Phi công F-16 Ukraine bắn hạ 6 tên lửa Nga trong một lần xuất kích?
VOV.VN - Lần đầu tiên trong lịch sử của dòng máy bay Fighting Falcon, chiếc F-16 do phi công Ukraine điều khiển đã bắn hạ 6 tên lửa hành trình của Nga trong một nhiệm vụ chiến đấu. Đáng chú ý 2 tên lửa trong số đó bị bắn hạ bằng súng máy gắn trên máy bay.
Người phát ngôn Không quân Ukraine Yurii Ihnat cho biết, kỷ lục trên được thiết lập khi Ukraine đối phó với cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) quy mô lớn của Nga giữa tháng 12/2024.
Ngày 13/12, Nga tiến hành cuộc tập kích quy mô lớn vào Ukraine với gần 200 UAV, tên lửa đạn đạo Kinzhal, 94 tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, máy bay và tàu chiến.
Tên lửa hành trình là mục tiêu chính của máy bay chiến đấu Ukraine. Việc đánh chặn những mục tiêu như vậy không phải là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng ông Ihnat cho hay, phi công Ukraine đã có kinh nghiệm trong các hoạt động chiến đấu chống lại tên lửa hành trình.
Kỷ lục chưa từng có
Dưới cánh của máy bay F-16 có 4 tên lửa không-đối-không, gồm tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Tên lửa tầm trung được sử dụng trước, sau đó phi công phải tiếp cận mục tiêu trong phạm vi khoảng 3,2 km để sử dụng tên lửa tầm ngắn.
“Hoa tiêu đã hướng tôi đến mục tiêu là một nhóm 8 tên lửa hành trình đang bay tới. Tôi tiếp cận ở khoảng cách thích hợp và thấy chướng ngại vật. Điều đó nghĩa là các tên lửa có hệ thống tác chiến điện tử riêng để gây nhiễu. Khả năng quan sát của F-16 khá mạnh và nếu mục tiêu đã nằm trong phạm vi, thì ngay cả trong điều kiện chịu ảnh hưởng của hệ thống tác chiến điện tử đối phương, mục tiêu vẫn sẽ không thoát khỏi màn hình radar của F-16. Tôi bay đến gần hơn, khóa mục tiêu và khai hoả từ máy bay, bắn trúng 2 tên lửa”, phi công Ukraine thực hiện nhiệm vụ đánh chặn tên lửa Nga hôm 13/12 kể lại.
“Tôi tiếp cận 2 tên lửa khác để khóa mục tiêu và nhận thấy chúng cũng có hệ thống tác chién điện tử, nhưng điều đó không gây cản trở gì nhiều. Phát bắn đầu tiên trúng mục tiêu, và sau đó là phát bắn thứ hai. Tôi đã tận mắt nhìn thấy tên lửa đối phương bị bắn trúng. Hoa tiêu đã yêu cầu tôi di chuyển đến khu vực trực chiến để cho các đồng đội trên Su-27 tiếp tục việc đánh chặn mục tiêu”, viên phi công cho hay.
Phi công tuân thủ mệnh lệnh, nhưng tên lửa hành trình Nga bất ngờ xuất hiện, hướng về phía thủ đô Kiev. Vì đã bắn hết bốn 4 lửa mang theo, phi công quyết định mạo hiểm và sử dụng một khẩu súng của máy bay có tốc độ cực cao.
“Tôi biết rằng cơ hội để bắn trúng một tên lửa bay ở độ cao 650 km trở lên là rất thấp. Đầu tiên, tôi phải tìm nó trên bầu trời, đạt đến cùng độ cao và bắn trúng nó từ khoảng cách không quá 1,5 km. Bay gần hơn sẽ cực kỳ nguy hiểm, vì nếu đầu đạn nặng 450 kg phát nổ, nguy cơ máy bay lao vào các mảnh vỡ tên lửa là rất cao”, phi công Ukraine cho biết.
Tại Mỹ, các phi công chỉ được học cách bắn hạ mục tiêu trên không bằng súng máy trên máy bay mô phỏng. Trong nhiệm vụ thực tế, phi công Ukrainr lái F-16 chưa từng sử dụng súng máy để đối phó với tên lửa.
