không sẽ phụ thuộc vào các lựa chọn chi tiêu mà Bộ Quốc phòng đưa ra.
Todd Harrison, chuyên gia phân tích ngân sách quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Vẫn chưa thể kết luận rõ ràng rằng việc cắt giảm ngân sách gây ảnh hưởng đến sự an toàn trong lĩnh vực hàng không quân sự. Bộ Quốc phòng và Quốc hội có thể tránh được nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn nếu họ đưa ra những quyết định cứng rắn nhằm cắt giảm quy mô lực lượng”./.