Xung đột Triều Tiên: Cả Mỹ-Hàn-Triều đều là “kịch sĩ” đại tài
Cả Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đều không muốn xảy ra chiến tranh nhưng vì thể diện nên phải cố gồng mình, không bên nào chịu xuống thang trước.
Mỹ-Hàn không muốn chiến tranh bởi mất mát quá lớn
Về phía Mỹ, kế hoạch điều chỉnh trọng tâm chiến lược toàn cầu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang gặp khó khăn rất lớn bởi sự đáp trả quyết liệt của Nga trong vấn đề Ukraine và sự trỗi dậy quá mạnh mẽ của Trung Quốc.
Binh lính Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung |
Tuy Washington không ưa gì Bình Nhưỡng và luôn coi là cái gai trong mắt nhưng Mỹ vẫn hy vọng giải quyết được ổn thỏa tình hình Triều Tiên mà không phải phát động chiến tranh.
Nguyên nhân chủ yếu như sau:
Một là: Trọng điểm trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ là ngăn cản sự xuất hiện và lớn mạnh của một quốc gia trong khu vực có thể đe dọa vị trí bá chủ của Mỹ, mà tiềm lực của Triều Tiên thì Mỹ xem là không đáng kể trong con mắt của mình.
Mặc dù Triều Tiên đã chế tạo thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa và thử thành công vũ khí hạt nhân nhưng tiềm lực của Triều Tiên vẫn quá nhỏ bé so với Mỹ. Đối phó với Trung Quốc, nắm chắc tình hình ở Nhật Bản và Hàn Quốc mới là vấn đề cốt lõi trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Hai là: Một khi chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên bùng phát, kẻ gặp họa chính là đồng minh của họ.
Hàn Quốc là quốc gia có nền công nghiệp phát triển, các cơ sở công nghiệp và nhân lực kỹ thuật cao của họ đều đặt ở các vị trí rất tập trung và rất gần giới tuyến, chỉ cần Triều Tiên sử dụng các loại tên lửa tầm ngắn và lực lượng pháo binh là đủ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Người Mỹ không muốn Hàn Quốc và cả Nhật Bản bị tổn hại, bởi vì trong chiến tranh hiện đại, chỉ vài phút là đã gây thiệt hại rất lớn. Hoàn toàn có thể lường trước được hậu quả khi mật độ dân cư và các cơ sở kinh tế của các bên đều tập trung vào những khu vực trọng điểm trong tầm nhìn thấy.
Triều Tiên đã huy động tới hơn 50 tàu ngầm ra biển |
Hiện nay, Triều Tiên đã đặt các căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam và Nhật bản trong tầm ngắm tên lửa đạn đạo, nếu Triều Tiên ra tay trước thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, còn nếu đòn tấn công phủ đầu của Mỹ không tiêu diệt được hết thực lực tên lửa của Bình Nhưỡng thì Washington cũng sẽ gặp họa.
Đây là kết cục mà cả Mỹ-Hàn đều hết sức lo ngại. Cho nên, Mỹ không chỉ lo lắng cho lợi ích bản thân mình mà còn ra sức ngăn cản các đồng minh của họ. Đây là những nguyên nhân xuất phát từ Mỹ và đồng minh làm cho bán đảo Triều Tiên khó có thể xảy ra chiến tranh.
Tuy nhiên, không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ chiến tranh. Bởi nếu Mỹ-Hàn không thể “nhịn được” thì rất có thể họ sẽ chấp nhận “mất mát nhỏ” để loại bỏ “hậu họa lớn". Khi đó, chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ bùng phát và hậu quả thật khôn lường.
Triều Tiên không muốn chiến tranh nhưng vẫn gồng mình đe dọa
Thường mọi người đều cho rằng chiến tranh Triều Tiên đã là quá khứ, nhưng trên thực tế, Hàn Quốc và Triều Tiên mới chỉ ký kết hiệp định tạm thời đình chiến tháng 7/1953 chứ không phải là hiệp định hòa bình. Điều này có nghĩa, chiến tranh lại có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, suốt hơn nửa thế kỷ qua. Triều Tiên thường xuyên đưa ra các tuyên bố cứng rắn đối với Mỹ và Hàn Quốc, cục diện căng thẳng lần này cũng không phải là lần đầu Bình Nhưỡng đẩy 2 bên quay trở lại “trạng thái chiến tranh” như hơn 60 năm về trước.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud của Triều Tiên |
Biên giới tạm thời phân định giữa 2 miền Triều Tiên mang tên "khu phi quân sự" lại chính là một trong những địa bàn mang tính quân sự hóa bậc nhất hành tinh. Ở đó, đối chọi với nhau là hai đội quân khổng lồ luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Tuy nhiên, người Triều Tiên cũng hiểu rằng, xét về tổng thể, quân lực của nước này vẫn không sánh được với Hàn Quốc và cả Nhật Bản, nếu thực sự nổ ra chiến tranh, chỉ dùng ý chí không thể đánh bại được vũ khí hiện đại của liên quân Mỹ - Hàn.
