Số phận Hiệp ước INF và hệ lụy

VOV.VN -Việc Mỹ rút khỏi INF sẽ khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới và đặt an ninh thế giới mà đặc biệt là châu Âu trước một tương lai bất định.

Rút khỏi INF - nước cờ đầy rủi ro của Mỹ…

Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (Intermediate-range Nuclear Forces - INF) được Tổng thống Mỹ Reagan và Nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev ký ngày 08/12/1987, chính thức có hiệu lực từ 01/6/1988.

Tổng thống Mỹ Reagan bắt tay Nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev ngay sau khi ký Hiệp ước INF năm 1987 (Ảnh: AP)

Theo INF, cả Liên Xô (nay là Nga) và Mỹ cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung (1.000 - 5.500 km) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tầm ngắn (500 - 1.000 km) trên mặt đất (không bao gồm các loại tên lửa đạn đạo, hành trình phóng từ biển). INF góp phần xóa đi nghi ngại của Liên Xô và Mỹ về khả năng bị tấn công hạt nhân phủ đầu do các vũ khí đặc biệt nguy hiểm này chỉ mất vài phút để tiếp cận mục tiêu, khiến có rất ít thời gian để cân nhắc phản ứng và làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân trong trường hợp cảnh báo tấn công sai.

Thực hiện INF, Mỹ và Liên Xô đã lập ra một danh sách tên lửa theo tầm bắn và đến giữa năm 1991, Moscow đã phá hủy 1.846, Washington phá hủy 846 hệ thống tên lửa. Hơn 30 năm tồn tại, INF đã góp phần vào sự ổn định ở châu Âu, nhưng Mỹ, Nga vẫn không ngừng cáo buộc lẫn nhau vi phạm hiệp ước. Theo Mỹ, loại tên lửa Novator 9M729 mới của Nga mà NATO gọi là SSC - 8, có khả năng tấn công châu Âu trong thời gian cực nhanh, bị cấm bởi INF. Nga thì tố Mỹ vi phạm INF bằng việc lấy cớ triển khai hệ thống phòng không ở châu Âu, nhưng thực chất hệ thống này lại có khả năng phóng các tên lửa hành trình tấn công Tomahawk.

Tên lửa 9M729 theo cáo buộc của Mỹ là vi phạm INF (Ảnh: Telegraph),

Ngày 20/10/2018, Tổng thống Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi INF. Phía Mỹ đưa ra thời hạn 60 ngày để Nga trở lại tuân thủ hiệp ước, phá hủy toàn bộ tên lửa 9M729. Nga tuyên bố không tiêu hủy Novator 9M729, đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF về tầm bắn như cáo buộc của Washington. Ngày 23/01/2019, Nga đã giới thiệu cho các tùy viên quân sự nước ngoài và các nhà báo hệ thống tên lửa hành trình mà Mỹ nói đã vi phạm INF - một trong những nỗ lực của Moscow nhằm bác bỏ cáo buộc và ngăn chặn Washington từ bỏ hiệp ước này. Đây không phải là lần đầu hai cường quốc hạt nhân Nga, Mỹ tranh cãi và đổ lỗi cho nhau vi phạm các thỏa thuận liên quan. Mỗi lần như vậy, Washington đều chủ động đi trước, như việc rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) vào năm 2001.

Nga và Mỹ đã không đạt tiến triển trong cuộc đàm phán mới nhất liên quan INF bên lề cuộc họp của nhóm 5 cường quốc hạt nhân tại Bắc Kinh. Mỹ đã tuyên bố ngừng thực hiện các nghĩa vụ của INF từ ngày 02/02, đồng thời chính thức kích hoạt quá trình 6 tháng rút khỏi thỏa thuận này. Tổng thống Trump cũng thông báo, Washington đang tìm kiếm các động thái quân sự cụ thể nhằm vào kho tên lửa của Nga ngay sau khi Mỹ rút khỏi INF. Moscow coi kế hoạch rút khỏi INF là một phần trong chiến lược quốc gia của Washington nhằm rũ bỏ các cam kết pháp lý quốc tế để theo đuổi tham vọng riêng. Trên thực tế, Mỹ đã rút khỏi các hiệp ước quốc tế trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa đến an ninh, quân sự…, gây ra phản ứng trái chiều trong cộng đồng quốc tế.

Nga coi quyết định của Mỹ là động thái mang tính chất "hăm dọa" nhằm ép buộc Moscow nhượng bộ, là bước đi nguy hiểm và vô trách nhiệm, đi ngược lại nỗ lực của cộng đồng quốc tế vì một thế giới hòa bình và ổn định. Nga vẫn luôn đồng ý đối thoại về INF, song sẽ có hành động đáp trả nếu Mỹ vẫn quyết tâm rút khỏi thỏa thuận.

