Mỹ thừa nhận “thua” Nga và Trung Quốc trong cuộc đua vũ khí siêu thanh
VOV.VN - Trung Quốc và Nga đang dẫn đầu cuộc cạnh tranh khốc liệt về phát triển vũ khí siêu thanh và Mỹ dường như đang bất lực trước các đối thủ này.
Đây là khẳng định của Tướng Không quân John Hyten, Chỉ huy Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ trong buổi điều trần tại Ủy ban Vũ trang Thượng viện hôm 20/3.
Tướng Không quân John Hyten, Chỉ huy Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ tại phiên điều trần. Ảnh: Businessinsider. |
Vũ khí siêu thanh sẽ trở thành vũ khí chủ lực trên chiến trường
Khi được yêu cầu giải thích cụ thể về vũ khí siêu thanh, ông John Hyten cho biết: “Vũ khí siêu thanh là một hệ thống bắt nguồn từ hệ thống đạn đạo, vì vậy nó giống như tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động nó sẽ nhanh chóng giảm quỹ đạo và bay giống tên lửa hành trình hoặc máy bay. Nó hoạt động ở quỹ đạo thấp của không gian và có thể thay đổi độ cao bất kỳ”.
Theo các chuyên gia quân sự, vũ khí siêu thanh có thể bay nhanh gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, được thiết kế để đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có. Vũ khí này có thể tùy chỉnh hướng bay và không theo quỹ đạo nhất định như tên lửa thông thường, khiến chúng trở nên khó theo dõi và đánh chặn. Chẳng hạn, đầu đạn siêu thanh và tên lửa hành trình siêu thanh có thể di chuyển với tốc độ Mach 5 (6.000km/h) hoặc 547km mỗi 6 phút, rất cơ động và tránh được hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tấn công trúng mục tiêu chỉ vài phút sau khi phát hiện mục tiêu.
Tập đoàn nghiên cứu RAND (Mỹ) dự đoán, loại vũ khí này sẽ được triển khai trên chiến trường trong 10 năm tới. Vào thời điểm đó, biện pháp đối phó với các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa hạt nhân sẽ không dừng lại ở việc đánh chặn mà xa hơn dẫn tới sự phá hủy toàn bộ hệ thống tên lửa.
Trong khi loại vũ khí này còn có vẻ xa xôi, thì các cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới đang nỗ lực không biết mệt mỏi để hoàn thiện công nghệ.
“Cả Trung Quốc và Nga đang tích cực phát triển năng lực siêu thanh. Chúng ta đã chứng kiến họ thử nghiệm những năng lực này”, ông John Hyten nói. Trung Quốc đã thử nghiệm đầu đạn siêu thanh vào tháng 11/2017, trong khi Nga cũng đã hoàn tất việc thử nghiệm loại tên lửa siêu thanh liên lục địa Avangard mà Tổng thống Nga Putin khẳng định là loại tên lửa siêu thanh “bất khả chiến bại” vào ngày 1/3 vừa qua. Theo kế hoạch, tổ hợp hệ thống Avangard đã sẵn sàng đưa vào sử dụng cuối năm 2018, chậm nhất là năm 2019.
Mỹ làm gì để đối phó với vũ khí siêu thanh?
Theo Tướng John Hyten, Mỹ không có bất cứ biện pháp phòng thủ nào để ngăn chặn việc phát triển các loại vũ khí siêu thanh chống lại nước Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải áp dụng hình thức tấn công hạt nhân để chống lại các loại vũ khí siêu thanh này”.
Ông John Hyten giải thích rõ hơn “Chúng tôi sẽ phản ứng bằng các lực lượng phòng vệ, trong đó gồm bộ 3 răn đe hạt nhân (tức khả năng triển khai vũ khí hạt nhân bằng máy bay, tên lửa, tàu ngầm) mà Mỹ có, để đối phó với các mối đe dọa như vậy”.
Mỹ là trung gian hòa giải hay “ông lớn” bán vũ khí tại Trung Đông?
Trong khi đề xuất ngân sách mới nhất trị giá 686 triệu USD của Bộ Quốc phòng Mỹ, Tướng Hyten đã nhấn mạnh kế hoạch đối phó với các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc. Ông cho biết, Mỹ cần phải có thêm một loại vũ khí hạt nhân khác trong kho vũ khí của mình.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ nhu cầu có một loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ”, ông Hyten nói, ám chỉ yêu cầu của Bộ Quốc phòng phát triển loại đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ cho các tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm. Vị quan chức này khẳng định “Đây sẽ là một vũ khí đánh chặn nhằm đáp trả các mối đe dọa từ nước Nga. Hồi tháng 4/2000, Tổng thống Valdimir Putin từng tuyên bố rằng, học thuyết của nước Nga sẽ là sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ trên chiến trường”.
Theo ông Hyten, hiện tại Mỹ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến việc phát triển vũ khí siêu thanh, chủ yếu do thiếu nhân lực và sự xuống cấp của trang thiết bị quân sự. Trên thực tế, Mỹ đã nhiều lần thử nghiệm máy bay siêu thanh không người lái X-51A song vẫn không đạt được mục tiêu đề ra./.