Các tàu ngầm Nga ở Thái Bình Dương khiến Hải quân Mỹ khiếp sợ
VOV.VN - Đô đốc Mỹ Harry Harris thừa nhận, sự hiện diện của các tàu ngầm Nga ở Thái Bình Dương là mối đe dọa lớn nhất đối với Hải quân Mỹ.
Theo TASS, phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ gần đây, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Harris tuyên bố, chương trình hiện đại hóa Hải quân Nga “là một tín hiệu cho thấy Moscow thực sự quan tâm đến khu vực này”.
“Với việc các tàu chiến và tàu Hải quân thuộc Hạm đội Thái Bình Dương cùng các máy bay chiến đấu của Nga hiện diện thường xuyên tại đây, Nga muốn truyền đi thông điệp rằng, Nga thực sự là một thế lực ở Thái Bình Dương”, Đô đốc Harris nói.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Yuri Dolgoruky. Ảnh EPA
Sức mạnh thực sự của tàu ngầm Nga
Đô đốc Harris cũng bày tỏ lo ngại rằng, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đang thiếu một số tàu ngầm để có thể duy trì hoạt động thường xuyên trong khu vực.
Ông Harris cho biết, Nga đang hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm lớp Antey thế hệ thứ 3 (NATO gọi là Oscar-2) và sản xuất các tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen thế hệ kế tiếp. Ngoài ra, Nga còn đưa tàu ngầm hạt nhân mới nhất lớp Dolgoruky đến Thái Bình Dương nhằm củng cố khả năng răn đe chiến lược của nước này.
Các tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương hoàn toàn đủ khả năng bảo đảm an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hạm đội này gồm có các tàu ngầm sau:
· 5 tàu ngầm chiến lược mang tên lửa hành trình lớp Borei và Kalmar
· 5 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình lớp Antey
· 6 tàu ngầm hạt nhân mang ngư lôi lớp Schuka-B
· 8 tàu ngầm diesel lớp Kilo
Các tàu ngầm tấn công đa nhiệm lớp Yasen
Các tàu ngầm lớp Yasen thuộc Dự án 885- được coi là dự án bí mật nhất về loại tàu ngầm tối tân nhất của Nga. Đây là loại tàu ngầm được thiết kế chuyên để tấn công các tàu chiến và các cơ sở hạ tầng ven biển của địch nhờ khả năng “tàng hình” gần như tuyệt đối của mình. Đây cũng là loại tàu ngầm mạnh nhất trong biên chế Hải quân Nga.
Hiện Hải quân Nga chỉ sử dụng một tàu ngầm duy nhất thuộc Dự án 885-Severodvinsk. 3 chiếc tàu ngầm khác thuộc dự án này- Kazan, Novosibirsk và Krasnoyarsk- hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện ở xưởng đóng tàu Sevmash ở miền Bắc nước Nga.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen Severodvinsk. Ảnh TASS |
Ngoài ra, xưởng đóng tàu Sevmash cũng sẽ đóng thêm 8 tàu hạt nhân mang tên lửa hành trình lớp Yasen và Yasen-M và sẽ hoàn tất trước năm 2020. Trong đó, các tàu lớp Yasen-M sẽ được trang bị hệ thống tác chiến điện tử hiện đại hơn so với lớp Yasen.
So với các tàu ngầm chiến lược thế hệ thứ 4 mới nhất thuộc lớp Borei, chiếc tàu ngầm lớp Yasen-M Kazan được cho là sở hữu tất cả những tính năng mới nhất chưa từng được áp dụng đối với bất kỳ tàu ngầm nào.
Thân tàu ngầm Kazan được làm từ loại thép đặc biệt cho phép tàu lặn xuống độ sâu tới hơn 600m- nhiều hơn gấp đôi so với các loại tàu ngầm truyền thống- và hoàn toàn nằm “ngoài tầm tìm kiếm” của các hệ thống săn ngầm. Tàu có tốc độ tối đa 30 hải lý.
Tàu ngầm lớp Borei
Tên lớp Borei của tàu xuất phát từ tên một loại gió bão ở phương Bắc trong thần thoại Hy Lạp. Tuy nhiên, các tàu ngầm chiến lược thuộc lớp Borei không chỉ hoạt động ở phương Bắc [nơi có điều kiện thời tiết giá lạnh và khắc nghiệt-ND] mà còn có thể hoạt động tại mọi khu vực trên thế giới.