Theo Reuters, ngày 01/02/2019, NATO đã ra tuyên bố "hoàn toàn ủng hộ" thông báo của Mỹ về việc rút khỏi INF sau những động thái của Nga. Tuyên bố của NATO nhấn mạnh: "Mỹ đang hành động để đối phó với những nguy cơ đáng kể đối với an ninh của khu vực châu Âu - Đại Tây Dương đến từ việc Nga bí mật thử nghiệm, sản xuất và lắp đặt hệ thống tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729. Các nước đồng minh hoàn toàn ủng hộ động thái này." Washington có 6 tháng nữa để tìm kiếm giải pháp “cứu” INF thông qua đối thoại. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại rằng, với lập trường cứng rắn hiện này thì đối thoại Nga - Mỹ về INF sẽ không tìm được lối thoát, tương tự như các cuộc đàm phán cấp chuyên gia hay thứ trưởng thời gian qua.

… và những hệ lụy tất yếu

Việc Mỹ rút khỏi INF tuy không phải là bước đi bất ngờ, song những hệ lụy mà nó gây ra chưa thể lường hết được. Quyết định của Mỹ khiến mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới Nga - Mỹ có nguy cơ càng lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng, đồng thời tạo ra một “vùng trống” trong hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược quốc tế, trở thành mối đe dọa đối với an ninh và ổn định toàn cầu.

Zhao Tong - chuyên gia an ninh hạt nhân thuộc Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie - Tsinghua tin rằng, quyết định rút Mỹ khỏi INF của Trump sẽ khiến các nước khác quan tâm hơn đến việc phát triển và triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, cũng như tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tăng giữa các cường quốc. Giới quan sát cho rằng, sau khi rút khỏi INF, Mỹ sẽ được tự do để phát triển các vũ khí tầm trung và tầm ngắn, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang.

Theo Tổ chức chống hạt nhân ICAN, cùng với tuyên bố rút khỏi INF, Mỹ đang đặt hàng triệu người châu Âu và người Mỹ vào nguy hiểm. Bản thân nhiều nước EU dường như cũng không mấy thích thú với động thái của Mỹ bởi lo sợ sẽ trở thành chiến trường đối đầu giữa các cường quốc. Mặc dù INF là thỏa thuận ràng buộc giữa 2 quốc gia, nhưng việc nó sụp đổ sẽ đe dọa tới toàn thế giới. Người duy nhất vui mừng là các nhà sản xuất vũ khí hạt nhân - những người được cho là luôn "háo hức" cho kịch bản về Thế chiến III.

Sau khi Mỹ tuyên bố dừng hiệp ước INF, Nga đã tung một số ảnh bằng chứng cho thấy Mỹ đã chuẩn bị cho việc chế tạo các tên lửa tầm ngắn và tầm trung bị INF cấm từ 2 năm trước khi cáo buộc Nga vi phạm. Hồi tháng 11/2017, Quốc hội Mỹ chấp thuận chi 58 triệu USD cho Lầu Năm Góc để thực hiện “chương trình nghiên cứu và phát triển tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất”. Tổng thống Putin tuyên bố Nga bắt đầu phát triển các vũ khí mới nhằm đáp trả động thái từ Mỹ. Đặc biệt, ông đồng ý với đề xuất của Bộ Quốc phòng, theo đó, đưa tên lửa Kalibr phóng từ tàu lên phóng từ đất liền, đồng thời phát triển một tên lửa siêu thanh tầm trung phóng từ mặt đất. Được cho là ưu việt hơn nhiều so với Tomahawk của Mỹ, sự xuất hiện của các tên lửa hành trình Kalibr của Nga được đánh giá là đã tước bỏ sự độc quyền của Mỹ về “chính sách pháo hạm tên lửa”.

Theo Tổng Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề đối ngoại, một khi Mỹ tuyên bố rút khỏi INF, bất kỳ thỏa thuận mới nào giữa Nga và Mỹ về vũ khí chiến lược sẽ rất khó khăn. Trong bối cảnh chính trị và thực trạng quan hệ Nga - Mỹ hiện nay, việc thống nhất một cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước để tháo gỡ nút thắt lại càng bất khả thi.

