Mỹ tính triển khai bom hạt nhân tại Anh giữa lúc căng thẳng với Nga leo thang
VOV.VN - Trong bản yêu cầu ngân sách quốc phòng năm 2023, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã thêm Anh vào danh sách các quốc gia lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Động thái này diễn ra hơn 1 thập kỷ sau khi Mỹ rút những quả bom hạt nhân cuối cùng ra khỏi Anh.
Tăng cường khả năng răn đe hạt nhân
Kế hoạch nêu trên nếu được thực hiện sẽ cung cấp cho các máy bay chiến đấu F-35A và F-15E Strike Eagle của Không quân Mỹ đang hoạt động ở Anh khả năng tiếp cận với bom hạt nhân B61, trong đó có phiên bản mới nhất B61-12 với sức công phá mạnh và độ chính xác cao. Việc cung cấp cho các máy bay chiến đấu của không quân Mỹ khả năng hạt nhân có thể coi là động thái tăng cường yếu tố răn đe ở châu Âu, đặc biệt là trước những vũ khí mạnh mẽ của Nga như tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729.
Theo bản yêu cầu ngân sách của chính quyền Biden, Anh được đưa thêm vào danh sách những quốc gia đang tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng tại các địa điểm lưu trữ “vũ khí đặc biệt”, cùng với Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước Mỹ đang lưu trữ khoảng 100 quả bom hạt nhân B61.
Lầu Năm Góc xác nhận, công việc nâng cấp sẽ được tiến hành với tổng chi phí 384 triệu USD trong thời gian 13 năm, trong đó chú trọng đầu tư vào “các biện pháp an ninh, hệ thống thông tin liên lạc và cơ sở vật chất”.
Giám đốc dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) Hans Kristensen cho rằng hoạt động nâng cấp có thể diễn ra ở các hầm chứa của căn cứ không quân tại Lakenheath, cách London 100km về phía Đông Bắc - nơi đồn trú của Không đoàn tiêm kích số 48 thuộc Không quân Mỹ.
Không đoàn tiêm kích số 48, theo truyền thống, là đơn vị vận hành tiêm kích F-15, nhưng thời gian gần đây, đơn vị này đang trong quá trình thay thế những chiếc F-15C bằng F-35A. Kế hoạch cuối cùng là tạo ra hai phi đội F-35A tại Lakenheath để hoạt động cùng 2 phi đội khác đã được trang bị F-15E Strike Eagle. Cả F-35A và F-15E đều có khả năng mang bom hạt nhân B61-12 mới.
Bom B61-12 được cho là phù hợp hơn với môi trường an ninh hiện tại ở châu Âu hơn so với các phiên bản đời đầu của B61 vốn được cung cấp cho lực lượng không quân tại Lakenheath cho đến năm 2008.
B61-12 là một trong loại bom hạt nhân nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của Mỹ. Khi kết hợp với F-35A, sức mạnh của nó lại càng gia tăng. B61-12 nặng 350kg, mang đầu đạn hạt nhân 50 kiloton, được trang bị hệ thống dẫn đường chính xác bằng GPS và tia laser ở mũi. Nhờ hệ thống dẫn đường này, B61-12 có thể được thả cách xa mục tiêu, giúp tăng khả năng sống sót của máy bay phóng.
Nếu máy bay phóng là máy bay có tầm quan sát rộng như F-35A thì sự kết hợp này có thể được sử dụng để tấn công những mục tiêu được bảo vệ kiên cố tốt hơn so với việc sử dụng máy bay chiến đấu không có khả năng tàng hình và phiên bản cũ của bom B61.
Nếu như vũ khí hạt nhân của Mỹ tại Bỉ, Đức, Italy và Hà Lan sẽ được cung cấp cho lực lượng không quân của những nước sở tại trong thời gian xảy ra xung đột, thì bom hạt nhân B61-12 nếu được đặt ở Lakenheath sẽ được sử dụng cho Không đoàn tiêm kích số 48.
Hiện, căn cứ duy nhất tại châu Âu có cả máy bay chiến đấu của Mỹ và bom hạt nhân là Căn cứ Không quân Aviano ở Italy. Đây là nơi đồn trú của máy bay chiến đấu F-16C/D của Không quân Mỹ.
Mỹ cũng có bom hạt nhân B61 tại Căn cứ Không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các máy bay có khả năng sử dụng chúng lại không thường trực ở đó. Những căn cứ khác tại Bỉ, Đức, Italy và Hà Lan đều phụ thuộc vào phi đội của nước sở tại để sử dụng bom B16 trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân.
“Đổ thêm dầu vào lửa” trong căng thẳng với Nga
Theo giới phân tích, việc đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật trở lại Anh nhiều khả năng sẽ khiến Điện Kremlin tức giận, dù Mỹ coi đây là yếu tố tăng cường khả năng răn đe tại châu Âu trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang xấu đi nghiêm trọng.
Bất kể lý do là gì, vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân tại châu Âu đã vấp phải sự chỉ trích nghiêm trọng từ phương Đông và phương Tây trong những năm gần đây. Nhiều người lo ngại, nó có thể tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang mới trên lục địa già kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019.
Chính quyền Tổng thống Biden từ trước đến nay vẫn giữ quan điểm thận trọng liên quan đến vấn đề hạt nhân và không muốn gây leo thang căng thẳng. Trong bối cảnh xung đột Ukraine tiếp diễn, Mỹ đã hủy bỏ các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa được lên kế hoạch từ trước.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu bản đánh giá tư thế hạt nhân sắp tới có cho phép ông Biden giữ vững cam kết đưa ra trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 hay không. Nhiều quan chức Mỹ cho biết, ông Biden đã từ bỏ cam kết chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân chống lại Mỹ và đồng minh, thay vào đó, xem xét sử dụng chúng ngay cả khi có mối đe dọa phi hạt nhân.
Chuyên gia Hans Kristensen cho rằng, các hầm chứa hạt nhân tại căn cứ ở Lakenheath sau khi được cải tạo có thể chưa được sử dụng để chứa bom hạt nhân. Nhưng nó sẽ cung cấp cho Washington sự linh hoạt cần thiết trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Một khả năng khác là Mỹ sẽ chuyển giao bom B61-12 cho căn cứ Lakenheath nhưng những quả bom này sẽ không thực sự được cất giữ ở đó mà là ở một nơi nào đó tại châu Âu. Việc khiến Nga phải phỏng đoán về nơi đặt những quả bom này có thể là chiến lược hấp dẫn.
Hiện tại, các quan chức ở Mỹ và Anh vẫn chưa tiết lộ thêm bất cứ thông tin gì. Nhưng nếu những quả bom hạt nhân B61-12 được đưa đến lãnh thổ Anh theo đúng kế hoạch thì điều đó sẽ khiến mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây ngày càng trở nên sâu sắc và phức tạp hơn./.