Mỹ rút quân khỏi Đức, Nga hưởng lợi?
VOV.VN - Một số chuyên gia cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Đức sẽ đem lại chiến thắng cho Nga và là một tổn thất với NATO.
"Chúng ta đang làm suy yếu chính những người lính của chúng ta. Chúng ta đang làm suy yếu mối quan hệ song phương của chúng ta với Đức. Chúng ta đang làm suy yếu các đồng minh NATO, cũng như liên minh NATO với tư cách là một thể chế, đồng thời là một lực lượng phòng vệ, cũng như đang thúc đẩy các kẻ thù của chúng ta", Jim Townsend, chuyên gia an ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới nhận định.
Quân đội Mỹ tại Đức. Ảnh: Quân đội Mỹ |
Theo các bài báo Wall Street Journal đưa tin vào đầu tháng này, kế hoạch được Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Robert O'Brien ký duyệt sẽ cắt giảm 9.500 quân Mỹ, tức là lực lượng quân đội Mỹ tại Đức sẽ còn 25.000.
Hiện nay, 34.500 quân Mỹ đang đồn trú ở Đức với khả năng sẵn sàng tăng lên 52.000 quân trong trường hợp cần thiết. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/6 đã xác nhận kế hoạch cắt giảm binh lính này. Ngày 11/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định: "Chúng tôi chào đón bất kỳ động thái nào của Washington nhằm cắt giảm sự hiện diện quân sự tại châu Âu".
Jeffrey Edmonds, một chuyên gia về Nga tại tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận CNA cho rằng: "Việc rút quân trên chắc chắn sẽ khiến Nga hài lòng. Giới lãnh đạo Nga từ lâu đã coi sự sắp xếp an ninh hiện nay tại châu Âu, cùng với sự tồn tại của NATO cũng như lực lượng Mỹ được triển khai ở đây là một tàn dư của Chiến tranh Lạnh và ngày nay không còn cần thiết nữa".
Chuyên gia này cũng giải thích rằng Nga coi sự hiện diện quân đội Mỹ tại châu Âu là nguy cơ đe dọa các lợi ích quốc gia chiến lược của nước này.
Hiện nay, vẫn chưa rõ liệu quyết định rút quân khỏi Đức của Mỹ đồng nghĩa với việc rút quân khỏi châu Âu hay chỉ tái phân bổ lực lượng này sang các quốc gia khác. Mùa hè năm ngoái, Tổng thống Trump cũng đã gợi ý về việc chuyển quân đội Mỹ đồn trú ở Đức sang Ba Lan.
Sự ủng hộ của Tổng thống Trump với việc rút quân dường như là do sự bất đồng giữa nhà lãnh đạo này với Thủ tướng Angela Merkel. Bình luận hôm 15/6, ông Trump nói rằng: "Họ (Đức-ND) nợ NATO hàng tỷ USD. Tại sao chúng ta phải làm những điều chúng ta đang làm trong khi họ không trả tiền?"
Giống như nhiều đồng minh khác của Mỹ, Đức cam kết dành 2% GDP cho quân đội nước này năm 2024 song không trực tiếp cấp nguồn ngân sách này cho NATO.
AP dẫn lời một quan chức Nhà Trắng nhận định tuần trước rằng một số binh lính Mỹ sẽ được cử tới Ba Lan trong khi số khác có lẽ sẽ được chuyển tới các nơi khác.
Tuy nhiên, chuyên gia Townsend cho rằng thậm chí quân đội chỉ rời Đức để tới Ba Lan thì sự không chắc chắn và bất ổn hiện tại cũng tạo ra những bất lợi cho các nước NATO. Các bài báo về kế hoạch của Nhà Trắng trong việc cắt giảm quân đội Mỹ tại Đức cho biết kế hoạch trên sẽ được triển khai vào đầu tháng 9.
Tuần trước, 22 thành viên đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump cân nhắc quyết định này.
"Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng các đồng minh NATO, chẳng hạn như Đức, nên đóng góp nhiều hơn vào những nỗ lực quốc phòng chung của chúng ta. Chúng tôi cũng cho rằng việc quân Mỹ đồn trú ở đây từ cuối Thế chiến II đã giúp ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới khác, và quan trọng nhất là giúp nước Mỹ an toàn hơn".
"Mối đe dọa mà Nga gây ra vẫn chưa giảm bớt và chúng tôi tin rằng các dấu hiệu về sự suy yếu trong các cam kết của Mỹ với NATO sẽ khuyến khích các hành động thô bạo và chủ nghĩa cơ hội của Nga", các Thượng nghị sĩ Mỹ viết trong bức thư gửi Nhà Trắng. Những người này cũng cho rằng việc cắt giảm binh lính sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo và gây tổn hại về khả năng sẵn sàng của quân đội.
Richard Grenell, cựu Đại sứ Mỹ tại Đức gần đây tuyên bố rằng: "Không ai nên bất ngờ về quyết định rút quân của Tổng thống Trump".
Mùa hè năm ngoái, ông Grenell đã chỉ trích gay gắt Đức vì không đáp ứng các mục tiêu về ngân sách quốc phòng, đồng thời viết rằng: "Thật không hợp lý khi những người nộp thuế ở Mỹ tiếp tục phải trả chi phí cho hơn 50.000 quân Mỹ tại Đức", trong khi "người Đức dành khoản dư ra của họ để phục vụ cho các chương trình trong nước".
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nhận định với báo giới tuần trước rằng Đức không được thông báo về kế hoạch cắt giảm lính Mỹ tại nước này.
"Thực tế là sự hiện diện của binh lính Mỹ tại Đức đảm bảo an ninh cho toàn bộ NATO, bao gồm cả an ninh của chính nước Mỹ", bà Annegret Kramp-Karrenbauer khẳng định./.