Tên lửa hành trình Storm Shadow: Vũ khí nâng cấp sức mạnh tấn công của Ukraine
VOV.VN - Chính phủ Anh ngày 11/5 xác nhận, nước này đang cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow – một loại vũ khí tấn công chính xác tiên tiên đã chứng minh hiệu quả trong thực chiến.
Có rất nhiều thông tin khác nhau về tầm bắn của tên lửa này, một số cho rằng nó có tầm bắn hơn 250km, trong khi các số liệu khác cho thấy nó có tầm bắn tối đa 400km hoặc 560km. Theo The Drive, đây là tên lửa tầm xa nhất mà phương Tây chuyển giao cho Kiev kể từ khi xung đột nổ ra.
Một số phương tiện truyền thông đưa tin, việc cung cấp tên lửa này đi kèm với cam kết của Ukraine sẽ không sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace cho biết, tên lửa sẽ được sử dụng bên trong lãnh thổ Ukraine và điều này có thể không loại trừ các cuộc tấn công vào những khu vực do Nga sáp nhập, chẳng hạn như Crimea.
Vẫn chưa rõ liệu Ukraine nhận được những tên lửa Storm Shadows đầy đủ tính năng hay phiên bản giảm tầm bắn theo Cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), vốn hạn chế xuất khẩu những tên lửa có tầm bắn vượt quá 300km.
Mặc dù không bay nhanh như tên lửa đạn đạo Kin Kinzhal của Nga, Storm Shadow vẫn gây chú ý nhờ khả năng tàng hình ưu việt, hệ thống dẫn đường tiên tiến sử dụng AI và đầu đạn hai tầng có thể phá hủy boong-ke.
Scalp EG/Storm Shadow là tên lửa hành trình do liên doanh Matra của Pháp và British Aerospace của Anh hợp tác phát triển vào năm 1994, biên chế cho không quân Pháp và Anh vào năm 2002.
Storm Shadow cùng với tên lửa hành trình phóng từ trên không KEPD-350 của Đức được cho là có sức mạnh tương đương với tên lửa Tomahawk của Mỹ. Storm Shadow không sử dụng bất kỳ thông tin nào do máy bay mang tên lửa cung cấp, ngay cả trước hoặc sau khi phóng. Thay vào đó, nó được lập trình sẵn để bay theo các điểm tham chiếu đến vị trí của mục tiêu bằng cách sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính hỗ trợ GPS và hệ thống so sánh đường viền địa hình. Thông thường nó chỉ bay ở độ cao từ 30 đến 40m so với mặt đất để tránh bị radar đối phương phát hiện.
Tên lửa Storm Shadow có thể bay với tốc độ cận âm, nhờ được trang bị hệ thống động cơ phản lực Turbomeca Microturbo TRI 60-30, giúp tạo ra lực đẩy 5,4kN. Shadow có khả năng tàng hình ưu việt, vì được làm bằng vật liệu hấp thụ sóng radar và có hình dạng khí động học đặc biệt.
Một khi đến gần mục tiêu, tên lửa sẽ lao lên trên, bật phần mũi hình nón và sử dụng cảm biến hồng ngoại bên trong để quét mặt đất bên dưới, nhằm tìm kiếm bất cứ thứ gì có hình dạng giống với hình ảnh vệ tinh của mục tiêu được tải sẵn trong bộ nhớ bằng công nghệ điều khiển AI, được gọi là hệ thống so sánh điện tử- quang học (DSMAC - Digital Scene Matching Area Correlator). Nếu xác định đúng mục tiêu, tên lửa sẽ lựa chọn điểm tác động để tiêu diệt với độ chính xác cao.
Storm Shadow sử dụng đầu đạn Broach do BAE Systems phát triển, rất hiệu quả khi phá hủy các mục tiêu kiên cố như boongke hay cơ sở lưu trữ dưới lòng đất. So với tên lửa GMRL, Storm Shadow có tầm bắn xa hơn và có giá thành đắt đỏ hơn 4 đến 5 lần, vì vậy Ukraine sẽ chỉ nhận được một số ít tên lửa này.
Storm Shadow lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu là vào năm 2003, trên chiến trường Iraq. Thời điểm đó, nó được phóng từ máy bay chiến đấu Tornado. Vào giữa những năm 2010, Anh và Pháp cũng đã sử dụng tên lửa chống lại IS ở Iraq và Syria.
Liệu Storm Shadow có thể tích hợp với máy bay chiến đấu thời Liên Xô?
Storm Shadow/SCALP được thiết kế phóng từ máy bay chiến đấu. Tên lửa này đã được sử dụng cho máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen của Thụy Điển, Mirage 2000 và Rafale của Pháp, máy bay Tornado và Eurofighter Typhoon do Đức, Italy và Vương quốc Anh hợp tác chế tạo.
Theo các chuyên gia quân sự, do tên lửa không cần tiếp nhận thông tin từ máy bay phóng để điều chỉnh hỏa lực và được lập trình sẵn để tấn công mục tiêu trước khi bay nên việc tích hợp nó vào máy bay chiến đấu của Ukraine sẽ dễ dàng hơn so với các vũ khí dẫn đường tiên tiến khác của phương Tây. Với kích thước và trọng lượng lớn, Storm Shadow có thể được đặt trên máy bay ném bom Su-24 hoặc máy bay chiến đấu Su-27 của Ukraine.
Kiev được cho là đã thành công trong việc trang bị tên lửa chống radar AGM-88 HARM của phương Tây trên máy bay chiến đấu MiG-29.
Do Storm Shadow có tầm bắn xa, nên máy bay chiến đấu của Ukraine có thể phóng tên lửa từ vùng không phận tương đối an toàn. Để tránh bị radar trên mặt đất của Nga phát hiện và tấn công từ vị trí không thể đoán trước, Ukraine có thể lựa chọn phóng tên lửa từ độ cao thấp, dù điều này sẽ làm giảm phạm vi hoạt động tối đa của tên lửa.
Giống như hầu hết tên lửa hành trình tầm xa, Storm Shadows có giá thành không hề rẻ, có thể tốn khoảng 1 triệu USD cho mỗi lần bắn. Hầu hết các quốc gia vận hành tên lửa này đều có số lượng dữ trữ ở mức thấp hoặc mức trung bình, vì thế số lượng tên lửa mà họ sẵn sàng cung cấp cho Ukraine sẽ bị hạn chế.
Nhà phân tích hàng không quân sự Mena Adel của tạp chí Scramble cho rằng, với số lượng ít ỏi như vậy, Ukraine có thể tiến hành các cuộc không kích kết hợp bằng tên lửa hành trình với sử dụng UAV và bom lượn SDB (phóng từ mặt đất và trên không), đồng thời triển khai hệ thống tác chiến điện tử để đánh lừa và áp đảo phòng không đối phương.
Theo ông Mena Adel, Storm Shadow là vũ khí tấn công tầm xa mạnh mẽ mà Ukraine sẽ phải sử dụng một cách thận trọng để đạt hiệu quả tối đa. Dù Anh chỉ chuyển giao cho Kiev một số lượng nhỏ tên lửa này, nhưng điều đó cũng có thể gây lo lắng cho các nhân viên hậu cần, chỉ huy và nhân viên phòng không Nga, chuyên gia này lưu ý./.