Những rào cản trong đối thoại ổn định chiến lược hạt nhân Nga - Mỹ
VOV.VN - Phiên họp đầu tiên đối thoại ổn định chiến lược hạt nhân Nga - Mỹ đã diễn ra. Tuy nhiên, con đường phía trước để tìm ra tiếng nói chung giữa hai cường quốc này vẫn còn nhiều chông gai.
Đối thoại ổn định chiến lược Mỹ-Nga
Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Geneva hôm 16/6, Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin đã nhất trí sẽ duy trì đối thoại về kiểm soát vũ khí và giảm nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai nước trong tương lai. Ngày 28/7, tại Trụ sở Phái bộ Ngoại giao Mỹ tại Geneva (Thụy Sĩ), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và người đồng cấp Nga Sergei Ryabkov dẫn đầu phái đoàn hai nước đã bắt đầu đàm phán về ổn định chiến lược hạt nhân theo tinh thần mà lãnh đạo hai nước nhất trí.
Washington và Moscow đang có mâu thuẫn về các vấn đề, từ các cuộc tấn công mạng vào các cơ quan chính phủ Mỹ, đến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga, sự can thiệp của Nga vào Ukraine... Dù vậy, chính quyền Biden vẫn nhấn mạnh, Mỹ muốn tìm cách hợp tác với Moscow trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, bao gồm cả biến đổi khí hậu.
Các cuộc đàm phán chiến lược này diễn ra khi Nga đang tăng cường mạnh quân sự ở Bắc Cực và thử nghiệm các vũ khí mới nhất, bao gồm cả ngư lôi tàng hình không người lái chạy bằng lò phản ứng hạt nhân.
Theo một tuyên bố hôm 28/7, các quan chức Mỹ và Nga cho biết đã có "các cuộc đàm phán chuyên nghiệp và thực chất". Hai phái đoàn đồng ý gặp lại vào cuối tháng 9 và tạm thời tổ chức các cuộc tham vấn không chính thức để xác định các chủ đề cho các nhóm công tác chuyên gia sắp tới. Nguồn tin thân cận với các kế hoạch cho biết, cuộc chạy đua không gian và khả năng tấn công mạng dự kiến sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc sẽ tới Brussels, để gặp gỡ các đồng minh tại trụ sở NATO.
Theo truyền thông Nga, các cuộc đối thoại về kiểm soát vũ khí là cơ hội để hai bên chứng minh họ có thể hợp tác, thu hẹp bất đồng trong các vấn đề lớn, từ đó mở rộng phạm vi đối thoại. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov cho biết, cuộc thảo luận toàn diện đã được tổ chức về cách tiếp cận của các bên nhằm duy trì ổn định chiến lược, triển vọng kiểm soát vũ khí và các biện pháp giảm thiểu rủi ro; Mỹ "đã thông qua 100% chương trình nghị sự của mình" và không có bất ngờ nào đối với phái đoàn Nga.
Trong một động thái liên quan, Nga sẵn sàng thảo luận với Mỹ về các loại vũ khí mới như ngư lôi hạt nhân Poseidon và hệ thống tên lửa siêu thanh Dagger. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, việc mở rộng khuôn khổ các cuộc hội đàm về kiểm soát vũ khí để bao gồm nhiều cường quốc hạt nhân hơn là điều không thể tránh khỏi.
Những rào cản vô hình và hữu hình
Các vấn đề về vũ khí hạt nhân - ai sở hữu, ai có thể phát triển và cách tính chúng, là một chủ đề chính trị khá nhạy cảm. Sức mạnh, cả về chính trị, kinh tế, và vật liệu hạt nhân có thể được vũ khí hóa thu hút sự chú ý đặc biệt. Trong lĩnh vực này, có một số hiệp ước song phương và đa phương, nhưng quan trọng nhất là Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1970. Theo đó, 5 quốc gia được coi là "sỡ hữu vũ khí hạt nhân" gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp, đã công khai số lượng vũ khí của mình.
Sau NPT năm 1970, 4 quốc gia khác đã tham gia vào hiệp ước này gồm Israel, Pakistan, Ấn Độ và Triều Tiên. Dù vậy, chương trình vũ khí hạt nhân được xem là bí mật nhà nước và được bảo mật rất chặt chẽ. Tính xác thực của các con số được nêu không đáng tin và chủ yếu là kết quả của những phỏng đoán dựa trên thông tin lịch sử, kết hợp với những suy luận về số lượng vật liệu hạt nhân các nước sở hữu và khả năng công nghệ vũ khí hóa vật liệu hạt nhân.
Ban đầu, các quốc gia tham gia NPT nhất trí không phát triển, cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Điều đó có nghĩa là thử nghiệm hạt nhân sẽ không diễn ra trên lãnh thổ của họ, mà được thực hiện trên vùng lãnh thổ quốc tế, hoặc các khu vực không có người quản lý.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa công bố số liệu mới cho thấy số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới đã giảm nhẹ từ 13.865 vào đầu năm 2019 xuống 13.400 vào tháng 1/2020. Trong đó, Nga sở hữu 6.375 đầu đạn hạt nhân với 1.570 đầu đạn được triển khai hoạt động, giảm 125 đầu đạn so với đầu năm 2019. Mỹ có ít hơn 385 đầu đạn so với năm 2019 và hiện có tổng số khoảng 5.800 đầu đạn hạn nhân, với 1.750 được triển khai. Trung Quốc có 320 đầu đạn. Tiếp đến là Pháp và Anh với lần lượt 290 và 215 đầu đạn hạt nhân.
Ngày 26/7, một báo cáo của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (AFS) cho biết, Trung Quốc - quốc gia mà Mỹ từng muốn tham gia đàm phán về vũ khí hạt nhân trước khi gia hạn START mới - đang xây dựng một bãi chứa tên lửa hạt nhân gần Hami ở Đông Tân Cương, với các tấm chắn mái vòm được dựng lên trên 14 silo, toàn bộ khu phức hợp có thể gồm tổng cộng 110 silo.
Số liệu do AFS công bố, được cập nhật gần đây nhất vào tháng 5/2021 cho thấy Nga vẫn sở hữu số lượng đầu đạn hạt nhân lớn nhất hành tinh là 6.257, trong khi kho dự trữ của Mỹ là 5.550. Kho hạt nhân ước tính của Trung Quốc là 350 và con số này chắc chắn sẽ tăng đáng kể sau khi các dự án xây dựng tại Hami và Yumen hoàn thành./.