Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị đề nghị 10-11 năm tù
VOV.VN - Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu xuyên suốt vụ án nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 nên cần áp dụng hình phạt cao nhất.
Tiếp tục phiên xét xử vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội và các đơn vị liên quan, sáng 11/12, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đã tiến hành luận tội và đề nghị mức án đối với 10 bị cáo trong vụ án.
Theo đó, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Nhật Cảm từ 10 – 11 năm tù. Các bị cáo nguyên là cán bộ CDC Hà Nội bị đề nghị xử phạt từ 2 – 8 năm tù với cùng tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
4 bị cáo còn lại, gồm Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech), Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam – MST), Nguyễn Trần Duy (nguyên Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành), Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông) bị VKS đề nghị xử phạt từ 5 – 8 năm tù với cùng tội danh nêu trên.
Theo nhận định của VKS, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.
Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập.
Theo nhận định của đại diện VKS, trong lúc Chính phủ và toàn xã hội đang nỗ lực và tập trung các nguồn lực để phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân. Tuy nhiên, các bị cáo lại gian lận, thông đồng với các đối tượng bên ngoài để nâng khống giá trị gói thầu.
Cụ thể, cựu Giám đốc CDC Hà Nội đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi, trực tiếp thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm các máy móc, thiết bị y tế với các bị can khác, trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với bị can Nguyễn Trần Duy (Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành) để Duy giả mạo hồ sơ, ký ban hành chứng thư thẩm định giá theo mức do CDC Hà Nội yêu cầu…
Sai phạm xảy ra khi CDC Hà Nội mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19, tại gói thầu số 15 với số tiền là 9,54 tỉ đồng. VKS cáo buộc sai phạm của các bị can, trong đó có bị can Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) tại gói thầu số 15 gây thiệt hại cho Nhà nước là hơn 5 tỉ đồng.
Xét nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo, VKS cho rằng, các bị cáo đều lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội nên phải chịu tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, các bị cáo đều thành khẩn khai báo. Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm và các bị cáo nguyên là bộ CDC Hà Nội có nhiều thành tích trong công tác, một số bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả...
Trong vụ án này, các bị cáo có vai trò khác nhau nên cần phân hóa trách nhiệm hình sự của từng bị cáo. Cụ thể, VKS xác định Nguyễn Nhật Cảm là chủ mưu, cầm đầu xuyên suốt vụ án; các bị cáo còn lại đóng vai trò đồng phạm nên cần phân hóa vai trò của các bị cáo để đưa ra mức án phù hợp, đúng pháp luật./.