Nga tiết lộ về sức mạnh quân đội “hiện đại” và “sẵn sàng tác chiến”
VOV.VN - Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu đã tiết lộ về sức mạnh của quân đội Nga cũng như những vũ khí tối tân mà nước này sở hữu trong bài phát biểu ngày 11/3.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có bài phát biểu trước Duma Quốc gia Nga ngày 11/3, giải thích trước các nhà lập pháp về việc các lực lượng vũ trang nước này đã được cải thiện ra sao từ khi ông Putin đắc cử Tổng thống năm 2012, cũng là năm ông Shoigu và Tổng tư lệnh quân đội Valery Gerasimov được bổ nhiệm. Ông Putin trước đó đã có 2 nhiệm kỳ Tổng thống, 1 nhiệm kỳ giữ chức Thủ tướng. Nhà lãnh đạo Nga đang ngày càng tập trung vào việc củng cố vị thế của quân đội quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ với phương Tây đang ngày càng bấp bênh.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phát biểu trước Duma Quốc gia Nga ngày 11/3. Ảnh: State Duma |
Ông Soigu cho biết hiện số vũ khí Nga sở hữu gồm 3.000 xe tăng và các phương tiện tác chiến khác, hơn 1.000 chiến đấu cơ và trực thăng cùng với hơn 200 tên lửa đạn đạo, cũng như các tàu ngầm tên lửa chiến lược 3 lớp Borei, 57 tàu vũ trụ, 7 tàu ngầm dưới biển, 17 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal và Bastion cùng 161 tàu chiến.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng nhấn mạnh rằng "quân đội Nga được trang bị đầy đủ các loại vũ khí và trang thiết bị hiện đại, cũng như tất cả các đơn vị đều có khả năng sẵn sàng tác chiến ngay lập tức".
Mối quan hệ Nga và Mỹ chi phối đến các vấn đề quốc tế, nhất là khi cả 2 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới đều ủng hộ chính sách cạnh tranh với nhau. Căng thẳng Nga - Mỹ leo thang năm 2014 khi phe chính trị nổi dậy chống lại cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych nhận được sự ủng hộ của Mỹ, trong khi Kiev cáo buộc rằng phe ly khai ở miền đông có sự hậu thuẫn của Nga. Sau khi Nga sát nhập Bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình, Mỹ đã phản ứng lại bằng cách tăng cường quân sự hóa khu vực biên giới phía đông của các đồng minh phương Tây trong NATO.
Dưới thời Tổng thống Trump, mối quan hệ giữa 2 nước hầu như có rất ít tiến triển, bất chấp những nỗ lực từ 2 nhà lãnh đạo. Nga và Mỹ cũng tăng cường phát triển các thiết bị quân sự mới tiên tiến. Trong khi ông Putin công khai về các loại vũ khí hiện đại, có khả năng hạt nhân và "bất khả chiến bại" trước các hệ thống của Mỹ , thì ông Trump tiết lộ về một đề xuất nhằm mở rộng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Đặc biệt, năm 2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết năm 1987 với cáo buộc Nga phá vỡ Hiệp ước khi triển khai tên lửa 9M729 được cho là có khả năng bay vượt quá giới hạn cho phép. Trong khi đó, các quan chức Nga khẳng định các hệ thống phòng thủ của Mỹ ở châu Âu có khả năng tấn công, một động thái cũng vi phạm các điều khoản của Hiệp ước.
Trong bài phát biểu ngày 11/3, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu tiết lộ quân đội Nga đã tăng gấp đôi số lượng quân nhân hợp đồng và bổ sung 10 lữ đoàn được trang bị hệ thống tên lửa Iskander.
Ngoài hướng hiện đại hóa quân đội, Bộ Quốc phòng Nga cho biết ông Shoigu đã thảo luận về việc "tăng cường các nhóm quân đội ở Crimea, phát triển các hạ tầng quân sự ở Bắc Băng Dương và củng cố kinh nghiệm chiến đấu ở Syria"./.
Xe bọc thép Nga BPM-97: Nỗi kinh hoàng của IS ở Syria