Theo Timofeev - Giám đốc Chương trình câu lạc bộ “Valdai”, không có chuyện mọi thứ sẽ thay đổi hoàn toàn sau sau khi Mỹ rút khỏi INF, hậu quả sẽ đến sau ít năm nữa. Trong bối cảnh quốc tế khi các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống xuất hiện này càng nhiều, chắc chắn vấn đề vũ khí chiến lược sẽ không thể được giải quyết nếu thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa Nga và Mỹ. Khoảng trống hợp tác giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới sau khi Mỹ rút khỏi INF chính là rủi ro lớn nhất.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của INF, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa Nga và Mỹ cùng các đồng minh châu Âu chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Cùng Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (còn gọi là START-3), INF giữ vai trò như “dây neo”, kiềm chế cả Mỹ và Nga vượt qua “lằn ranh đỏ” nguy hiểm với an ninh và ổn định toàn cầu. Nếu được thực hiện sau 6 tháng, việc Mỹ rút khỏi INF chắc chắn giáng đòn mạnh vào hệ thống kiểm soát vũ khí toàn cầu, cũng như nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên thế giới. Nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới xuất phát từ quyết định nhiều rủi ro của chính quyền Trump ngày một rõ nét.

Các nghị sỹ cấp cao của đảng Dân chủ đã chỉ trích quyết định trên của chính quyền Trump. Murphy - nghị sỹ bang Connecticut cho rằng, quyết định của Mỹ là “món quà” với Nga vì nó sẽ cho phép Nga phát triển các vũ khí hạt nhân tầm trung mà không còn bị Mỹ chú ý. Nhiều hiệp ước về kiểm soát vũ khí khác cũng có thể lọt vào vùng nguy cơ cao và các nguy cơ đe dọa quân sự sẽ gia tăng nếu Mỹ bố trí hệ thống tên lửa trên lãnh thổ các nước đồng minh.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Smith cho rằng thái độ thù địch của chính quyền Trump trước những nguyên tắc và tập quán về kiểm soát vũ khí là một mối đe dọa trực tiếp đối với sự an toàn của Mỹ cũng như các nước đồng minh. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ngày 01/02 cảnh báo chống lại mọi quyết định có thể khiến nước Mỹ bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm. Theo bà, việc Nga vi phạm hiệp ước là rất đang lo ngại, song từ bỏ một hiệp ước quan trọng nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân lại có thể tạo ra những rủi ro không thể chấp nhận được. Bà đồng thời kêu gọi chính phủ Mỹ làm mọi việc có thể nhằm tránh một kết quả như thế.

Theo một số học giả, khi INF bị xóa bỏ, Nga sẽ gặp rất nhiều bất lợi, vì Mỹ có thể nhanh chóng triển khai tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trên lãnh thổ các quốc gia đồng minh thuộc khối NATO sát biên giới Nga. Khác với tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa tầm trung khi đặt sát biên giới nước Nga sẽ khiến cho mọi hệ thống cảnh báo sớm của Moscow đều trở nên vô tác dụng và lực lượng phòng thủ không thể đưa ra phương án đối phó kịp thời. Với các tên lửa đạn đạo và tên lửa hạt nhân tầm trung, Nga chỉ có thể tấn công vào những căn cứ quân sự của Mỹ đặt trên lãnh thổ các quốc gia đồng minh ở châu Âu, nhưng không thể phóng trực tiếp đến đất Mỹ. Phương án mà Nga đang cân nhắc là đề nghị Cuba cho phép sử dụng lại một căn cứ thời Liên Xô và điều động các đơn vị Iskander - M tới đóng quân, nhưng La Habana chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ chấp thuận.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Engel cùng Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Smith đưa ra đánh giá tiêu cực đối với quyết định rút khỏi INF đối với Mỹ. Theo họ, rút khỏi INF không chỉ cho phép Nga tự do phát triển cũng như triển khai tên lửa tầm trung mang được đầu đạn hạt nhân mà còn đem lại cái cớ để Moscow rũ bỏ trách nhiệm, đổ lỗi Washington khơi mào chạy đua vũ trang khi khiến hiệp ước đổ vỡ.

Tổng thống Nga Putin cho rằng, Mỹ rút khỏi INF có thể khiến toàn bộ hệ thống kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt bị sụp đổ, sẽ trực tiếp đe dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3) - văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, vốn sẽ hết hạn vào năm 2021. Việc cả START mới lẫn INF bị thủ tiêu sẽ đặt thế giới gần như vào tình huống đối đầu chiến lược giữa hai cường quốc hạt nhân như từng xảy ra đầu những năm 1970. Đây là "kịch bản" gây nhiều lo ngại bởi sẽ không có giới hạn pháp lý ràng buộc nào đối với hai siêu cường hạt nhân lớn nhất thế giới này và rủi ro cạnh tranh hạt nhân Mỹ - Nga sẽ tăng lên.

