Vì sao Philippines chưa thể “xóa sổ” phiến quân thân IS tại Marawi
Quân đội Philippines đang phải “chật vật” để đối phó với một nhóm nhỏ các tay súng cực đoan trong khi viễn cảnh giải phóng thành phố này vẫn chưa tới gần.
Tính đến hôm nay (14/6), cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ Philippines và các nhóm phiến quân thân IS như Maute và Abu Sayyaf tại thành phố Marawi trên đảo Mindanao đã bước sang tuần thứ 4.
Các binh sĩ Philippines truy lùng phiến quân tại thành phố Marawi (Ảnh: Getty) |
So với thời điểm khi cuộc giao tranh mới bắt đầu xảy ra hôm 23/5 với 400-500 phiến quân tham chiến, người phát ngôn của quân đội Philippines, Chuẩn tướng Restituto Padilla, cho biết hiện chỉ còn khoảng 100 tay súng ở Marawi.
Bất chấp những nỗ lực quyết liệt của Tổng thống Rodrigo Duterte khi ban bố tình trạng thiết quân luật trên toàn đảo Mindanao, cũng như việc chính phủ điều động hàng trăm binh lính và trang thiết bị quân sự hiện đại như xe tăng, trực thăng, xe bọc thép tới Marawi, quân đội Philippines đến nay vẫn chưa thể đánh bật các phiến quân ra khỏi thành phố phía nam.
Địa hình tác chiến khó khăn
Theo Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) Eduardo Ano, nền hòa bình tại Marawi sẽ không thể có được trong một sớm một chiều mà cần phải có thời gian. Ông Ano giải thích rằng các binh sĩ của quân đội chính phủ mặc dù có lợi thế hơn so với các tay súng phiến quân, song do địa hình tác chiến là khu vực thành phố nên rất khó để thâm nhập.
“Chúng tôi đã hoàn toàn kiểm soát toàn bộ khu vực (Marawi) nhưng vẫn chưa thể quét sạch phiến quân do địa hình tác chiến là ở thành phố”, Sun Star dẫn lời ông Ano cho biết.
Trước đó, trong một thông báo phát đi trên trang web chính thức, quân đội Philippines cho biết các binh sĩ phải truy lùng các tay súng phiến quân ở khắp mọi ngõ ngách tại Marawi để đảm bảo rằng chúng không thể ẩn náu trong các ngôi nhà.
Địa hình tác chiến ở khu vực thành phố gây không ít khó khăn cho quân đội chính phủ Philippines (Ảnh: Reuters) |
Ông Ano nhận định rằng chính vị trí ẩn nấp của các tay súng phiến quân đã gây khó khăn cho các binh sĩ Philippines và đây là lý do khiến họ không thể “đánh nhanh diệt gọn” như dự tính. “Chúng tôi phải thực hiện từng bước một, truy quét từng ngôi nhà và đi qua từng dãy nhà”, Tham mưu trưởng AFP cho hay.
Cũng theo ông Ano, việc triển khai hoạt động tác chiến tại khu vực đô thị không đơn giản như khi triển khai tại khu vực nông thôn. Trong khi đó, các binh sĩ Philippines, những người vốn quen thuộc với các chiến thuật đơn giản sử dụng trong điều kiện tác chiến ở nông thôn, đã gặp khó khăn khi áp dụng các chiến thuật đó trong một cuộc xung đột ở thành phố.
Chiến thuật của phiến quân
Nhận định về khả năng tiến quân chậm chạp của lực lượng vũ trang Philippines, tờ Newsweek cho rằng các tay súng nổi loạn ở Marawi có trong tay những lợi thế nhất định và đây chính là lý do dẫn đến việc chỉ một nhóm nhỏ phiến quân cũng có thể giằng co quyết liệt với quân đội chính phủ.
Xét về vũ khí, nhóm Maute đã đối phó với quân đội chính phủ bằng chính số vũ khí và đạn dược do Mỹ sản xuất mà nhóm này cướp được từ các nhà tù và đồn cảnh sát. Ngoài ra, các phiến quân cũng chiếm được một xe bọc thép của cảnh sát và sử dụng xe này trong các cuộc giao tranh với quân đội chính phủ.
Một trong những động thái đầu tiên của nhóm Maute khi bắt đầu tấn công thành phố Marawi là phóng thích 100 tù nhân từ một nhà tù, trong đó có nhiều đối tượng là các thành viên của Maute trước đây hoặc là các phần tử ủng hộ nhóm này.
