Mỹ vẫn dè chừng dù đạt được thỏa thuận về Syria với Nga
VOV.VN- Thỏa thuận mà Nga và Mỹ đạt được “không giúp xua tan mối lo ngại của Mỹ về hoạt động quân sự của Nga tại Syria”.
Mỹ và Nga ngày 20/10 đã đạt được một thỏa thuận quan trọng liên quan đến hoạt động của máy bay 2 nước trên không phận Syria.
AP dẫn lời một quan chức quốc phòng Nga tuyên bố “biên bản ghi nhớ” này có thể là tiền đề để Nga-Mỹ hợp tác chống khủng bố.
Một chiếc Su-24M của Nga cất cánh không kích IS tại Syria. Ảnh Sputnik |
Sự “dè dặt” đáng ngạc nhiên của Mỹ
Tuy nhiên các quan chức Mỹ khẳng định đây chỉ là một thỏa thuận hẹp và vẫn không giúp “xua tan” nỗi lo ngại của Mỹ về các chiến dịch không kích của Nga.
Người phát Ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook khẳng định, thỏa thuận này không kèm theo kế hoạch tiến hành các cuộc không kích song song giữa Nga và Mỹ hay việc chia sẻ thông tin tình báo giữa 2 bên.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc đã nhắc lại nhiều vụ máy bay Nga áp sát các máy bay Mỹ trên bầu trời Syria trong vài tuần qua.
Không những thế, giới chức Mỹ còn công khai cáo buộc, thay vì không kích IS, Nga chỉ “chăm chăm” tiêu diệt phe đối lập. Ngoài ra, Nga cũng bị tố là điều bộ binh và hệ thống phóng rocket đa nòng, đến yểm trợ cho quân Chính phủ Syria.
Thỏa thuận mà Nga và Mỹ đạt được ngày 20/10 “không giúp xua tan mối lo ngại của Mỹ về hoạt động quân sự của Nga tại Syria”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố.
Những điểm đáng lưu ý của thỏa thuận Nga- Mỹ về Syria
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Cook cho biết, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, Tướng Lloyd Austin là người thay mặt phía Mỹ đặt bút ký vào thỏa thuận này.
Ông Cook cũng mô tả sơ lược về thỏa thuận nói trên dù tuyên bố, Mỹ chấp thuận yêu cầu của Nga giữ kín việc này.
Theo ông Cook, sau một số vòng đàm phán kéo dài trong hơn một tuần qua, hai bên đã thống nhất một số quy định về việc bảo đảm an toàn bay, bao gồm việc “duy trì tính chuyên nghiệp của các phi công” và việc sử dụng tần số liên lạc thống nhất đối với phi công hai bên.
Một máy bay Mỹ tham gia không kích IS tại Syria. Ảnh AP |
Nga và Mỹ cũng thống nhất duy trì “một khoảng cách an toàn giữa các may bay, tuy nhiên, ông Cook không tiết lộ khoảng cách này là bao nhiêu và có được viết trong biên bản ghi nhớ hay không.
Cũng theo ông Cook, cả hai bên đều đồng ý thiết lập “một đường dây liên lạc” dưới mặt đất phục vụ cho việc trao đổi thông tin giữa quân đội 2 nước. Một nhóm công tác Nga- Mỹ sẽ được hình thành để giải quyết mọi vấn đề phát sinh.
Thỏa thuận mới này không đưa ra những quy định về việc “Mỹ phải hợp tác hoặc ủng hộ các chính sách và hoạt động của Nga tại Syria”.
Ông Cook nhấn mạnh: “Trên thực tế, chúng tôi tin rằng, chiến thuật của Nga tại Syria là phản tác dụng và sự hỗ trợ của Nga đối với ông Assad sẽ chỉ khiến tình hình Syria trở nên tồi tệ hơn”.
Nga tin tưởng vào khả năng hợp tác Nga- Mỹ trong vấn đề Syria
Trong khi đó, tại Moscow, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov tuyên bố, việc ký vào thỏa thuận này là “một bước đi tích cực và có ý nghĩa thực tế”.
“Biên bản ghi nhớ này bao gồm những quy định và giới hạn rất phức tạp nhằm tránh khả năng máy bay Nga và Mỹ đối đầu trên không phận Syria”, ông Antonov nói.
Cũng theo ông Antonov, Nga và Mỹ sẽ thiết lập một kênh liên lạc 24/7 và sẽ sớm “thiết lập một cơ chế cùng phản ứng để hỗ trợ lẫn nhau khi xảy ra khủng hoảng”.
“Mỹ đã cam kết các điều khoản này sẽ được tất cả các nước tham gia cuộc chiến chống IS do Mỹ khởi xướng tuân thủ”, ông Antonov nói và nhắc đến các đồng minh của Mỹ như Australia, Bahrain, Canada, Pháp, Jordan, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE.
Sau Syria, Mỹ lại lo ngại khả năng Iraq mời Nga tham gia không kích IS
Bất chấp việc tuyên bố đã nhận được cam kết từ Iraq rằng sẽ không mời Nga tham gia không kích IS, Mỹ vẫn chưa hết bất an.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford ngày 20/10 khẳng định, Iraq đã cam kết sẽ không yêu cầu Nga không kích hay hỗ trợ cho quân đội nước này trong cuộc chiến chống IS.
Một vị trí của IS bị Nga không kích. Ảnh Bộ Quốc phòng Nga |
Phát biểu không lâu sau khi rời Baghdad cùng ngày, ông Dunford cho biết, ông đã nêu rõ quan điểm của mình trong cuộc gặp với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi và Bộ trưởng Quốc phòng Khaled al-Obeidi.
“Tôi nói rằng, sẽ rất khó để Mỹ có thể hỗ trợ cho Iraq nếu Nga cũng tiến hành các chiến dịch của mình tại nước này”, ông Dunford tuyên bố.
Ông Dunford khẳng định, Mỹ đã “rất lo sợ” khi có những thông tin về việc ông al- Abadi tuyên bố sẽ hoan nghênh việc Nga không kích IS tại Iraq. Theo ông Dunford, Mỹ “không muốn dính líu gì tới Nga trong tình hình Iraq hiện nay”./.