Mỹ kích hoạt Bộ Tư lệnh Không gian của Lực lượng Thủy quân Lục chiến
VOV.VN - Theo người đứng đầu MARFORSPACE, vũ trụ và không gian mạng là những lĩnh vực quan trọng trong môi trường thông tin, khi kết hợp lại với nhau, có thể mang lại lợi thế cạnh tranh.
Bộ Tư lệnh Không gian thuộc Lực lượng Thủy quân Lục chiến với chức năng hỗ trợ từ không gian cho lực lượng này đã chính thức đi vào hoạt động và vai trò Tư lệnh do Tư lệnh Không gian Mạng của Thủy quân Lục chiến kiêm nhiệm.
Ngày 13/11 Tướng David H. Berger - Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ (United States Marine Corps - USMC) - thông báo, Bộ Tư lệnh Không gian của Thủy quân Lục chiến (Marine Corps Forces Space Command - MARFORSPACE) thuộc Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ (U.S. Space Command - USSPACECOM) đã được kích hoạt. Về tổ chức, Bộ Tư lệnh Không gian cùng Bộ Tư lệnh Không gian Mạng của Thủy quân Lục chiến chịu sự chỉ đạo ngành dọc của USSPACECOM, đặc trách các hoạt động quân sự trong vũ trụ - từ 100km (62 dặm) tính từ mực nước biển, trở lên.
MARFORSPACE với chức năng hỗ trợ từ không gian cho Lực lượng Thủy quân Lục chiến có đại bản doanh đóng tại Căn cứ Không quân Offutt (tiểu bang Nebraska), cho đến khi lựa chọn được địa điểm triển khai thường trực, và do Thiếu tướng Matthew G. Glavy, người cũng là Tư lệnh Lực lượng Không gian Mạng (Sở Chỉ huy đóng tại Fort Meade, tiểu bang Maryland) của Thủy quân Lục chiến, kiêm chỉ huy, mặc dù đây là hai đơn vị độc lập, có bộ chỉ huy riêng.
Tướng Glavy là chỉ huy của Thủy quân Lục chiến đầu tiên trong hệ thống phân cấp USSPACECOM, được cơ cấu từ nhiều đơn vị khác nhau. Quốc hội Mỹ không cho phép Lực lượng Vũ trụ Thủy quân Lục chiến có cơ cấu cấp bậc quân hàm riêng mà sẽ sử dụng tương ứng với cấp bậc của Hải quân. Cho đến nay, Lực lượng Không gian sử dụng thang cấp bậc quân hàm của Không quân Mỹ - lực lượng mà từ đó họ mới được tách ra gần đây.
Bộ Tư lệnh Không gian của Lực lượng Thủy quân Lục chiến sẽ dựa vào các chuyên gia không gian - những người trước đây đã hỗ trợ Bộ Tư lệnh Lực lượng Thủy quân lục chiến trong Bộ Tư lệnh Chiến lược STRATCOM Mỹ. Các chức năng không gian của STRATCOM Mỹ đã được chuyển cho Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ khi Bộ chỉ huy Tác chiến Không gian Hợp nhất được thành lập vào ngày 29/8/2019.
Theo người đứng đầu MARFORSPACE, vũ trụ và không gian mạng là những lĩnh vực quan trọng trong môi trường thông tin, khi kết hợp lại với nhau, có thể mang lại lợi thế cạnh tranh. Thủy quân Lục chiến sẽ tham gia Bộ Tư lệnh Không gian, chịu trách nhiệm lập kế hoạch và tiến hành các chiến dịch không gian toàn cầu, hỗ trợ và cung cấp dữ liệu cho các chỉ huy tác chiến khác cũng như các đối tác đồng minh của Mỹ.
Nhiệm vụ chính của Bộ Tư lệnh mới này sẽ là quản lý các phương tiện trinh sát, liên lạc và dẫn đường trong không gian trong khuôn khổ các hoạt động chiến đấu và tập trận của Thủy quân Lục chiến. Người ta cho rằng, sự kết hợp giữa khả năng không gian và mạng sẽ làm tăng khả năng chống chịu của hệ thống đối với các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra bởi kẻ thù, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động các lĩnh vực này.
Được biết, từ ngày 30/6/1834, cùng với Hải quân Mỹ, Thủy quân Lục chiến trở thành một cấu phần của Bộ Hải quân Mỹ. Thủy quân Lục chiến vận hành các cơ sở thiết lập trên bộ và trên các tàu chiến đổ bộ đường biển trên khắp thế giới. Ngoài ra, một số phi đội không quân chiến thuật của Thủy quân Lục chiến, chủ yếu là các phi đội máy bay chiến đấu, cũng được chuyển cho các lực lượng không quân của tàu sân bay Hải quân và hoạt động từ các tàu sân bay.
Theo Đạo luật An ninh Quốc gia năm 1947, ba lĩnh vực nhiệm vụ chính của Thủy quân lục chiến là: Quản lý hoặc bảo vệ các căn cứ hải quân cùng các hoạt động trên bộ khác để hỗ trợ các chiến dịch hải quân; phát triển chiến thuật, kỹ thuật và trang bị của lực lượng đổ bộ để phối hợp với Lục quân và Không quân; và các nhiệm vụ khác được Tổng thống hoặc Bộ Quốc phòng Mỹ giao cho.
Có khả năng tác chiến cả trên biển và trên mặt đất, Thủy quân Lục chiến Mỹ là một lực lượng tác chiến trên bộ chịu trách nhiệm chính trong việc tiến hành các hoạt động viễn chinh và đổ bộ thông qua sử dụng tổng hợp vũ khí, bộ binh, thiết giáp, pháo binh, không quân và lực lượng đặc nhiệm của riêng mình. Tính tại thời điểm năm 2017, Thủy quân Lục chiến Mỹ có khoảng 182.000 quân nhân tại ngũ và khoảng 38.500 thành viên dự bị./.