Trung Quốc điều tên lửa phòng không tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
VOV.VN - Quân đội Trung Quốc đã triển khai một hệ thống tên lửa phòng không hiện đại tới một trong các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép ở Biển Đông.
Thông tin này dựa trên hình ảnh vệ tinh dân sự mà hãng truyền thông Fox News của Mỹ có được một cách độc quyền.
Hình ảnh vệ tinh (trái) về bờ biển đảo Phú Lâm hôm 14/2. Ảnh: ImageSat International. |
Nhiều bệ phóng tên lửa đất đối không
Cụ thể hình ảnh từ vệ tinh ImageSat International (ISI) cho thấy 2 tổ hợp phòng không gồm nhiều bệ phóng tên lửa đất đối không cùng một hệ thống radar trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa (thuộc Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép).
Cũng ở khu vực này cách đây vài tuần hải quân Mỹ đã đưa một tàu khu trục đi sát một trong các hòn đảo đó. Trung Quốc khi ấy đã thề rằng Mỹ sẽ lãnh “hậu quả” vì hành động này.
Các tên lửa này đã được Trung Quốc điều tới trong tuần qua. Theo các hình ảnh vệ tinh, một bãi biển trên đảo Phú Lâm hoàn toàn trống trải vào ngày 3/2 nhưng vào ngày 14/2 vừa qua thì lại thấy tên lửa xuất hiện ở đây.
Một quan chức Mỹ xác nhận tính chính xác của các bức ảnh này. Vị này nói rằng hình ảnh vệ tinh có lẽ đã thể hiện hệ thống phòng không HQ-9 – nhại theo hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga. HQ-9 có tầm bắn 201km. Với tầm bắn đó, HQ-9 thực sự tạo ra mối đe dọa cho bất cứ máy bay nào - kể cả quân sự và dân sự - bay sát khu vực đảo này.
Nắn gân Mỹ?
Động thái của quân đội Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Obama tiếp 10 vị lãnh đạo ASEAN ở Palm Springs. Trong số các lãnh đạo ASEAN này, nhiều vị quan ngại về các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hôm 16/2, Tổng thống Obama tuyên bố “Mỹ sẽ tiếp tục đưa máy bay và tàu thủy vào hoạt động ở bất cứ khu vực nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Một quan chức quốc phòng nói với Fox News rằng Lầu Năm Góc đang theo dõi sát sao các diễn biến mới này. Vị này nói: “Mỹ tiếp tục kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền hãy ngừng cải tạo đảo, xây dựng đảo và quân sự hóa các đảo, đá ở khu vực Biển Đông”.
Diễn biến mới nhất này diễn ra chỉ vài tuần sau khi khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur (DDG-54) đi vào khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tức giận tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả.
Một phát ngôn viên quân đội Trung Quốc cho biết tàu chiến Mỹ “đã vi phạm luật Trung Quốc” và là một “sự khiêu khích cố ý”.
Theo phát ngôn viên Hoa Xuân Doanh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này đã phát các cảnh báo tới con tàu của Mỹ và “nhanh chóng đuổi tàu này đi”. Hải quân Mỹ phủ nhận có các cảnh báo như vậy.
Thông cáo từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo việc tàu thủy đi sát đảo Tri Tôn “có thể gây ra những hậu quả cực kỳ nguy hiểm”.
Vụ việc này xảy ra vào cuối tháng 1/2016, chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Bắc Kinh nhằm thảo luận các vấn đề khu vực bao gồm các đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Quân đội Mỹ không “ngán”
Trong một cuộc họp báo với ông Kerry ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cam kết không quân sự hóa khu vực các đảo tranh chấp.
Thế nhưng Ngoại trưởng Vương Nghị vẫn để chừa chỗ để Trung Quốc có thể triển khai vũ khí bảo vệ các đảo mà họ chiếm giữ trái phép.
Ông này nói: “Có một số trang thiết bị cần thiết cho việc phòng vệ”.
Nhà ngoại giao Trung Quốc khăng khăng lặp lại những ý không có cơ sở pháp lý, nhằm bảo vệ những sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông, rằng về mặt lịch sử các đảo ở đây là thuộc về họ.
Hồi đầu tháng 1/2016 Trung Quốc đã thử nghiệm một trong các đường băng do nước này xây dựng, bằng cách cho hạ cánh trái phép máy bay dân sự trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).
Tổng thống Mỹ và lãnh đạo ASEAN cùng dè chừng Trung Quốc về Biển Đông
Quan chức Lầu Năm Góc khi ấy quan ngại sắp tới sẽ có máy bay quân sự của Trung Quốc hạ cánh ở đây.
Vào hôm 15/2, tư lệnh hạm đội 7 của Hải quân Mỹ - hoạt động ở vùng biển Tây Thái Bình Dương, nói với các phóng viên: “Chúng tôi không chắc họ đang đưa chúng ta đi đâu”. Ông này hối thúc Bắc Kinh cởi mở hơn nữa về các hoạt động quân sự của họ.
Mặc dù vậy Phó Đô đốc Joseph Aucoin nói, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tự do hàng hải và hàng không (theo luật quốc tế) bất chấp các hăm dọa vô lý của Trung Quốc./.