F-16 đến Ukraine có thể quá ít và quá trễ để tạo đột phá trên chiến trường
VOV.VN - Tổng thống Zelensky cho rằng, vấn đề với những chiếc tiêm kích F-16 sắp đến Ukraine có thể sẽ tương tự như xe tăng Abrams mà Mỹ cung cấp vào mùa thu năm ngoái.
Máy bay chiến đấu F-16 mà phương Tây cam kết cung cấp sắp được đưa tới Ukraine và dự kiến bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chiến đấu vào cuối mùa hè này.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, những chiếc F-16 đó vẫn chưa đủ để tạo sự khác biệt trên chiến trường. Ông cũng so sánh vấn đề với tiêm kích phương Tây với những gì mà xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất đã gặp phải ở Ukraine vào mùa thu năm 2023.
Tại một sự kiện ở Viện Reagan, người dẫn chương trình Fox News, Bret Baier, đặt câu hỏi liệu 31 chiếc Abrams mà Ukraine nhận được cho cuộc phản công có tạo ra sự khác biệt hay không? Ông Zelensky trả lời rằng: “Tôi không chắc số lượng xe tăng như vậy có thể thay đổi tình hình trên chiến trường”.
Phát biểu tại Washington, DC ngày 10/7 khi tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, ông Zelensky nói: “Nó cũng giống như cuộc đối thoại về F-16. Theo một cách nào đó, tính hữu ích phụ thuộc vào con số và thời gian”.
“Vấn đề với F-16 là số lượng và thời điểm”, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh.
Theo Tổng thống Ukraine, do Nga đã và đang vận hành quá nhiều máy bay chiến đấu trên lãnh thổ Ukraine nên “số lượng nhỏ F-16 sẽ không tạo ra sự khác biệt”.
“Ngay cả khi chúng tôi có 50 chiếc thì cũng chưa thấm vào đâu. Họ có tới 300 máy bay. Ukraine hiện đang ở thế phòng thủ nên chúng tôi cần 128 chiếc [F-16]”, ông nói.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho rằng, nếu không có đủ số lượng F-16 như vậy, Kiev sẽ không thể bì được với Nga trên bầu trời.
Tổng thống Zelensky lo ngại, số lượng F-16 sắp tới và thời gian bàn giao tiêm kích này có thể khiến chúng rơi vào hoàn cảnh tương tự như xe tăng Abrams do Mỹ cung cấp trên chiến trường Ukraine vào mùa thu năm ngoái.
Mỹ chỉ gửi tổng cộng 31 chiếc M1A1 Abrams và chúng được giao cho Ukraine nhiều tháng sau khi Anh và Đức đã chuyển xe tăng cho Kiev.
Bài học từ xe tăng Abrams
Abrams được gọi là “sát thủ chống tăng” và được đánh giá cao nhờ khả năng sát thương và lớp giáp hạng nặng. Các chuyên gia và các lính tăng đều ca ngợi khả năng của Abrams, cho rằng nó vượt trội hơn nhiều so với bất kỳ loại xe tăng nào của Nga.
Tuy nhiên, ở Ukraine, Abrams đã không thể chiến đấu trong các trận chiến mà nó vốn được thiết kế để làm như vậy. Các cuộc tấn công với số lượng lớn xe bọc thép không phải là lựa chọn tối ưu và các trận chiến giữa xe tăng với xe tăng cũng không thường xuyên diễn ra. Trong khi đó, chúng luôn phải đối mặt với các mối đe dọa từ máy bay không người lái, vũ khí chống tăng và mìn, chưa kể do số lượng hạn chế, chúng luôn là mục tiêu có giá trị cao mà đối phương muốn săn lùng và tiêu diệt.
Bình luận của ông Zelensky đưa ra sau thông báo của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 10/7 rằng đợt chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên cho Ukraine – do Đan Mạch và Hà Lan cung cấp – đang được tiến hành.
“Những chiếc máy bay này sẽ bay trên bầu trời Ukraine vào mùa hè này để đảm bảo rằng họ có thể phòng thủ hiệu quả trước các cuộc tấn công của Nga”, ông Blinken nói.
Sự xuất hiện của máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư sẽ rất quan trọng đối với Ukraine và là một sự nâng cấp về sức mạnh không quân của Kiev. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa phương Tây với Ukraine.
Tuy nhiên, có nhiều câu hỏi xung quanh việc máy bay chiến đấu sẽ hữu ích như thế nào trên chiến trường, liệu Ukraine có đủ số lượng máy bay cũng như phi công được đào tạo để tạo ra sự khác biệt hay không. Cũng có những lo ngại rằng chúng có thể đến muộn hơn đáng kể so với thời điểm Ukraine cần chúng nhất.
Trong khi đó, các nước phương Tây cho rằng, việc đưa F-16 đến Ukraine mất nhiều thời gian là do khâu hậu cần phức tạp.
“Vấn đề với F-16 không đơn giản chỉ là lấy máy bay ra và bàn giao cho họ. Các máy bay này được lấy từ các lực lượng không quân khác nhau và chúng cần được chỉnh sửa lại để phù hợp và dễ sử dụng hơn với không quân Ukraine”, một quan chức NATO nói với các phóng viên tại cuộc họp ngắn bên lề hội nghị thượng đỉnh ngày 11/7 ở Washington.
Quan chức này cũng lưu ý về công tác đào tạo, hậu cần, năng lực cần thiết để vận hành và bảo vệ các sân bay, đồng thời cho biết quá trình mua sắm và cung cấp máy bay chiến đấu thường kéo dài nhiều năm.
“Nếu nhìn vào một chương trình như vậy, ngay cả khi một quốc gia đồng minh trong điều kiện thời bình tiếp nhận một khung máy bay mới cũng có thể mất nhiều thời gian hơn thế để mọi thứ vào đúng vị trí”.
Trong cuộc họp báo ngày 11/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan thừa nhận, “giai đoạn tăng tốc” để đưa F-16 vào hoạt động ở Ukraine sẽ rất quan trọng. Tuy nhiên ông cũng hấn mạnh, các máy bay chiến đấu này được kỳ vọng sẽ có tác động trong thời gian ngắn và mang lại cho Ukraine khả năng lấy lại các vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát.