Tập trận Malabar 2020: Bước chuyển chiến lược của Bộ tứ kim cương

VOV.VN - Cuộc tập trận mang tên “Malabar” 2020 sẽ không chỉ có Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, mà sẽ có sự tham gia đầy đủ của cả 4 nước “Bộ tứ kim cương”.

Các nước trong nhóm Bộ tứ kim cương gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia đang gia tăng các hoạt động hợp tác và liên kết ở khu vực, từ ngoại giao, thương mại, an ninh và đặc biệt là quân sự.  Mới đây, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo Australia sẽ cùng tham gia các cuộc tập trung thường niên cùng Mỹ và Nhật Bản trên vịnh Bengal vào tháng 11 tới.

Như vậy, cuộc tập trận mang tên “Malabar” 2020 sẽ không chỉ có Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, mà sẽ có sự tham gia đầy đủ của cả 4 nước “Bộ tứ kim cương”. Động thái này có thể ghi dấu một bước chuyển chiến lược đáng chú ý trong hợp tác của 4 nước này cũng như tác động đến môi trường địa chính trị ở khu vực.

Lý do Ấn Độ mời Australia tham gia tập trận Malabar 2020

Việc Ấn Độ quyết định mời Australia tham gia cuộc tập trận Malabar trên Ấn Độ Dương năm nay được dư luận đặc biệt quan tâm. Thực tế, từ nhiều năm trước, Australia đã bày tỏ mong muốn tham gia cuộc tập trận do Ấn Độ chủ trì, cùng với Mỹ và Nhật Bản - 2 thành viên khác trong Bộ tứ kim cương. Đây không chỉ là dịp để hải quân các nước trao đổi kinh nghiệm tổ chức tác chiến trên biển mà còn là cơ hội để khẳng định mối quan hệ khăng khít về chiến lược, an ninh và quốc phòng giữa 4 nước đối tác.

Cần phải nhắc lại rằng, Malabar không phải là cơ chế diễn tập quân sự duy nhất giữa Ấn Độ và Australia. Australia cũng đã từng tham gia cuộc diễn tập hải quân đa phương Milan do Ấn Độ chủ trì ở phía Đông Ấn Độ Dương. Ngoài ra, hai bên còn có các cơ chế tiếp xúc khác như tập trận hải quân AUSINDEX hay diễn tập AUSTRAHIND giữa Lục quân hai nước. Ấn Độ cũng đã 1 lần tham gia cuộc tập trận không quân RED FLAG do Australia đăng cai.

Tuy nhiên, việc Australia tham gia vào tập trận Malabar vẫn rất đáng quan tâm. Có 3 lý do khiến Ấn Độ đưa ra quyết định này.

Trước tiên, gần 10 năm qua, cả Ấn Độ và Australia đều có chung quan ngại ngày càng lớn trước sự trỗi dậy và các hành động của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc đang dần được coi là nguy cơ không chỉ trên đất liền mà còn trên biển, không chỉ lớn về quy mô mà còn đụng chạm tới những lợi ích sát sườn của Ấn Độ và Australia. Ví dụ như cuộc tranh chấp tại biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc kéo dài gần 6 tháng qua đang là lý do khiến Ấn Độ phải tìm kiếm các đối tác để răn đe, cân bằng lại cán cân quốc phòng an ninh, xa hơn là ngăn chặn sự bao vây về mặt chiến lược của Trung Quốc tại Nam Á.

Thứ hai, cả Ấn Độ và Australia đều đang có những điều chỉnh chiến lược để giảm sự phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc, hay thực chất là khởi đầu cho quá trình ‘Thoát Trung’. Ở khía cạnh này, hai nước có thể tìm được nhiều điểm chung bổ sung cho nhau ví dụ như phân bố lại chuỗi cung ứng, thị trường. Cách đây vài tháng, các bộ trưởng của Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đã có cuộc thảo luận về vấn đề này và các khả năng hợp tác còn đang ở phía trước. Đây chính là hàm ý lớn hơn sau lời mời tham gia một cuộc diễn tập hải quân. Sự hợp tác song phương sẽ lớn hơn nếu cùng có sự đồng thuận và cùng chung hành động.

