Máy bay quân sự Mỹ-Trung Quốc suýt lao vào nhau trên Biển Đông
VOV.VN - Chiếc máy bay trinh sát P-3 Orion của Hải quân Mỹ đã suýt bị chiếc máy bay cảnh báo sớm KJ-200 của Trung Quốc lao vào khi đang bay ở Biển Đông.
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ ngày 9/2 cho biết, chiếc máy bay KJ-200 đã áp sát chiếc P-3 Orion và chỉ còn cách chiếc máy bay này khoảng 300m khi chiếc P-3 Orion đang bay ở khu vực bãi cạn Scarborough.
Máy bay trinh sát P-3 Orion của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ
Người phát ngôn Hải quân Mỹ, Thiếu tá Rob Shuford nhấn mạnh, hành động của phía Trung Quốc là “không an toàn” và chiếc P-3 Orion của Hải quân Mỹ đã buộc phải chuyển hướng để tránh va chạm.
“Chiếc P-3 Orion của Hải quân Mỹ đang làm nhiệm vụ tuần tra thông thường theo luật pháp quốc tế”, Thiếu tá Rob Shuford tuyên bố: “Bộ Quốc phòng và Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ luôn quan ngại trước những hành vi không an toàn của quân đội Trung Quốc. Chúng tôi sẽ giải quyết vụ việc này thông qua các kênh ngoại giao và quân sự tương ứng”.
Thiếu tá Rob Shuford cho biết, những vụ “suýt đụng đầu” như thế này giữa máy bay quân sự Trung Quốc và Mỹ hiếm khi xảy ra và chỉ có 2 vụ tương tự xảy ra trong năm 2016.
Đáp lại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, phi công của họ đã hành xử “một cách chuyên nghiệp và đúng pháp luật” trong vụ việc nói trên: “Chúng tôi hy vọng rằng phía Mỹ sẽ lưu ý đến mối quan hệ hiện tại giữa 2 quốc gia và quân đội 2 nước để có những bước đi thực chất nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra những việc không mong muốn trên biển và trên không”.
Mới đây nhất, hồi tháng 12/2016, Hải quân Trung Quốc đã giữ một thiết bị lặn không người lái của Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông gần với Philippines. Vụ việc này đã gây ra sự phản đối gay gắt từ phía Mỹ.
Lầu Năm Góc tố cáo tàu Trung Quốc đã “giữ trái phép” một thiết bị lặn không người lái của Mỹ và khẳng định, thiết bị này chỉ thu thập thông tin về nhiệt độ, độ mặn và độ trong của nước biển.
Tại thời điểm đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng đã lên án hành động này của phía Trung Quốc: “Trung Quốc lấy cắp thiết bị nghiên cứu của Hải quân Mỹ đang hoạt động ở hải phận quốc tế và đưa nó về Trung Quốc. Đây là hành động chưa từng có tiền lệ”.
Trong khi đó, phía Trung Quốc tuyên bố, họ giữ thiết bị lặn không người lái của Mỹ vì thiết bị này có thể gây tai nạn cho các tàu thuyền khác. Trung Quốc cũng “cực lực lên án” các hoạt động do thám của Mỹ và yêu cầu Mỹ dừng ngay hành động này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh khẳng định, cáo buộc Trung Quốc lấy cắp thiết bị lặn không người lái là “không chính xác”.
“Hãy tưởng tượng bạn nhìn thấy thứ gì đó trên đường, điều đầu tiên bạn làm là kiểm tra kỹ vật đó trước khi quyết định trao trả cho ai đó”, bà Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, sau đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo đã “hoàn thành thuận lợi công tác bàn giao” thiết bị lặn không người lái lại cho Mỹ sau khi thực hiện các cuộc tham vấn “hữu nghị” giữa hai nước. Công tác bàn giao thiết bị lặn không người lái của Mỹ đã diễn ra suôn sẻ trên vùng biển có liên quan ở Biển Đông./.
Mỹ - Trung và “cuộc chiến” trong lòng Biển Đông