Sự bất thường trong vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo sáng 29/8
VOV.VN - Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản vào sáng 29/8/2017. Đây là một động thái khá bất thường và táo bạo.
Sáng 29/8, Triều Tiên tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo. Lần này tên lửa bay trực tiếp qua lãnh thổ Nhật Bản, khiến nước này cảnh báo cư dân dọc theo đường bay hãy tìm nơi ẩn nấp.
Hệ thống tên lửa phòng không của Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
Tên lửa bay qua đảo Hokkaido ở phía bắc Nhật Bản và rơi vô hại xuống biển. Tên lửa đã bay khoảng 2.735km.
Tên lửa trên được cho là tên lửa tầm xa cùng loại với tên lửa mà trước đó Triều Tiên dọa sẽ bắn về phía đảo Guam của Mỹ. Tên lửa này có khả năng vươn tới các căn cứ của Mỹ, Nhật và Hàn Quốc ở Đông Bắc Á.
Theo một đoạn đăng trên tài khoản Twitter của Thủ tướng Shinzo Abe, chính quyền Nhật Bản xác nhận tên lửa được phóng vào lúc 5h58 giờ địa phương, trước khi tách thành 3 mảnh và rơi xuống vị trí cách bờ biển Mũi Erimo (đảo Hokkaido) 1.175km vào lúc 6h12.
Phản ứng của Nhật
Truyền hình công của Nhật Bản đã tạm ngưng phát sóng các chương trình đang phát và chèn vào một thông báo hiếm hoi về đường bay của tên lửa Triều Tiên qua lãnh thổ Nhật Bản. Một số đoàn tàu cao tốc cũng ngừng lăn bánh.
Khi Nhật Bản phát hiện ra vụ phóng, họ đã theo dõi sát đường bay của tên lửa và gửi tới các công dân nước họ lời cảnh báo bằng tin nhắn về đường bay đó, đồng thời khuyên người dân trú ẩn, đề phòng các mảnh vỡ rơi xuống Nhật Bản.
Tướng Hiroaki Maehara, tư lệnh lực lượng phòng không Nhật Bản, cho biết phía Nhật không cố gắng bắn hạ tên lửa phóng từ Triều Tiên vào sáng 29/8 do chính phủ nước này không thấy mối đe dọa trực tiếp đối với lãnh thổ Nhật.
Triều Tiên lại phóng tên lửa bay qua không phận Nhật Bản
Chính phủ Nhật đã dùng những từ ngữ nặng nề để nói về vụ phóng tên lửa mới này. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu: “Hành động liều lĩnh của Triều Tiên – phóng tên lửa qua Nhật Bản, là một đe dọa nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ”.
Thủ tướng Abe cho biết thêm: “Chúng tôi đã có sự phản đối cứng rắn đối với Triều Tiên. Chúng tôi yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn cấp”.
Thách thức chính quyền ông Trump
Tháng 8 này, Triều Tiên đã đe dọa phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12 về phía Guam, tạo thành “đai lửa lịch sử bao quanh” đảo này, nơi có các căn cứ hải quân và không quân lớn của Mỹ. Khi đó Triều Tiên cho biết các quả tên lửa sẽ bay qua các tỉnh miền bắc của Nhật Bản trong hành trình bay tới đảo Guam. Quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên căng thẳng đột biến.
Thủ tướng Nhật Abe đã lập tức phản ứng về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào hôm 29/8. Ảnh: EPA. |
Tuy nhiên tình hình đã phần nào hạ nhiệt sau khi Triều Tiên tuyên bố hoãn phóng tên lửa về phía Guam để theo dõi thêm hành vi của Mỹ. Và hiện Triều Tiên vẫn chưa thực hiện lời đe dọa của họ là phóng tên lửa vào xung quanh đảo Guam của Mỹ. Quả tên lửa phóng vào ngày 29/8 cũng đi theo một quỹ đạo khác, qua không gian phía trên không phận miền bắc Nhật Bản.
Mặc dù vậy, các cuộc thử tên lửa mới đây của Triều Tiên vẫn giáng một đòn mạnh vào các hy vọng của Seoul và Washington về việc Triều Tiên sẽ kiềm chế, không thử vũ khí nữa, để dọn đường cho khả năng đối thoại giữa các bên.
Cuộc thử tên lửa mới này thách thức trực diện Tổng thống Mỹ Donald Trump, vì trước đó ông Trump và Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đều tin tưởng tuyên bố rằng Triều Tiên đã bắt đầu nhượng bộ, kiềm chế, và có thể đối thoại được với Mỹ. Nhưng những gì diễn ra chỉ vài ngày sau các tuyên bố đó cho thấy tinh thần lạc quan trên dường như là quá sớm.
