Giải mã vụ phóng tên lửa mới nhất và tiềm lực quân sự của Triều Tiên
VOV.VN - Vụ phóng tên lửa ngày 25/3 cho thấy, kho vũ khí quân sự ngày càng gia tăng của Triều Tiên đang tạo ra mối đe dọa đáng kể đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên
Hai tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên phóng thử ngày 25/3 đã rơi xuống biển và không gây nguy hiểm, nhưng các chuyên gia quân sự cho biết, vụ phóng là dấu hiệu cho thấy kho vũ khí quân sự ngày càng gia tăng của Triều Tiên đang tạo ra mối đe dọa đáng kể đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
“Mỹ và các đồng minh châu Á coi Triều Tiên là mối đe dọa lớn về an ninh”, Hội đồng Đối ngoại Mỹ (CFR) cho biết trong bản đánh giá năng lực quân sự của Triều Tiên được cập nhật vào tháng 11/2020. Có lẽ thông tin đáng lo ngại nhất trong báo cáo của CFR là: “Triều Tiên có thể có hơn 60 vũ khí hạt nhân, theo đánh giá của các nhà phân tích và nước này đã thử nghiệm thành công những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể tấn công Mỹ ”.
Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên hôm nay (26/3) cho biết, các tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên phóng thử vào hôm 25/3 – vụ phóng thứ 2 trong chưa đầy 1 tuần, là tên lửa tầm ngắn. Đây là tên lửa dẫn đường chiến thuật mới, có khả năng mang đầu đạn nặng 2,5 tấn và bay xa 600km.
Sau vụ thử, ông Ri Pyong Chol - người đứng đầu chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên cho biết: "Việc phát triển hệ thống vũ khí này rất quan trọng trong việc thúc đẩy sức mạnh quân sự của đất nước và ngăn chặn tất cả các mối đe dọa quân sự trên Bán đảo Triều Tiên”. Tuyên bố này dường như cho thấy, những tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng không tạo ra mối đe dọa đối với lãnh thổ của Mỹ.
Tuy nhiên, Nhật Bản – đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại Thái Bình Dương, nơi có nhiều căn cứ quân sự cùng hàng chục nghìn binh sỹ của Mỹ, lại phát đi báo động. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định, vụ phóng 2 tên lửa của Triều Tiên là “hành động đe dọa hòa bình và an ninh của Nhật Bản”. Vụ phóng diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang chuẩn bị khai mạc Thế vận hội mùa Hè 2020 (Olympic Tokyo).
Trước đó vào năm 2017, Triều Tiên đã thử nghiệm hai tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Năm 2020, Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) - Hwasong-15. Tên lửa này được phóng lên không trung sau đó lao xuống vùng biển Nhật Bản.
David Wright, chuyên gia thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ cho biết, nếu bay theo quỹ đạo tiêu chuẩn, tên lửa này có thể bay xa 13.000 km. “Tên lửa như vậy có đủ tầm xa để vươn tới Washington DC, thậm chí bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ”. Song ông lưu ý, tầm bắn này có thể sẽ không đạt được nếu tên lửa được trang bị đầu đạn hạt nhân nặng.
Nhưng ngay cả khi được trang bị đầu đạn hạt nhân nhỏ, thì tên lửa vẫn có thể gây ra sự tàn phá kinh hoàng. Quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945 đã khiến 70.000 người thiệt mạng trong vụ nổ đầu tiên và hàng chục người khác chết dần chết mòn do bị bỏng hoặc nhiễm phóng xạ.
Triều Tiên nhiều khả năng đã thử nghiệm thành công những quả bom hạt nhân có kích thước tương đương, thậm chí lớn hơn nhiều so với quả bom nguyên tử trút xuống Hiroshima.
Tên lửa uy lực nhất của Triều Tiên
Vào tháng 10/2020, Triều Tiên đã trình làng tên lửa lớn nhất của nước này, là phiên bản nâng cấp của tên lửa Hwasong-15 trong cuộc duyệt binh tại Bình Nhưỡng. Tên lửa này được đặt trên xe phóng di động có đến 11 trục và 22 bánh. Đánh giá về sự kiện, Harry Kazianis, giám đốc bộ phận nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm lợi ích quốc gia (CNI, Mỹ) cho rằng, tên lửa này dường như là tên lửa ICBM mới hoạt động bằng nhiên liệu lỏng có kích thước lớn hơn và mạnh hơn nhiều so với bất cứ tên lửa nào trong kho vũ khí của Triều Tiên.
