Mỹ lo sốt vó bí mật của chiến đấu cơ F-35 lọt vào tay Nga
VOV.VN - Việc Ấn Độ tuyên bố sẽ đẩy nhanh thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 của Nga đang khiến Mỹ lo sợ.
Mỹ lo bí mật rơi vào tay Nga
Hãng tin Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự quốc phòng Ấn Độ Vijainder K Thakur cho biết, việc Mỹ phản đối Ấn Độ tiếp cận hệ thống phòng không S-400 của Nga có khả năng xuất phát từ nỗi lo rằng, nếu hệ thống này được sử dụng để kiểm tra khả năng tàng hình của máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, Ấn Độ sẽ truy cập được dữ liệu của loại máy bay này và chuyển giao dữ liệu đó cho Nga hoặc các đối thủ khác của Mỹ.
Máy bay F-35 của Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin. |
Theo ông Vijainder K Thakur, S-400 có thể được sử dụng không chỉ với mục đích xác định hệ thống radar của F-35 mà còn cả cấu hình của chiếc máy bay này.
“Máy bay F-35 Lightning 2 không hội tụ đủ tất cả các khía cạnh tàng hình. Chiếc máy bay này được tối ưu hóa để tàng hình ở mặt trước, khiến loại radar X-band của máy bay chiến đấu của đối phương không thế phát hiện ra nó khi đối diện. Tuy nhiên mặt bên và mặt sau của máy bay vẫn hạn chế về khả năng tàng hình. Các radar mặt đất như S-band 91NE6 hay radar quản lý tác chiến của hệ thống S-400 có thể phát hiện và theo dõi F-35 bởi chúng hiếm khi ở vị trí đối diện với máy bay này. Chẳng hạn, Radar S-band 91NE6 có thể thu được nhiều tín hiệu khác nhau từ radar của F-35 và lưu trữ chúng trong một thư viện điện tử. Những dữ liệu này sau đó sẽ được dùng để xác định đường quét của radar F-35 hoặc cấu hình máy bay”.
Ấn Độ trấn an Mỹ
Tuy nhiên, các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho rằng, Mỹ không có lý do gì để lo lắng về điều đó: “Sự lo lắng này là không có căn cứ”. Ấn Độ không lập hồ sơ theo dõi dữ liệu của F-35 và không tiết lộ công nghệ quốc phòng của quốc gia này cho quốc gia khác. Không một nước nào, trong đó có Mỹ có thể cáo buộc Ấn Độ những hành vi đó.
Mỹ đã bán các trang thiết bị quốc phòng cho Ấn Độ trong 1 thập kỷ rưỡi qua và đến thời điểm hiện tại không có công nghệ quốc phòng nào của Mỹ bị rò rỉ tới các quốc gia khác. Hãng tin Sputnik dẫn lời một quan chức trong Bộ Quốc phòng cho biết: “Trên thực tế, các trang thiết bị quốc phòng của Nga, Mỹ, Pháp và Israel đã phục vụ rất tốt cho quân đội Ấn Độ”.
Quan chức này cho biết thêm, Ấn Độ bảo mật rất nghiêm ngặt thư viện điện tử thu thập tín hiệu radar. Đến nay vẫn không có sự nghi ngờ về việc lực lượng không quân Ấn Độ đã chia sẻ thư viện điện tử này với lực lượng không quân Nga. Nếu Mỹ hoài nghi về khả năng bảo vệ bí mật của Ấn Độ, nước này đã lựa chọn không chào hàng máy F-35 cho lực lượng không quân hoặc hải quân Ấn Độ.
Hãng tin Sputnik dẫn một nguồn tin khác cho biết, hệ thống phòng thủ S-400 của Nga là hệ thống quốc phòng phức tạp và tinh vi, và hầu như chưa có đối thủ ngang hàng ở giai đoạn hiện tại. Hệ thống S-400 đã chứng minh tính hiệu quả trong các tình huống chiến tranh giả định và điều đó đã ảnh hưởng tới Ấn Độ cũng như các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đã sở hữu chiến đấu cơ F-35 của Mỹ và đang trong giai đoạn đàm phán với Nga để mua hệ thống S-400. Điều này khiến Mỹ đặc biệt thất vọng với Thổ Nhĩ Kỳ vì Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh của Mỹ trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).
Tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Mỹ đang “đứng ngồi không yên” vì ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm đến việc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Điều đó đồng nghĩa với việc, hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ sẽ đánh mất thị phần trước S-400, bởi cho đến nay vẫn chưa có hệ thống nào của Mỹ có thể sánh ngang tầm với S-400. Thêm vào đó, những quốc gia mua song song S-400 và máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ hoặc đang có kế hoạch mua loại máy bay này sẽ đặt ra thách thức đối với Washington bởi họ có thể nắm được điểm yếu của F-35.
Các cuộc đàm phán giữa Ấn Độ và Nga về hợp đồng mua S-400 trị giá hàng tỉ USD đã bước vào giai đoạn tiến triển nhất định và nhiều khả năng hợp đồng này có thể được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh thường niên Nga-Ấn vào tuần đầu tiên của tháng 10/2018. Trước đó, Trung Quốc đã ký thỏa thuận mua hệ thống này của Nga./.
Chuyên gia Nga bóc mẽ loạt điểm yếu của tiêm kích đa nhiệm Mỹ F-35