“Lúc đầu, tôi tìm kiếm một mục tiêu bên dưới, nhưng không thấy gì cả. Sau đó, tôi tăng độ cao, nâng radar và nhìn thấy tên lửa đối phương. Tôi đã làm mọi thứ mà các huấn luyện viên ở Mỹ dạy tôi, như những gì tôi đã thực hành trên máy bay mô phỏng. Tôi bắn vài viên đạn từ khẩu súng máy và một tiếng nổ. Rồi một phát nữa và lại có tiếng nổ thứ hai. Có 2 tên lửa bay theo một đường thẳng. Lực lượng Nga thường phóng tên lửa theo chiến thuật như vậy, để một nhóm tên lửa có thể bay gần nhau tới mức chúng tôi chỉ nhìn thấy đó là một mục tiêu”, phi công Ukraine kể lại tình huống bắn hạ tên lửa Nga bằng súng máy.
Người phát ngôn Không quân Ukraine Ihnat cho biết, những máy bay F-16 mà Kiev nhận được từ các đồng minh và đối tác không phải là những biến thể mới, chúng không có radar hiện đại và tên lửa tầm xa để cạnh tranh trong các trận không chiến với máy bat Nga. Tuy nhiên, các phi công trẻ của Ukraine đã chứng minh rằng họ là những người xuất sắc, cho dù là trong buồng lái máy bay Liên Xô hay máy bay Mỹ.
“Hãy tưởng tượng xem các phi công Ukraine dày dạn kinh nghiệm chiến đấu sẽ có sức mạnh đáng gờm như thế nào khi Không quân Ukraine nhận được các máy bay chiến đấu tối tân, chẳng hạn như F-35”, ông Ihnat nói.
Vì sao F-16 Ukraine chỉ mang 4 tên lửa không đối không?
Theo lời kể của phi công Ukraine, chiếc F-16 chỉ bắn hạ được 4 tên lửa hành trình của Nga bằng tên lửa không đối không và phải sử dụng súng máy để bắn hạ thêm 2 mục tiêu nữa.
F-16 có khả năng mang tối đa 9 vũ khí ở các giá treo bên ngoài và nhiều người đặt câu hỏi vì sao trong trường hợp của Ukraine, chiếc máy bay này chỉ mang theo 4 tên lửa không đối không?
9 điểm treo vũ khí trên F-16 gồm: 1 dưới thân máy bay, 6 dưới cánh và 2 ở đầu cánh. Tuy nhiên, không phải tất cả các vị trí này đều được thiết kế để mang tên lửa không đối không mà chỉ có 6 điểm có thể mang tên lửa loại này: 4 dưới cánh và 2 ở đầu cánh. Các vị trí còn lại được dành cho đạn dược không đối đất, các hộp thiết bị bổ sung hoặc thùng nhiên liệu ngoài.
Việc sử dụng nhiên liệu rất quan trọng đối với F-16. Để đảm bảo phạm vi hoạt động, F-16 cần các thùng nhiên liệu phụ, vì lượng tiêu thụ nhiên liệu trong các cuộc tuần tra chiến đấu có thể lên tới 2.800-3.000 lít/h, thậm chí tới 9.000 lít/h hoặc hơn trong các nhiệm vụ di chuyển cường độ cao.
Mức tiêu hao nhiên liệu cao như vậy là do ảnh hưởng bởi các yếu tố như độ cao, tốc độ và tính chất nhiệm vụ. Các hoạt động ở độ cao thấp tốn nhiều nhiên liệu hơn do sức cản không khí tăng lên.
Sức chứa của thùng nhiên liệu bên trong F-16 là khoảng 4.000 lít, do đó nó thường xuyên phải dùng đến thùng nhiên liệu ngoài, thường là các thùng 1.400 lít và 2.271 lít dưới cánh, và thùng 1.135 lít dưới thân. Với cấu hình này, F-16 sẽ bị bớt đi 2 điểm treo vũ khí có thể mang tên lửa không đối không cho các thùng nhiên liệu.
Trong các tình huống cần tuần tra dài hoặc cần khả năng cơ động cao, sự cân bằng giữa nhiên liệu và vũ khí trở nên rất quan trọng. Do đó, việc F-16 của Ukraine chỉ mang theo 4 tên lửa là hoàn toàn dễ hiểu.
Nhu cầu bay ở độ cao thấp để đánh chặn tên lửa hành trình – yếu tố làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu do sức cản không khí, cũng giải thích cho việc giảm bớt vũ khí để đảm bảo hiệu suất tổng thể.
Đáng chú ý, một số chiếc F-16 của Ukraine được trang hộp ECIPS/CJS để tác chiến điện tử và phòng thủ tên lửa, điều này có thể làm giảm thêm số điểm treo tên lửa không đối không.
Một số hình ảnh về F-16 của không quân Đan Mạch – quốc gia đã viện trợ tiêm kích này cho Ukraine, cho thấy chúng cũng được lắp ECIPS/CJS thay vì tên lửa không đối không.