Ảnh chụp màn hình đoạn video tuyên truyền do IS công bố cho thấy các tay súng phiến quân ẩn nấp bên trong một căn nhà để chiến đấu với quân đội chính phủ Philippines (Ảnh: Reuters) |
Để gia tăng lực lượng, nhóm phiến quân còn kêu gọi thêm các tay súng nước ngoài tới yểm trợ. Giới chức Philippines cho biết ngoài hàng trăm phiến quân của nhóm Maute từng thề trung thành với IS, đối đầu với quân đội chính phủ tại Marawi còn có 40 tay súng nước ngoài, không chỉ đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia, mà còn đến từ nhiều nơi khác như Ấn Độ, Saudi Arabia, Marocco, Chechnya.
Hầu hết các chiến binh của Maute nằm trong độ tuổi 20, tuy nhiên trong bối cảnh cần tăng cường số lượng thành viên như hiện nay, nhóm này thậm chí còn tuyển mộ cả trẻ em để tham gia vào các chiến dịch ở Marawi. Theo Al Jazeeera, đối tượng mà nhóm phiến quân hướng đến là những trẻ em dễ bị tổn thương như trẻ mồ côi có cha mẹ thiệt mạng trong các cuộc xung đột, và đưa các em vào các video tuyên truyền, thậm chí có em nhỏ mới chỉ 4 tuổi.
Anh em khủng bố Hồi giáo Maute: Trái bom nổ chậm của Đông Nam Á
Một chiến thuật mà nhóm Maute sử dụng trong các cuộc giao tranh với quân đội chính phủ là bắt cóc dân thường làm con tin, trong đó có cả linh mục. Chúng đã sử dụng chính các con tin này để làm lá chắn sống, đối đầu với các binh sĩ Philippines. Đây cũng là lý do khiến quân đội chính phủ không thể mạnh tay tấn công vào các căn cứ nghi có phiến quân chiếm đóng.
“Quân đội chính phủ buộc phải di chuyển chậm chạp vì một số khu vực có thể sẽ vẫn còn dân thường bên trong. Họ có thể bị (phiến quân) sử dụng làm lá chắn sống”, Reuters dẫn lời Chuẩn tướng Padilla cho biết.
Theo nguồn tin mới nhất từ quân đội Philippines, hầu hết 200.000 cư dân ở Marawi đã sơ tán để tránh các cuộc giao tranh khốc liệt, song hiện vẫn còn khoảng 1.500 người mắc kẹt trong thành phố, trong đó hàng trăm người đã bị phiến quân có liên hệ với IS bắt giữ làm con tin.
Kế hoạch dài hơi
Hàng nghìn người dân Marawi phải sơ tán tới khu vực an toàn (Ảnh: AFP) |
Tổng Tham mưu trưởng AFP Eduardo Ano cho biết các phiến quân đã sử dụng chiến thuật tích trữ lương thực cũng như vũ khí trong các nhà thờ, trường học, các vị trí dân sự cũng như mạng lưới đường hầm để chuẩn bị cho một cuộc chiến “dài hơi” với quân đội chính phủ. Trong khi đó, tướng quân đội Carlito Galvez nói rằng “có những căn hầm và đường hầm mà thậm chí bom có sức công phá lớn cũng không thể phá hủy. Kể cả các phiến quân chiến đấu 2 tháng thì chúng vẫn không bị đói”.
Theo Cetus News, một trong những mục đích của nhóm phiến quân Maute khi tấn công Marawi và chọn cách đối đầu với quân đội chính phủ là vì muốn “chứng tỏ năng lực” với IS. Theo đó, Maute muốn được công nhận là một chi nhánh thực sự của IS ở Đông Nam Á. Chuyên gia Elsa Clave tại Viện Goethe có trụ sở tại Frankfurt cho rằng Maute chỉ là một trong số các nhóm vũ trang ở miền nam Philippines đang “cạnh tranh” để giành lấy sự thừa nhận trên phạm vi quốc tế.
IB Times dẫn nguồn tin từ chính phủ Philippines cho biết, cuộc xung đột tại Marawi tính đến nay đã khiến 26 dân thường, 58 binh sĩ và 202 phiến quân thiệt mạng. Trung tướng Carlito Galvez, người đứng đầu đơn vị chỉ huy quân sự tại Tây Mindanao, cho biết phiến quân hiện chiếm khoảng 20% diện tích Marawi và tại các khu vực do phiến quân chiếm giữ, các dân thường đang bị cưỡng ép phải làm việc cho các tay súng./.