Lý do thứ ba cho quyết định của Ấn Độ là việc thiếu tin tưởng vào các thể chế khu vực đang tồn tại trong việc giải quyết các vấn đề an ninh và chiến lược. Ấn Độ cùng 3 thành viên còn lại trong Bộ tứ kim cương cho rằng các thể chế này là không đủ. Họ cần hợp tác trong các liên kết khu vực mới, tập trung giải quyết vào một hay một vài vấn đề nào đó sát sườn hơn.

Một điều thú vị ở đây là 3 trong 4 quốc gia tham gia cuộc tập trận năm nay đang được coi là những cường quốc tầm trung. Sự tập hợp của các nước này cho thấy mong muốn tạo ra một trật tự đa cực mới về lâu dài, nơi họ có vai trò và tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.

Toan tính của Australia

Về phía Australia, đây sẽ là lần đầu tiên nước này quay trở lại cuộc tập trận Malabar kể từ lần tham gia năm 2007 và bị Trung Quốc chỉ trích dữ dội.

Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang ở một giai đoạn khác hẳn so với thời kỳ 2007-2008. Nếu như khi đó, quan hệ với Trung Quốc được đánh giá là ưu tiên hàng đầu giúp Australia phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì hiện nay, mối quan hệ này được đánh giá là đang ở giai đoạn thấp nhất kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Vì lý do này, Australia không còn quá lo ngại bị Trung Quốc chỉ trích khi tham gia cuộc tập trận Malabar như năm 2007.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Australia không còn coi trọng Trung Quốc. Thực tế Trung Quốc vẫn là một trong những đối tác quan trọng nhất của Australia, song trong mối quan hệ này Australia không còn đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu. Do bối cảnh khu vực và tình hình thế giới có nhiều thay đổi nên hiện nay, vấn đề đảm bảo an ninh, và mục tiêu dài hạn mang tính chiến lược đang được Australia ưu tiên hơn. Sự thay đổi về mục tiêu khiến cho Australia điều chỉnh cách tiếp cận với các nước, trong đó có quan hệ với Trung Quốc.

Nếu trước kia, Australia cố gắng để tạo bầu không khí hữu hảo, tránh làm gia tăng các bất đồng để tạo nền tảng cho quan hệ kinh tế phát triển thì nay, cho dù biết Trung Quốc không hài lòng song Australia vẫn không ngại ngần đề cập quan điểm khác biệt, thậm chí là mâu thuẫn trực diện với Trung Quốc.

Trước đây, Australia từng tránh nhắc tên Trung Quốc trong các vấn đề nhạy cảm thì giờ đây nước này cũng đã nêu đích danh Trung Quốc như cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào công việc nội bộ, phản đối các hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông hay gần đây là đề nghị điều tra sự bùng phát dịch Covid-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Australia hy vọng, sự tiếp cận thẳng thắn sẽ khiến cho Trung Quốc thấy rằng hoạt động sai trái, đi ngược lại với các quy định của luật pháp quốc tế sẽ bị cộng đồng quốc tế phản đối và Trung Quốc cần phải dừng ngay các hoạt động này.

Liên minh không chính thức?

Hợp tác quốc phòng an ninh mới chỉ là mở đầu của một ‘cuộc chơi mới’ trong không gian Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. 4 cường quốc khu vực đang muốn tạo ra một vành đai mới nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và những kế hoạch của Bắc Kinh trong khu vực. Các nước Bộ tứ cũng tăng cường hợp tác về kinh tế như phân bổ lại chuỗi cung ứng toàn cầu, các nguồn cung hàng hóa và vật liệu thiết yếu để làm giảm vai trò của Trung Quốc. Có thể ví điều này như một bàn cờ chiến lược với những bước đi tuần tự.

Với Ấn Độ, mở rộng quan hệ quốc phòng với các cường quốc khu vực khác mang tới cho quốc gia Nam Á này nhiều lựa chọn về mặt chiến lược. Cuộc tập trận Malabar với 3 thành viên của nhóm Bộ Tứ vào tháng sau chắc chắn là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải cân nhắc các hành động của mình, đặc biệt là những diễn biến trên các vùng biển khu vực thời gian gần đây.

Thứ hai, không loại trừ khả năng, tập trận Malabar sẽ trở thành hoạt động thường niên của nhóm Bộ tứ. Đây là chỉ dấu cho thấy Ấn Độ cùng các nước còn lại đang muốn ngăn chặn các ý đồ của Trung Quốc tại vùng biển Ấn Độ Dương, Biển Đông và biển Hoa Đông về lâu dài. Điều này sẽ khiến không gian an ninh chiến lược của Trung Quốc, đặc biệt là về vận tải biển không còn được như những tính toán của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, cũng cần phải có thêm thời gian để kiểm chứng hiệu quả và tính thực chất của nhóm Bộ tứ này, đầu tiên là hợp tác về quốc phòng, an ninh trên biển; tiếp đến là các nỗ lực thoát Trung, tái phân bổ lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi đây mới chỉ là những tính toán, thành công hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị lâu dài cùng các biện pháp thực thi.

Bước chuyển chiến lược của Bộ tứ kim cương?

Tập trận Malabar 2020 là năm đầu tiên bao gồm đầy đủ 4 thành viên của Bộ tứ kim cương kể từ khi nhóm này được thành lập vào tháng 11/2017.

Mặc dù cuộc tập trận này không phải là sáng kiến do Bộ tứ kim cương đưa ra, song vào thời điểm hiện nay nó trở thành một trong những hoạt động hợp tác cụ thể công khai đầu tiên của Bộ tứ. Nó là minh chứng cho thấy sự tin tưởng và mức độ hợp tác của các thành viên Bộ tứ đang ngày càng được củng cố và tăng cường.

Cuộc tập trận này cũng chứng tỏ Bộ tứ không loại trừ việc hợp tác quốc phòng, trong đó có cả hoạt động tác chiến trên biển để sẵn sàng đối phó với những tình huống nảy sinh.

Việc cả 4 thành viên Bộ tứ kim cương cùng tham gia tập trận Malabar cho thấy, các thành viên đều sẵn sàng hợp tác trong các vấn đề an ninh nhằm tăng cường sức mạnh tập trung để đảm bảo cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình và ổn định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Các nước “Tứ giác kim cương” tập trận, gửi thông điệp tới Trung Quốc
Các nước “Tứ giác kim cương” tập trận, gửi thông điệp tới Trung Quốc

VOV.VN - Các tàu sân bay Mỹ chia làm 2 hướng tập trận trên vùng biển Philippine và Ấn Độ Dương, một động thái được cho là nhằm “gây chú ý” với Trung Quốc.

Các nước “Tứ giác kim cương” tập trận, gửi thông điệp tới Trung Quốc

Các nước “Tứ giác kim cương” tập trận, gửi thông điệp tới Trung Quốc

VOV.VN - Các tàu sân bay Mỹ chia làm 2 hướng tập trận trên vùng biển Philippine và Ấn Độ Dương, một động thái được cho là nhằm “gây chú ý” với Trung Quốc.

Australia sẽ tham gia tập trận hải quân cùng đối tác Nhóm Bộ tứ
Australia sẽ tham gia tập trận hải quân cùng đối tác Nhóm Bộ tứ

VOV.VN - Bộ Quốc phòng Australia vừa xác nhận hải quân nước này sẽ tham gia cuộc tập trận Malabar với hải quân các nước thuộc nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia ở Ấn Độ Dương vào tháng tới.

Australia sẽ tham gia tập trận hải quân cùng đối tác Nhóm Bộ tứ

Australia sẽ tham gia tập trận hải quân cùng đối tác Nhóm Bộ tứ

VOV.VN - Bộ Quốc phòng Australia vừa xác nhận hải quân nước này sẽ tham gia cuộc tập trận Malabar với hải quân các nước thuộc nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia ở Ấn Độ Dương vào tháng tới.

Ấn Độ sẽ chủ trì Hội nghị Quad giữa căng thẳng với Trung Quốc
Ấn Độ sẽ chủ trì Hội nghị Quad giữa căng thẳng với Trung Quốc

VOV.VN - Ấn Độ xác nhận tổ chức cuộc họp Nhóm bộ Tứ (Quad) gồm 4 nước: Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung và Ấn – Trung leo thang.

Ấn Độ sẽ chủ trì Hội nghị Quad giữa căng thẳng với Trung Quốc

Ấn Độ sẽ chủ trì Hội nghị Quad giữa căng thẳng với Trung Quốc

VOV.VN - Ấn Độ xác nhận tổ chức cuộc họp Nhóm bộ Tứ (Quad) gồm 4 nước: Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung và Ấn – Trung leo thang.