Câu hỏi về hệ thống phòng không Nga sau các cuộc tấn công UAV của Ukraine
VOV.VN - Nhà sử học quân sự Yuri Knutov, đồng thời là Giám đốc Bảo tàng Lực lượng Phòng không Nga nhận định, có những khoảng trống trong hệ thống phòng không Nga bởi hầu hết hệ thống đã được dịch chuyển tới gần Ukraine sau khi chiến dịch quân sự của Moscow được tiến hành vào cuối tháng 2.
Khoảng trống trong hệ thống phòng không Nga?
"Sau khi chiến dịch quân sự bắt đầu, cần phải cung cấp sự bảo vệ trực tiếp cho quân đội tại những vùng lãnh thổ chúng tôi chiến đấu với Ukraine cũng như trên lãnh thổ của chúng tôi", ông Knutov cho hay, đồng thời nhận định, "đã có những khoảng trống trong hệ thống phòng không của chúng tôi".
Theo ông, nhiều nhà quan sát tin rằng các vệ tinh của Mỹ có thể "nhận thấy rõ những khoảng trống này".
"Tôi không nghi ngờ gì về điều đó và các chuyên gia khác cũng vậy", chuyên gia Nga bình luận.
Những đánh giá gần đây của ông Knutov được đưa ra sau khi Moscow cáo buộc Ukraine tiến hành 3 cuộc tấn công UAV vào sâu trong lãnh thổ của nước này chỉ trong 1 tuần dù Nga khẳng định thiệt hại chỉ ở mức tối thiểu.
Nga cáo buộc ngày 5/12, các lực lượng của Ukraine đã tấn công vào các căn cứ không quân Engels-2 và Dyagilevo của nước này, nằm gần thủ đô Moscow hơn là biên giới với Ukraine. Theo Moscow, các cuộc không kích trên sử dụng UAV thời Liên Xô Tu-141 đã được điều chỉnh. Nếu cáo buộc trên được xác thực, giới chuyên gia cho rằng các cuộc tấn công trên sẽ đánh dấu lần đầu tiên Ukraine tiến hành các cuộc không kích tầm xa vào bên trong lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, mọi việc chưa dừng lại ở đó. Ngày tiếp theo (6/12), Nga ghi nhận một cuộc tấn công nữa vào sân bay quân sự Khalino nằm cách biên giới với Ukraine ở Vùng Kursk khoảng 280km.
Nhận định về các cuộc không kích trên, ông Knutov cho rằng các vệ tinh Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo cho lực lượng vũ trang Ukraine và xây dựng một lộ trình cho UAV đánh lừa hệ thống phòng không đối phương. Theo ông, các UAV này có thể là tên lửa đất đối không nhiều khả năng được phóng từ hệ thống tên lửa Pantsir.
Chuyên gia Knutov giải thích đó là lý do tại sao tầm đánh chặn lại ngắn như vậy, chỉ khoảng 10km, vì thế, các mảnh vỡ của UAV đã rơi trên địa điểm sân bay bị tấn công.
Ông cho rằng nếu có các hệ thống phòng không tầm xa hơn như Buk-M3 hoặc Vityaz-353 bảo vệ các căn cứ không quân trên, các UAV sẽ bị bắn hạ từ khoảng cách 50 - 60km.
Nhà sử học quân sự Nga cũng cảnh báo, các cuộc tấn công tầm xa như vậy vào lãnh thổ Nga có thể sẽ tiếp diễn.
Trước đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya cũng nhận định, các UAV được cho là của Ukraine tấn công vào các sân bay của Nga ở Ryazan và Engels được dẫn đường bởi dữ liệu vệ tinh từ Mỹ.
Asia Times dẫn các nguồn tin cho biết, UAV tấn công vào các sân bay Nga đã được chuyển thành tên lửa hành trình, phù hợp với hệ thống dẫn đường mới. Ukraine không đủ khả năng để tự phát triển hệ thống dẫn đường cho tên lửa.
Các cuộc tấn công chỉ mang tính biểu tượng?
Trong khi cảnh báo về những cuộc tấn công UAV sắp tới nhằm vào lãnh thổ Nga là một nhận định đáng chú ý thì một điều quan trọng không kém là cáo buộc của ông Knutov về việc các vệ tinh Mỹ đang cung cấp thông tin tình báo cho quân đội Ukraine.
Rõ ràng Ukraine đã có được lợi thế đáng kể từ mạng lưới thông tin tình báo của các nước NATO, trong đó bao gồm cả những thông tin trong thời gian thực về sự di chuyển của quân đội Nga. Dù vậy, hiện chưa rõ liệu các thông tin tình báo có bao gồm các hình ảnh có độ phân giải cao từ các vệ tinh quân sự của phương Tây hay không. Tuy nhiên, ngay cả các công ty vệ tinh thương mại cũng có thể cung cấp các hình ảnh trong thời gian thực với chất lượng cao, được sử dụng để tập hợp các thông tin tình báo về hành động của đối phương,
Các chuyên gia nhận định, các cuộc tấn công UAV vào sâu trong lãnh thổ Nga có thể khiến xung đột ở Ukraine thay đổi. Mathieu Boulegue, một học giả làm việc với Chương trình Nga và Á - Âu thuộc Chatham House cho rằng, các cuộc tấn công trên có thể bắt đầu một giai đoạn mới của những cuộc tấn công "ăn miếng trả miếng" giữa các bên.
Trong khi đó, nhà quan sát Andreas Krieg, một nhà phân tích quân sự, đồng thời là Giảng viên Trường Nghiên cứu An ninh thuộc Cao đẳng Hoàng gia London nhận định, các cuộc tấn công UAV là một diễn biến đáng chú ý bởi ở một mức độ nào đó căng thẳng sẽ leo thang. Ông cho rằng quân đội Nga dường như chuẩn bị để đối phó với các cuộc tấn công trên không bằng các phương tiện theo quy ước thay vì các cuộc tấn công UAV, vốn xảy ra rất nhanh với các UAV bay ở độ cao thấp.
"Việc đối phó với UAV là một việc rất thách thức trừ khi bạn biết rằng nó đang đến".
Dù vậy, các chuyên gia đều cho rằng, các cuộc tấn công UAV trên chủ yếu mang tính biểu tượng bởi chúng không ảnh hưởng nhiều đến khả năng quân sự của Nga.
"Cần phải lưu ý rằng các cuộc tấn công UAV vào căn cứ không quân Engels không phá hủy được bất kỳ máy bay chiến đấu nào của Nga", Eugene Chausovsky, chuyên gia quốc phòng, đồng thời là nhà phân tích cấp cao tại Viện New Lines cho hay.
Trong khi đó, liên quan đến các cuộc tấn công UAV vào các sân bay Nga, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: "Chúng tôi không khuyến khích và cũng không tạo điều kiện để Ukraine tấn công vào sâu lãnh thổ Nga".
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 11/12 cũng cho rằng, Mỹ không khuyến khích Ukraine tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
“Chúng tôi chắc chắn không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho các hoạt động của Ukraine bên trong nước Nga. Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo rằng họ có thể bảo vệ đất nước và giành lại lãnh thổ đã mất”, ông Kirby khẳng định./.