Nga chi 15,6 tỷ USD phát triển công nghiệp quốc phòng
VOV.VN - Chương trình mới phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng của Nga chủ yếu tập trung vào việc nâng cấp trang thiết bị sản xuất khí tài.
TASS ngày 11/7 dẫn lời Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói với các thành viên Đảng nước Nga Thống nhất cho biết, Chính phủ Nga sẽ cấp 1.000 tỷ rubles (15,6 tỷ USD) cho phát triển công nghiệp quốc phòng trong nước.
Nga sẽ tập trung hỗ trợ về mặt khoa học cho các doanh nghiệp quốc phòng để cải thiện các đặc tính kỹ thuật của những loại vũ khí hiện có. (Ảnh: TASS)
“Năm nay, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch chương trình phát triển quốc phòng và ngành công nghiệp phụ trợ. Đây là một chương trình lớn và cần đến khoản tiền đầu tư tương xứng. Chúng tôi quyết định chi 1.000 tỷ rubles cho chương trình này”, Thủ tướng Nga nói.
Theo ông Medvedev, chương trình sẽ tập trung vào việc tái trang bị cho các doanh nghiệp quốc phòng, cung cấp cho họ các trang thiết bị mới. Điều này là rất quan trọng bởi việc nâng cấp tư liệu sản xuất sẽ mang lại những sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
Thủ tướng Nga cũng cho biết, Tổng thống Putin và Chính phủ đang theo đuổi một chính sách nhất quán, hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng để có thể cung cấp những loại vũ khí mới cho quân đội và hải quân.
Hồi tháng 5/2016, Thủ tướng Nga Medvedev cũng đã thông qua kế hoạch cập nhật của chương trình phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong nước giai đoạn 2016 – 2020 trị giá 1.067 tỷ rubles.
Theo Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, chương trình này quy định các biện pháp hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng nhằm hướng tới thay thế các sản phẩm quân sự trước đó được nhập khẩu từ các nước thành viên NATO, Liên minh châu Âu và Ukraine bằng các sản phẩm được sản xuất trong nước.
Cụ thể, chương trình này dự kiến hỗ trợ về mặt khoa học cho các doanh nghiệp quốc phòng để cải thiện các đặc tính kỹ thuật của những loại vũ khí hiện có. Trong đó ưu tiên chính được dành cho các vũ khí phục vụ cho lực lượng hải quân và không quân.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, chương trình bao gồm 4 mục tiêu quan trọng. Mục tiêu đầu tiên là tăng khả năng sẵn sàng sản xuất và công nghệ trong ngành công nghiệp quốc phòng lên mức 100% để đảm bảo nguồn cung về vũ khí, đạn dược và trang thiết bị quân sự. Trong năm 2016, con số này đang ở mức 97%.
Mục tiêu thứ hai là đưa 929 cơ sở sản xuất mới đi vào hoạt động. Mục tiêu thứ ba là hướng tới tạo ra 40% những sản phẩm sáng tạo, có yếu tố cải tiến công nghệ.
Mục tiêu thứ tư là phát triển ít nhất 1.300 sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao phục vụ cho công nghiệp quốc phòng vào năm 2020./.