Một nguy cơ khác là sau khi INF bị hủy bỏ là Washington sẽ phát triển phiên bản phóng mặt đất cho các tên lửa Tomahawk - vốn chỉ được trang bị trên chiến đấu cơ và tàu chiến thay vì loại phóng mặt đất do các giới hạn vì INF. Thực tế, Tomahawk dù không có tốc độ âm thanh nhưng có tầm bắn rất linh hoạt lên tới 2.500 km và khả năng tránh đánh chặn, trúng mục tiêu với sai số nhỏ, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Nếu Tomahawk được phát triển phiên bản trên mặt đất, và được đặt ở các căn cứ quân sự của Mỹ tại châu Âu, toàn bộ lãnh thổ Nga sẽ nằm trong tầm bắn của loại tên lửa này. Bộ Năng lượng Mỹ đã bắt đầu chế tạo một loại vũ khí hạt nhân mới có tên gọi là W76-2, hay vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ có thể phóng từ tàu ngầm nhằm đối phó với Nga có tiềm năng dùng trong xung đột hạt nhân tầm chiến thuật. Chuyên gia Kristensen lo ngại đầu đạn mới này có thể khiến cho chiến tranh hạt nhân nhiều khả năng xảy ra hơn.

Việc phá bỏ thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân không chỉ gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu, mà còn buộc Nga phải dùng đến các biện pháp đảm bảo an ninh, khôi phục cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ. Sẽ không điều gì có thể ngăn cản Nga phát triển tên lửa hạt nhân có thể đe dọa châu Âu, Mỹ cũng không do dự theo đuổi các loại vũ khí trong danh mục cấm tại châu Âu.

Theo Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga - tướng Karakaev, Nga đã tính đến những mối đe dọa an ninh khi Mỹ rút khỏi INF. Để đối phó với viễn cảnh này, Moscow đã có kế hoạch biên chế cho Quân đội khoảng 100 mẫu vũ khí mới, trong đó có tên lửa Yars cố định và di động. Đây cũng là sự đáp trả đối với việc Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tại các nước Đông Âu. Putin vừa cảnh báo rằng, nước này dư sức phát triển tên lửa mới để tự vệ và ứng phó với việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF.

Với "cuộc đối đầu" mới giữa Mỹ và Nga xung quanh INF, EU vô hình trung đang bị biến thành "con tin". Tổng thống Pháp Macron từng khẳng định ý định của Mỹ rút khỏi hiệp ước nếu thành hiện thực sẽ làm châu Âu chao đảo, bởi "nạn nhân" chính không phải Nga mà là các nước EU và sự an nguy của "Lục địa già".

Cho tới nay EU và giới chức các nước thành viên đều bày tỏ quan điểm cần phải duy trì hiệp ước, song hầu như không có sáng kiến hiệu quả nào được đưa ra. Ngay cả đề xuất của Ngoại trưởng Đức, theo đó Berlin tổ chức một hội nghị quốc tế về kiểm soát, giải giáp và chống phổ biến vũ khí vào mùa Xuân tới, nhằm tìm kiếm cơ chế phối hợp trong vấn đề này, cũng không được hưởng ứng. Sự lúng túng của EU trong vấn đề này càng thể hiện rằng EU vẫn phải phụ thuộc vào đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương trong việc bảo đảm an ninh. Khi đặt dưới chiếc ô quân sự của Mỹ, EU rõ ràng chưa thể tăng cường tính độc lập chiến lược để có thể là đồng minh bình đẳng với Washington.

Ý tưởng thành lập lực lượng quân sự riêng của EU như đề xuất của Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel, cũng từng bước được triển khai. Tuy nhiên, bản thân EU lại đang mắc kẹt trong sự chia rẽ sâu sắc, đe dọa tới chính tương lai của khối liên minh này, đồng thời cũng phải đương đầu với hàng loạt thách thức, từ chủ nghĩa dân túy cực đoan tới bài toán Brexit khi “cuộc chia tay hẹn trước” với nước Anh đang tới gần.