Báo cáo của CFR lưu ý, tên lửa trưng bày tại cuộc duyệt binh này chưa được thử nghiệm vì thế vẫn chưa rõ các khả năng thực sự của nó. Báo cáo cho biết thêm: “Theo các nhà phân tích, tên lửa mới có thể mang được nhiều đầu đạn hạt nhân hoặc mồi nhử để đánh lừa các hệ thống phòng thủ tên lửa”.
Triều Tiên đã thử nghiệm thành công bom hạt nhân 6 lần vào các năm 2006, 2009 và 2013, hai lần vào năm 2016, 2017, báo cáo cho biết thêm. “Qua mỗi vụ thử, các vụ nổ hạt nhân của Triều Tiên ngày càng mạnh hơn”.
Theo nghiên cứu của các nhà địa chấn học Đại học California Santa Cruz, vụ thử năm 2017 là vụ thử lớn nhất từ trước đến nay của Triều Tiên với sức công phá 250 kiloton. Trong khi đó, quả bom ở Hiroshima có đương lượng nổ 16 kiloton. Mặc dù thử thành công bom hạt nhân, nhưng cho đến nay Triều Tiên vẫn chưa cho thấy nước này có thể gắn các đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo một cách hiệu quả.
Tên lửa đạn đạo chỉ chạy bằng năng lượng trong giai đoạn đầu của quãng đường bay, khi đạt đến một độ cao nhất định sẽ ngay lập tức lao xuống mục tiêu bằng trọng lực. Các tên lửa đạn đạo tầm xa rời bầu khí quyển của trái đất ngay sau vụ phóng. Để nhắm trúng mục tiêu, các đầu đạn của những tên lửa này phải chịu được sức nóng tạo ra khi chúng hồi quyển, giống như những gì mà một con tàu vũ trụ có người lái cần phải làm khi chúng quay trở lại từ quỹ đạo.
Các chuyên gia cho rằng, với những tiến bộ mà Triều Tiên đạt được, đặc biệt dưới chương trình hiện đại hóa tên lửa của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, Bình Nhưỡng có thể đạt được công nghệ gắn thành công đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo tầm xa. Triều Tiên hiện đang đẩy mạnh việc phát triển tên lửa, trong đó có cả loại thông thường và loại có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Sách Trắng năm 2020 của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên có 13 lữ đoàn tên lửa. Theo tài liệu này, tại cuộc duyệt binh hồi tháng 10/2020, Triều Tiên đã trình làng 9 tên lửa, trong đó có tên lửa ICBM cỡ lớn và một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Sức mạnh của quân đội Triều Tiên
Mặc dù sự chú ý của cộng đồng quốc tế thường đổ dồn vào tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, nhưng không thể đánh giá thấp các loại vũ khí thông thường của nước này. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, quân đội Triều Tiên đã phát triển những bệ phóng rocket đa nòng có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào ở Hàn Quốc, điều này khiến toàn bộ đất nước với hơn 50 triệu người đối mặt với nguy hiểm. Bên cạnh đó, vũ khí của Triều Tiên cũng đe dọa gần 30.000 binh sỹ Mỹ đồn trú tại các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc.
Sách Trắng của Hàn Quốc cho biết, với sự hỗ trợ của đặc công, máy bay nhỏ, trực thăng và tàu thuyền, các đơn vị đặc nhiệm của Triều Tiên có thể đe dọa những căn cứ này, cùng với các ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng của Hàn Quốc.
Số lượng áp đảo về nhân lực cũng mang lại lợi thế cho Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ước tính, quân đội Triều Tiên có 1,28 triệu người trong khi quân đội Hàn Quốc có 550.000 người. Lực lượng mặt đất của Triều Tiên có 4.300 xe tăng, 2.600 xe bọc thép và 8.800 khẩu pháo. Còn hải quân nước này có 430 tàu chiến, 70 tàu ngầm và không quân có 810 máy bay chiến đấu./.