Cụ thể, hôm 26/8 Triều Tiên phóng 3 quả tên lửa tầm ngắn. Hai trái tên lửa bay khoảng 249km trước khi rơi xuống biển. Các tên lửa này có tầm bay đủ xa để bắn tới các căn cứ quân sự chính của Hàn Quốc và Mỹ, bao gồm cả những căn cứ nằm trong khoảng 96km về phía nam thủ đô Seoul. Và đến sáng 29/8 thì họ “làm” thêm cú phóng tên lửa đạn đạo nữa.
Động thái khác thường và táo bạo
Quả tên lửa phóng vào sáng 29/8 là tên lửa thứ 3 của Triều Tiên phóng qua lãnh thổ Nhật Bản kể từ năm 1998.
Trước đó Triều Tiên mới chỉ phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản có 2 lần. Lần thứ nhất là vào năm 1998, lần đó đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngoại giao nhỏ ở châu Á. Lần hai là vào đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Obama năm 2009 – lần đó kết hợp với thử vũ khí hạt nhân. Cuộc phóng tên lửa năm 2009 có lẽ là để thăm dò tân Tổng thống Mỹ.
Mọi điều cần biết về vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa
Nhưng trong cả hai lần trên, Triều Tiên đều tuyên bố rằng các trái rocket này chỉ đơn giản là nhằm đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Lần này (29/8/2017), Triều Tiên không hề tuyên bố như vậy nữa.
Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào ngày 26/8 và 29/8 diễn ra trong quá trình diễn tập quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc vốn được khởi động từ tuần trước. Nhật và Mỹ coi đây là diễn tập thông thường, nhưng Triều Tiên lại xem đó là các cuộc tập trận để xâm lược Triều Tiên.
Ấy thế nhưng vụ phóng vừa qua (29/8) lại không nhắm vào Mỹ hay Hàn Quốc mà lại dính dáng nhiều nhất đến Nhật Bản, khiến Nhật Bản phải tuyên bố rằng họ “sẵn sàng thực hiện tất cả các biện pháp bảo vệ tính mạng người dân”.
Triều Tiên đã tiến hành hơn 80 vụ thử tên lửa kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên vào cuối năm 2011 sau khi thân phụ của ông này qua đời. Tuy nhiên, trong số các tên lửa được phóng đó, không có quả nào lao qua bầu trời Nhật Bản.
Thậm chí ngay cả khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa vào ngày 28/7, họ cũng chỉ bắn tên lửa ở góc cao để tên lửa vọt lên độ cao 3.701km – điều này là để tên lửa sau đó rơi xuống vùng biển giữa Triều Tiên và Nhật Bản chứ không bay qua vùng không gian phía trên Nhật Bản.
Như vậy, vụ phóng tên lửa vào hôm 29/8 có thể xem là một động thái đặc biệt táo bạo của Triều Tiên.
Ngoài ra, đáng chú ý, tên lửa thử vào sáng 29/8 được phóng đi từ một địa điểm gần thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. Theo các báo cáo ban đầu, tên lửa được phóng đi từ một nơi gần sân bay quốc tế của Bình Nhưỡng, khác với địa điểm mọi khi nằm ở vùng đông bắc nước này. Theo quân đội Hàn Quốc, họ vẫn đang xác định cụ thể loại tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng là gì.
Các quan chức Mỹ lưu ý rằng nếu tên lửa được phóng đi từ ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng, thì có thể cuộc thử này đã được thiết kế nhằm gây khó dễ cho đòn tấn công phủ đầu của Mỹ nhắm vào Triều Tiên. (Chuyện đánh phủ đầu đã được một số quan chức trong chính quyền ông Trump đưa ra công khai trong tháng này, nhằm răn đe Triều Tiên.) Nếu Mỹ tấn công vào gần Bình Nhưỡng (nơi có nhiều dân thường), thương vong dân thường sẽ lớn và Triều Tiên có thể coi động thái này là nhằm đánh thẳng vào chế độ chính trị của Triều Tiên. Một cuộc tấn công như thế nhiều khả năng sẽ khiến Triều Tiên trả đũa Hàn Quốc.
Nếu nổ ra một cuộc chiến tranh nữa trên bán đảo Triều Tiên, thì ngoài Hàn Quốc, các mục tiêu đầu tiên của Triều Tiên nhiều khả năng sẽ là Nhật Bản và đảo Guam (Mỹ). Cả Nhật và Guam đều là nơi đặt các căn cứ quân sự lớn của Mỹ, đóng vai trò bàn đạp cho các lực lượng của Mỹ trong tình huống Chiến tranh Triều Tiên lần 2 xảy ra./.