Sự vội vàng khiến Ukraine mất tiêm kích F-16 và phi công hàng đầu
VOV.VN - Phi công Ukraine có ít giờ bay trên tiêm kích F-16 hơn so với các phi công phương Tây. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, họ được triển khai làm nhiệm vụ chiến đấu gần như ngay lập tức mà không có thời gian huấn luyện.
Theo các quan chức Mỹ và phương Tây, vụ rơi tiêm kích F-16 ở Ukraine trong ngày đầu tiên máy bay này thực chiến đã làm dấy lên câu hỏi về chương trình đào tạo phi công cấp tốc cũng như việc vội vàng triển khai chỉ vài tuần sau khi F-16 được chuyển đến Ukraine.
Cho đến nay, Không quân Ukraine vẫn chưa xác định được nguyên nhân của vụ rơi tiêm kích F-16 hôm 26/8. Vụ việc xảy ra trong lúc Ukraine đối phó với cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) lớn nhất của Nga kể từ khi xung đột bùng phát.
Các quan chức Mỹ cho hay, Ukraine vẫn chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy F-16 đã bị bắn hạ, do hỏa lực của Nga hay của chính Ukraine, hoặc do lỗi cơ học...
Vụ việc cũng khiến phi công hàng đầu của Ukraine thiệt mạng và phá hủy một trong số ít máy bay F-16 mà Ukraine mới nhận được vào thời điểm bấp bênh trong cuộc xung đột.
Cái giá của sự vội vàng
Việc lái máy bay chiến đấu trong thực chiến là một nhiệm vụ nguy hiểm và phức tạp. Ngay cả những phi công giỏi nhất của Mỹ cũng từng gặp sự cố với máy bay F-16. Trong số đó có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ CQ Brown. Phi công Brown đã buộc phải phóng ghế thoát hiểm sau khi máy bay của ông bị sét đánh ở Everglades năm 1991. Cựu tham mưu trưởng Không quân Mỹ, David Goldfein, cũng từng gặp nạn với F-16, máy bay của ông bị trúng tên lửa đất đối không khi bay qua Serbia năm 1999.
Các phi công phương Tây, ngay cả sau khi hoàn thành khóa đào tạo, cũng thường phải bay huấn luyện suốt nhiều tháng với đơn vị của họ và trong các cuộc diễn tập trước khi thực hiện nhiệm vụ phức tạp trong ở vùng chiến sự. Ngược lại, các phi công Ukraine kết thúc khóa đào tạo đã được triển khai ngay ra chiến trường.
Một số quan chức phương Tây đặt câu hỏi về tính sáng suốt khi Ukraine quyết định triển khai F-16 chỉ vài tuần sau khi chúng được đưa đến nước này và cử những phi công có số giờ bay hạn chế với máy bay do Mỹ sản xuất làm nhiệm vụ chiến đấu.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, hiện vẫn chưa có kế hoạch điều chỉnh chương trình đào tạo phi công cho Ukraine, nhưng “vụ tai nạn cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi cố gắng làm mọi thứ một cách vội vã”.
Việc đào tạo phi công đã bị trì hoãn suốt nhiều tháng khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden còn đang cân nhắc có nên cho phép các đồng minh chuyển giao F-16 cho Ukraine hay không. Vào thời điểm F-16 được chuyển đến, Ukraine đang phải đối mặt với các đợt tấn công bằng tên lửa và UAV ngày càng gia tăng của Nga.
Theo một quan chức Mỹ, một tên lửa của Nga đã phát nổ gần chiếc F-16 ngay trước khi nó biến mất khỏi màn hình radar, dẫn đến một giả thuyết cho rằng vụ nổ đã làm hỏng máy bay hoặc khiến phi công cơ động quá gần mặt đất, gây ra tai nạn.
Phi công thiệt mạng, Oleksiy Mes, là một trong số ít phi công Ukraine tham gia khóa đào tạo lái F-16 tại Đan Mạch vào tháng 8/2023. Vài tháng sau, một nhóm khác bắt đầu đào tạo dưới sự chỉ đạo của các phi công Mỹ tại Căn cứ Không quân Morris ở Arizona.
Chương trình đào tạo phi công quá ngắn?
Trước khi vụ tai nạn xảy ra, các đại diện của Đan Mạch từng bày tỏ lo ngại về khả năng bay một mình của một số phi công Ukraine.
Các phi công Ukraine đều có nhiều năm kinh nghiệm chiến đấu trên các máy bay từ thời Liên Xô, nhưng họ gặp khó khăn khi học cách vận hành máy bay F-16 tiên tiến, đặc biệt là vì sách hướng dẫn bằng tiếng Anh và không phải tất cả các phi công đều có thể đọc hiểu tốt. Một số phi công tham gia khóa học ở Đan Mạch đã bị “trượt”.
Oleksiy Mes, biệt danh là Moonfish, không phải là một trong những phi công gây lo ngại. Mes nằm trong số ít những người đã hoàn thành khóa đào tạo cấp tốc tại căn cứ không quân Đan Mạch ở Skrydstrup, được thiết kế theo các tình huống mà họ sẽ phải đối mặt trên chiến trường. Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, các phi công tập trung vào phòng không, thay vì học tất cả các nhiệm vụ mà máy bay đa năng có thể thực hiện.
Không quân Ukraine cho biết, Mes đã bắn hạ 3 tên lửa hành trình và một UAV trước khi máy bay F-16 của phi công này bị rơi.
Thông thường, các phi công F-16 mới vào nghề sẽ hoàn thành một khóa học toàn diện hơn và sau đó huấn luyện cùng đơn vị của họ trong vòng một năm trước khi tham gia chiến đấu. Nhưng các phi công Ukraine, những người mới chỉ học lái F-16 nhiều nhất là một năm, đã được đưa thẳng vào một chiến trường nguy hiểm và phức tạp.
“Vai trò ban đầu của loại máy bay này tương đối hạn chế, chỉ tập trung vào phòng không và phòng thủ tên lửa. Chắc chắn sẽ có những khó khăn trong quá trình tiếp nhận và học cách làm chủ chiếc máy bay này”, ông Michael Kofman, một thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie, cho biết.
Hiện tại, một số ít phi công Ukraine vẫn đang tham gia các chương trình đào tạo tại Arizona, Đan Mạch và một cơ sở mới mở ở Romania. Cơ sở tại Đan Mạch sẽ đóng cửa vào cuối năm nay khi Không quân Đan Mạch chuyển đổi từ F-16 sang F-35 mới.
Ukraine có thể đã vội vã đưa F-16 và phi công của họ tham chiến, nhưng Kiev buộc phải đưa ra quyết định như vậy vì xung đột, cựu phi công Ukraine cho biết. Điều đó cũng không có nghĩa là Mes chưa sẵn sàng chiến đấu.
“Họ đều đã là phi công chiến đấu chứ không phải mới vào nghề. Rất nhiều người trong số họ là những phi công hàng đầu. Tôi có thể nói rằng phi công phương Tây chưa phải đối mặt với bất cứ điều gì giống như những gì Moonfish đã phải đối mặt”, phi công Ukraine nói thêm.