Ngay trên chính trường Mỹ, nhiều ý kiến chỉ trích Trump rút Mỹ khỏi INF mà không có một chiến lược tổng thể nhằm hạn chế hậu quả, đồng thời cũng không tham vấn với Quốc hội hay các đồng minh thân cận. Đáng chú ý, đồng minh NATO của Mỹ lại có những phản ứng trái ngược nhau trước tuyên bố của Trump. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh khẳng định sự ủng hộ tuyệt đối của London với Washington về việc phản ứng lại sự vi phạm của điện Kremlin, thì Ngoại trưởng Đức lại kêu gọi Mỹ xem xét những hệ lụy của việc hủy bỏ một hiệp ước mà theo ông là "trụ cột của an ninh châu Âu" suốt 30 năm qua. Ngoại trưởng Ba Lan thì cho rằng, việc Mỹ triển khai binh sỹ và tên lửa hạt nhân tới châu Âu sẽ phù hợp với lợi ích của người dân châu lục này.

Một cựu Đại sứ Mỹ tại Nga gọi quyết định của Washington rút khỏi INF là "cú đánh" vào các đồng minh châu Âu - một bằng chứng nữa cho thấy chính quyền Trump đang thực thi chính sách đơn phương, bất chấp sự phản đối của các đồng minh gần gũi nhất, và cũng "không đếm xỉa" tới lợi ích của họ, tương tự như việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Điều này sẽ đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của nước Mỹ về lâu dài, thậm chí Mỹ sẽ còn tiếp tục bị cô lập trên trường quốc tế. Về ngoại giao, quyết định này sẽ khiến chia rẽ trong khối đồng minh NATO ngày càng trầm trọng.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg tuyên bố, NATO đang chuẩn bị các hành động nhằm đối phó việc INF bị chấm dứt, trong đó có cả hành động quân sự. NATO sẽ xem xét cả các biện pháp đối phó quân sự và các sáng kiến kiểm soát vũ khí toàn cầu mới nếu INF bị phá vỡ. Thượng nghị sĩ Mỹ Paul của bang Kentucky cho rằng, chính quyền Trump sẽ phạm sai lầm lớn nếu rút khỏi INF, thay vào đó, Mỹ cần đàm phán với Nga để tháo gỡ những căng thẳng khi hai bên liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đã kêu gọi Nga và Mỹ giải quyết bất đồng về INF để tránh xảy ra thảm họa khi căng thẳng giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân không thể kiểm soát. Rõ ràng, cả Nga và Mỹ đều chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu, và bất kỳ bước đi thiếu cân nhắc nào cũng có thể gây hậu quả khó lường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ rút khỏi INF ký với Nga:  Nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới?
Mỹ rút khỏi INF ký với Nga: Nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới?

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh, việc rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 6 tháng.

Mỹ rút khỏi INF ký với Nga:  Nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới?

Mỹ rút khỏi INF ký với Nga: Nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới?

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh, việc rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 6 tháng.

Đáp trả Mỹ, Tổng thống Putin ra lệnh tạm ngừng thực thi Hiệp ước INF
Đáp trả Mỹ, Tổng thống Putin ra lệnh tạm ngừng thực thi Hiệp ước INF

VOV.VN - Tổng thống Nga Putin cho biết, đối tác Mỹ đã ngừng mọi nghĩa vụ của nước này đối với hiệp ước INF, do đó Nga cũng sẽ làm điều như vậy.

Đáp trả Mỹ, Tổng thống Putin ra lệnh tạm ngừng thực thi Hiệp ước INF

Đáp trả Mỹ, Tổng thống Putin ra lệnh tạm ngừng thực thi Hiệp ước INF

VOV.VN - Tổng thống Nga Putin cho biết, đối tác Mỹ đã ngừng mọi nghĩa vụ của nước này đối với hiệp ước INF, do đó Nga cũng sẽ làm điều như vậy.

Nga, NATO phản ứng trước tuyên bố của Mỹ về INF
Nga, NATO phản ứng trước tuyên bố của Mỹ về INF

VOV.VN - Nga đã phản ứng mạnh mẽ trước thông báo của Mỹ về việc rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung ( INF).

Nga, NATO phản ứng trước tuyên bố của Mỹ về INF

Nga, NATO phản ứng trước tuyên bố của Mỹ về INF

VOV.VN - Nga đã phản ứng mạnh mẽ trước thông báo của Mỹ về việc rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung ( INF).

Nguy cơ sụp đổ của Hiệp ước INF đang đến gần
Nguy cơ sụp đổ của Hiệp ước INF đang đến gần

VOV.VN - Những lo lắng về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đã gia tăng trong tuần này khi sắp đến hạn chót ngày thứ Bảy (02/02), Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF.

Nguy cơ sụp đổ của Hiệp ước INF đang đến gần

Nguy cơ sụp đổ của Hiệp ước INF đang đến gần

VOV.VN - Những lo lắng về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đã gia tăng trong tuần này khi sắp đến hạn chót ngày thứ Bảy (02/02), Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF.