Mỹ-Nga chạy đua phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 6
VOV.VN- Trong bối cảnh Mỹ và Nga đều gặp khó khăn khi phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, cả hai nước đều sắp chuyển sang phát triển thế hệ tiếp theo.
Theo Sputnik News, trong khi việc phát triển siêu chiến đấu cơ đa nhiệm F-35 của Mỹ gặp trục trặc về điện tử và chi phí phát triển đội lên quá cao thì việc phát triển chiếc T-50 của Nga cũng bị trì hoãn do gặp vấn đề về động cơ.
Hiện cả Nga và Mỹ đều đang nỗ lực hết mình để sớm đưa ra ý tưởng về các chiến đấu cơ thế hệ thứ 6. Trong khi hãng chế tạo máy bay Sukhoi Nga dự định công bố mẫu máy bay thế hệ thứ 6 này vào năm 2020 thì hãng Boeing của Mỹ dự định sẽ thực hiện điều này vào năm 2030.
Theo ý tưởng của hãng Northrop Grumman của Mỹ, mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 của hãng sẽ có khả răng tách làm 3 máy bay riêng rẽ. Ảnh trên Youtube của Northrop Grumman
“Nếu chúng tôi ngừng [phát triển mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5-ND] chúng tôi sẽ dừng việc này vĩnh viễn. Chúng tôi sẽ tập trung vào các mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 và có thể là thứ 7”, người đứng đầu lực lượng Không quân Nga Viktor Bondarev nói.
Trong khi Nga vẫn giữ bí mật về mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của mình thì phía Mỹ đã công bố một số mẫu thiết kế ý tưởng về chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của mình.
Một trong số đó là ý tưởng của hãng Northrop Grumman, theo đó, chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 sẽ là một chiếc tàu không gian có thể phóng tia laser. Ngoài ra, hãng Boeing cũng đang tập trung phát triển mẫu F/A-XX để phục vụ cho các hạm đội của Hải quân Mỹ.
Cả Nga và Mỹ cùng hướng đến mục tiêu các mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 sẽ có khả năng hoạt động không người lái. Tại cuộc họp báo liên quan đến tương lai của các máy bay chiến đấu của Nga, ông Bondarev tuyên bố, các máy bay chiến đấu thế hệ mới đều có 2 phiên bản có và không có người lái.
Sau đó, ông Bondarev cho biết, việc chuyển sang phát triển mẫu máy bay không người lái bởi mỗi phi công đều có những hạn chế nhất định, đặc biệt là khi phải bay dài hoặc phải thực hiện những cú nhào lộn cực kỳ phức tạp.
Theo ông Bondarev, các máy bay không người lái sẽ “có nhiều chức năng hơn trong khi chi phí bảo trì lại rẻ hơn. Các bạn khó có thể tưởng tượng nổi những gì mà các chiến đấu cơ và oanh tạc cơ không người lái có thể thực hiện trong tương lai”, ông Bondarev.
Trong khi đó, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus cũng từng tuyên bố rằng Chương trình phát triển các máy bay trinh sát và tấn công không người lái có thể phóng đi từ tàu ngầm (UCLASS) có thể dẫn tới việc toàn bộ các máy bay trong tương lai có thể sẽ là các máy bay không người lái.
“Chúng tôi hy vọng UCLASS sẽ là cầu nối giữa các hệ thống phải sử dụng người điều khiển và các hệ thống hoàn toàn tự động- có thể được triển khai vào năm 2020”, ông Mabus nói./.