Trung Quốc tăng cường huấn luyện thực chiến cho lực lượng lục quân
VOV.VN -Theo chuyên gia, các cuộc diễn tập đã sát với thực tế hơn xét trên khía cạnh về các điều kiện thực chiến như chỉ huy, liên lạc và hậu cần từ xa.
Trung Quốc thời gian gần đây đang đẩy mạnh huấn luyện thực chiến cho lực lượng Lục quân nhằm khắc phục những nhược điểm về tổ chức và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Xu hướng huấn luyện này chứng tỏ sự tự tin ngày càng gia tăng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong ứng phó với nhiều kịch bản chiến tranh khác nhau.
Theo ông Roy Kamphausen, Phó Chủ tịch chương trình nghiên cứu thuộc Cục Nghiên cứu châu Á, kể từ năm 2006, PLA đã gia tăng số lượng các cuộc diễn tập liên khu, đặc biệt là các đơn vị Lục quân cơ động từ quân khu này đến quân khác phục vụ nhiệm vụ huấn luyện. Trung Quốc có 7 quân khu, tuy nhiên dự kiến sẽ giảm xuống còn 5 quân khu trong tương lai gần.
Lính Trung Quốc diễn tập tại căn cứ Hắc Hà ngày 16/09/2015. Ảnh: STR/AFP |
Mặc dù Lục quân Trung Quốc vẫn sử dụng phương tiện đường sắt để cơ động lực lượng, nhưng với việc gia tăng các cuộc diễn tập liên khu thì sự ưu tiên đối với tính cơ động đường bộ đang ngày càng được chú trọng hơn.
Theo chuyên gia Li Xiaobing, Đại học Central Oklahoma/Mỹ, hiện Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ mang tính then chốt trong diễn tập tác chiến lục quân, bao gồm: Thứ nhất, PLA đã di chuyển các cuộc diễn tập ra khỏi những thao trường truyền thống, tương tự như thao trường ở Bắc Kinh, đến các thao trường có tính thực địa cao, bao gồm một số vùng xa xôi, tiền tuyến ở Tây Tạng và Tân Cương.
Thứ hai, các cuộc diễn tập đã sát với thực tế hơn xét trên khía cạnh về các điều kiện thực chiến như chỉ huy, liên lạc và hậu cần từ xa. PLA thậm chí còn cơ động lực lượng tới Nga để tham gia tập trận chung. Thứ ba, trong các cuộc diễn tập, “lực lượng quân xanh (quân địch) phải chiến đấu vất vả và thông minh hơn thay vì kỳ vọng vào một chiến thắng được đảm bảo”.
Theo ông Dennis Blasko, một sĩ quan tình báo Quân đội Mỹ từng hoạt động ở Trung Quốc, trong các cuộc diễn tập, các đơn vị được triển khai với các kịch bản giả định là Trung Quốc bị tấn công và hoạt động cơ động của các lực lượng tới các khu vực diễn tập bị giám sát chặt chẽ bởi tình báo, trinh sát của quân địch và dễ bị tập kích bằng vũ khí chính xác tầm xa của không quân đối phương, bao gồm cả vũ khí hóa học và sinh học, hoặc sự bắn phá ngăn chặn của các lực lượng.
Thông thường những thay đổi về tình huống giả định được đưa ra sát với thời điểm các lực lượng chuẩn bị triển khai hoặc khi đang hành quân. Sau khi đến địa điểm các đơn vị tổ chức một đội quân xanh với năng lực tác chiến hiện đại và hiệu quả hơn so với các lực lượng của những cuộc diễn tập trong quá khứ.
Hệ thống phòng không QW-2 của Trung Quốc trưng bày tại triển lãm Chu Hải/Trung Quốc. Ảnh: Wendell Minnick/Staff |
Ông Richard Fisher, một thành viên cấp cao về các vấn đề quân sự châu Á tại Trung tâm chiến lược và Đánh giá Quốc tế/Mỹ, nhận định, cơ chế huấn luyện của PLA hiện nay có được là nhờ thành tựu của gần hai thập kỷ đầu tư cho “thông tin hóa” và “cơ giới hóa” lực lượng: “Sự đầu tư cho chỉ huy/kiểm soát/thông tin liên lạc (C3l) kết hợp với việc chú trọng vào các loại xe thiết giáp bánh xích và bánh lốp thế hệ thứ ba, cùng với lực lượng không quân của Lục quân đã cho phép Trung Quốc xây dựng các cuộc diễn tập tác chiến hiệp đồng cấp quân khu, các trung tâm huấn luyện tăng thiết giáp mới và cùng với đó là xu thế chuyển đổi từ diễn tập cấp quân khu sang cấp liên quân khu".
Những tiến bộ về C3l đã tạo thuận lợi cho cho hoạt động chỉ huy và tăng cường sự thống nhất giữa các quân khu, từ đó tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị trong diễn tập thực địa. Việc chú trọng vào môi trường tác chiến điện tử phức tạp, bao gồm tác chiến điện tử và tác chiến mạng nhiều hơn so với quá khứ đã giúp PLA phát hiện những điểm yếu trong huấn luyện chỉ huy cho các chiến dịch quân sự hiệp đồng.
Tuy nhiên, theo Li Xiaobing, thì các cuộc diễn tập gần đây cũng cho thấy “những vấn đề mang tính thể chế” của PLA như: việc lựa chọn địa điểm, chỉ định người chỉ huy hoặc bố trí trận địa; vấn đề về kinh tế như việc một số đơn vị buộc phải sử dụng vũ khí và đạn dược cũ sắp hết hạn sử dụng; các sở chỉ huy cấp tiểu đoàn không điều động đủ nhân sự để kiểm soát tốt các chiến dịch…
Một điểm hạn chế khác của Lục quân Trung Quốc trong diễn tập là khả năng kết hợp vũ khí và trang thiết bị mới, như máy bay không người lái. Không phải tất cả các đơn vị đều được biên chế trang bị hiện đại cùng một lúc, bên cạnh đó có sự khác nhau đáng kể về chủng loại phương tiện giữa các đơn vị và điều đó đồng nghĩa với sự khác nhau về khả năng của các đơn vị.
Do vậy, mục đích của lực lượng Lục quân Trung Quốc là thông qua các cuộc diễn tập có tính thực chiến cao để phát hiện ra những điểm còn hạn chế và tiến hành khắc phục ở các cuộc diễn tập vào năm tiếp theo./.