Các tàu ngầm lớp Borei được coi là một trong những dự án mang tính đột phá của Nga tại thời điểm này. Các nhà phát triển đã nỗ lực để các tàu ngầm này có thể “tàng hình” ở mức cao nhất bằng cách sử dụng một cánh quạt thủy lực được đặt bên trong một ống hình trụ đặc biệt có khả năng hoạt động như một chiếc máy bơm nước.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei Vladimir Monomakh. Ảnh TASS |
Thân của các tàu ngầm lớp Borei được lắp ráp từ nhiều khối lại trong khi các trang thiết bị trên tàu được gắn lên hệ thống chống sốc. Hệ thống này giúp chia tách từng khối trong thân tàu giúp giảm mức độ gây ra tiếng ồn khi tàu ngầm hoạt động.
Ngoài ra, toàn bộ các thiết bị sóng âm trên các tàu ngầm này đều được tích hợp bên trong một hệ thống tự động kỹ thuật số duy nhất giúp vừa có thể phát hiện mục tiêu, vừa đo được độ dày của băng hoặc tìm kiếm những vị trí có thể phá băng.
Theo một số dữ liệu, hệ thống sóng âm được gắn trên tàu ngầm Yury Dolgoruky hoàn toàn vượt trội so với hệ thống tương tự trên các tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ về tầm hoạt động. Điều này có nghĩa là các tàu ngầm lớp Borei có thể phát hiện các mục tiêu dưới nước trong khi vẫn hoàn toàn nằm ngoài tầm hoạt động của các thiết bị sóng âm trên các tàu chiến.
Các tàu ngầm lớp Borei đều được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava- loại vũ khí tấn công cơ bản của tàu. Tính năng và các thông số kỹ thuật của tên lửa Bulava hiện vẫn chưa được công bố và vẫn là bí mật quốc gia của Nga.
Hải quân Nga hiện đang sử dụng 3 tàu ngầm lớp Borei:
· Tàu Yury Dolgoruky- chiếc tàu ngầm hàng đầu của dự án được đưa vào biên chế Hải quân Nga từ năm 2013;
· Tàu Alexander Nevsky- được đóng theo dự án 09551 nhằm hiện đại hóa các tàu ngầm lớp Borei và cũng đi vào hoạt động năm 2013;
· TàuVladimir Monomakh- cũng được đóng theo dự án Project 09551 và đi vào hoạt động từ năm 2014.
Hiện Nga đang phát triển thế hệ tiếp theo của tàu ngầm lớp Borei theo dự án 09552 Borei-A. Các tàu ngầm của dự án này sẽ có khả năng tàng hình tốt hơn và được trang bị hệ thống điện tử hiện đại hơn cũng như mang lại cảm giác thoải mái hơn cho các thủy thủ lái tàu.
Các tàu ngầm lớp Borei được cho là sẽ trở thành “xương sống” trong các lực lượng hạt nhân chiến lược của quân đội Nga trong vài thập kỷ tới. Dự kiến, đến năm 2020, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ tiếp nhận 2 tàu ngầm được trang bị tên lửa Bulava theo dự án 09552.
Tàu ngầm lớp Antey trang bị tên lửa hành trình Granit
Dự án 949A bao gồm các tàu ngầm hạt nhân lớp Antey mang tên lửa hành trình Granit. Các tàu ngầm lớp Antey có thể mang được nhiều tên lửa nhất so với các loại tàu ngầm mang tên lửa khác.
Các tàu ngầm lớp Antey đều có 2 lớp thân với khoảng cách từ lớp thân ngoài và lớp thân trong lên đến 3,5m nhằm tăng cường đáng kể lực nâng của nước đối với tàu (đạt tới 30%) và giúp bảo vệ tàu khỏi các vật liệu nổ dưới nước.
Một chiếc tàu ngầm lớp Antey. Ảnh TASS |
Phần thân trong của tàu được chia làm 10 khoang khác nhau. Các tàu ngầm lớp Antey có khả năng lặn sâu xuống dưới đáy biển. Do hình dáng đặc thù của mình, các tàu ngầm lớp Antey được gọi vui là “ổ bánh mỳ”.
Từ tháng 12/2011, Hải quân Nga đã tiến hành phát triển một dự án nhằm thay thế hệ thống tên lửa Granit bằng 2 loại tên lửa hiện đại hơn là Oniks và Kalibr. Ngoài ra, Hải quân Nga cũng dự định cải tiến bệ phóng của các tên lửa này mà không cần thiết kế lại thân tàu.
Hiện tại, các tàu ngầm lớp Antey cùng với oanh tạc cơ Tupolev Tu-22M3 đang trở thành “đối thủ đáng gờm” của các hàng không mẫu hạm hàng đầu của Hải quân Mỹ./.
Chiêm ngưỡng các tàu ngầm đang hoạt động trong biên chế Hải quân Nga