Nếu chiến tranh xảy ra, chưa cần biết thắng bại thế nào những chắc chắn là lực lượng quân sự thông thường của Triều Tiên có thể thiệt hại rất lớn, kinh tế càng khó khăn hơn. Vậy nên, về phía Bình Nhưỡng, có thể khẳng định họ cũng không hề muốn xảy ra chiến tranh.
Đối với Triều Tiên, những động thái quyết liệt của họ được cho là hành động gây áp lực lên Mỹ và Hàn Quốc. Nhưng Bình Nhưỡng cũng nên xem xét một vấn đề là có thể đối phương không dọa nạt được họ thì với thực lực của mình, Triều Tiên có thể dọa được 2 nước này hay không?
Sau khi chiến tranh mới mà nổ ra, Triều Tiên sẽ gặp nhiều bất lợi hơn so với liên quân 2 nước kia.
Hơn nữa, theo chuyên gia Daniel Pinkston thuộc Viện nghiên cứu chiến lược ICG, việc Mỹ đang triển khai tới gần 30.000 quân và nhiều vũ khí trang bị tới Hàn Quốc ở thời điểm này, để phục vụ cho cuộc tập trận giữa hai bên sẽ là lý do để Bình Nhưỡng nghĩ lại.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng phải nhìn thấy một thực tế không chối cãi là sự kiềm chế của Hàn Quốc từ trước đến nay đã thể hiện hiệu quả nhất định, giúp cho các vụ xung đột giữa 2 bên không leo thang thành chiến tranh toàn diện. Nó còn giúp ích cho sự phát trieẻn kinh tế của cả đôi bên.
Chiến tranh khó có thể vượt qua đường ranh giới chia cắt 2 miền Triều Tiên 60 năm qua là vĩ tuyến 38 |
Trong điều kiện bình yên tương đối, Seoul đã có thể thực hiện điều thần kỳ kinh tế, vượt lên bỏ lại Bình Nhưỡng ở xa phía sau. Sự kiềm chế không chỉ mang lại hòa bình cho bán đảo, mà còn là bàn đạp thành công cho lợi ích của quốc gia của mỗi nước, trong đó có cả Triều Tiên.
Hai bên không muốn chiến tranh: Chờ cơ hội xuống thang
Trong chiến tranh hiện đại, kể các bên mạnh hơn cũng không thể tự coi là chiến thắng, chỉ cần sơ sẩy một chút, thắng lợi của họ cũng phải trả giá rất đắt. Trong tình huống xấu nhất, chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên, cả 2 bên đều là những kẻ thất bại.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có vẻ đã lên đến đỉnh điểm, cả 2 bên đều như cây cung đã giương hết tầm nhưng chưa “cung thủ” nào dám "phóng tiễn". Hiện không ai muốn khai chiến nhưng cũng không thể tỏ ra là kẻ hèn yếu, phải xuống thang trước.
Hiện nay, tuy cục diện mỗi ngày một căng thẳng, cả Mỹ - Hàn và Triều Tiên hiện nay đều là cái “họa tâm phúc” trong lòng nhau nhưng đều e dè trước hậu quả ghê gớm của cuộc chiến. Do đó, cả Washington, Seoul và Bình Nhưỡng đều sẽ thận trọng trong những hành động cuối cùng của mình.
Vì vậy, tuy nguy cơ đang tiềm ẩn nhưng khả năng chiến tranh là điều rất khó xảy ra. Hai bên sẽ cố gắng đóng trọn “vai diễn kịch tính” của mình và chờ cơ hội để xuống thang. Chiến tranh khó có thể vượt qua vĩ tuyến 38 đường ranh giới chia cắt Nam và Bắc Triều Tiên hơn 60 năm qua./.
Xem thêm: