Tên lửa từ Gaza có thể xuyên thủng rào chắn của hệ thống Vòm Sắt?

VOV.VN - Nhiều quan chức và các công ty quốc phòng của Israel cho biết, hệ thống Vòm Sắt đã ngăn chặn hàng nghìn tên lửa và đạn pháo tấn công vào các mục tiêu tại Israel, với tỷ lệ thành công lên đến hơn 90%.

Trong bối cảnh bạo lực gia tăng do các cuộc đụng độ tại Jerusalem, âm thanh quen thuộc lại vang lên tại miền Nam Israel: tiếng còi báo động tên lửa và tiếng nổ phát ra do các vụ đánh chặn từ hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome).  

Mặc dù từ trước đến nay, hầu hết tên lửa của Palestine đều bị vô hiệu hóa bởi hệ thống Vòm Sắt và các cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza diễn ra thường xuyên, nhưng vòng xung đột mới đang leo thang một cách bất thường, khiến Liên Hợp Quốc phải cảnh báo nguy cơ về một “cuộc chiến tranh toàn diện”. Đã có ít nhất 38 người, trong đó có 12 trẻ em thiệt mạng trong các cuộc không kích đáp trả lẫn nhau giữa hai bên những ngày qua.

Sức mạnh của hệ thống Vòm Sắt

Hệ thống phòng không Vòm Sắt do Công ty công nghệ quốc phòng nhà nước Israel Rafael Advanced Defense Systems phối hợp với Công ty hàng không vũ trụ Israel Aerospace Industries phát triển. Dự án được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Mỹ.

Hệ thống Vòm sắt được phát triển trong 3 năm với chi phí 200 triệu USD, đưa vào hoạt động từ năm 2011. Nó được thiết kế để đánh chặn các loại đạn pháo và tên lửa tầm ngắn, trong đó có các tên lửa được bắn từ Dải Gaza. Ngoài Vòm Sắt, Israel còn có 2 hệ thống phòng không khác là David’s Sling và Arrow chống lại các cuộc tấn công tầm trung và tầm xa.

Iron Dome được tích hợp hệ thống radar và phân tích dữ liệu để xác định liệu tên lửa đang bay tới có phải là mối đe dọa hay không. Nó sẽ bắn tên lửa đánh chặn nếu nhận thấy tên lửa đang bay tới có nguy cơ đâm vào các khu vực dân cư hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng.  

Tên lửa đánh chặn được bắn theo phương thẳng đứng từ các bệ phóng di động hoặc từ bệ phóng cố định. Nó sẽ lao vào tên lửa đang bay tới trong không trung, tạo ra tiếng nổ vang trời và kích hoạt tiếng còi cảnh báo, giống như những gì diễn ra trong các cuộc xung đột Israel và Palestine những ngày qua.

Phát biểu với tờ Israel Hayom, các quan chức quốc phòng Israel cho biết, phần cứng của Vòm Sắt vẫn được giữ nguyên kể từ lần đầu triển khai, nhưng phần mềm đã được cập nhật để giúp hệ thống hoạt động tốt hơn trong nhiều năm qua. Ông Moshe Patel, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Israel khẳng định: “Vòm Sắt có khả năng chống lại tên lửa hành trình, máy bay không người lái cùng nhiều vũ khí khác. Ngoài ra nó còn giúp đối phó với những mối đe dọa tiềm ẩn có thể xuất hiện trong thời gian tới”.

Ngăn chặn 90% các vụ tấn công

Nhiều quan chức và các công ty quốc phòng của Israel cho biết, hệ thống này đã ngăn chặn hàng nghìn tên lửa và đạn pháo tấn công vào các mục tiêu tại Israel, với tỷ lệ thành công lên đến hơn 90%.

Tuy vậy, một số nhà phân tích quốc phòng tỏ ra hoài nghi về tuyên bố này, cho rằng, số liệu của Israel về các vụ đánh chặn thành công có thể chưa chính xác, hơn nữa, phong trào Hồi giáo Hamas và các nhóm vũ trang khác nhiều khả năng đã nắm được cách thức đối phó với hệ thống Vòm Sắt.

“Không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào là hoàn toàn đáng tin cậy, đặc biệt khi chúng liên tiếp phải chống lại các mối đe dọa mới nổi”, Michael Armstrong, phó giáo sư tại Đại học Brock nhận định.

Quân đội Israel ngày 11/5 một lần nữa khẳng định, 90% số tên lửa bay vào không phận nước này đều bị hệ thống Vòm Sắt phá hủy hoàn toàn và trong số đó, có khoảng 500 tên lửa được phóng từ Dải Gaza.

Hệ thống Vòm Sắt đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân Israel, cho phép cuộc sống diễn ra bình thường ở các khu vực phía Nam nước này – nơi thường xuyên chịu sự đe dọa của các cuộc tấn công bằng tên lửa. Những người ủng hộ hệ thống này cho biết, họ đã ngừng yêu cầu chính phủ Israel điều quân đến Dải Gaza khi các cuộc đụng độ diễn ra, như những gì nước này từng làm vào các năm 2008 và 2009.

Hệ thống có chi phí vận hành thấp do chỉ chống lại các mối đe dọa đối với tính mạng con người hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng, vì thế không cần quá nhiều tên lửa đánh chặn. Tính hiệu quả và giá thành phải chăng khiến nó thu hút sự quan tâm của nhiều chính phủ nước ngoài. Mỹ đã mua hai hệ thống Vòm Sắt của Israel.

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, chính phủ Israel quá phụ thuộc vào hệ thống Vòm Sắt và không bố trí đủ nguồn lực cho các hệ thống phòng thủ khác, trong đó có việc xây dựng và nâng cấp các hầm trú ẩn.

Mối đe dọa của tên lửa từ Gaza

Mặc dù Israel đã sử dụng hệ thống Vòm Sắt trong 1 thập kỷ, các vụ tấn công bằng tên lửa từ Dải Gaza vào nước này vẫn diễn ra liên tục khi căng thẳng giữa Israel với các nhóm vũ trang tại Palestine leo thang. Bất chấp những đánh giá tích cực về hiệu quả đánh chặn của Vòm Sắt, nhiều tên lửa vẫn có thể rơi xuống các khu vực đông dân cư.

Các chuyên gia theo dõi kho vũ khí của phong trào Hamas và nhóm vũ trang Jihad cho rằng, hai nhóm vũ trang này có thể sở hữu hàng chục nghìn tên lửa.

Những tên lửa tầm ngắn cũng là một mối đe dọa vì hệ thống Vòm Sắt khó phát huy hiệu quả đánh chặn trong phạm vi 4km hoặc thấp hơn. Michael Herzog, một cựu thành viên tình báo của Lực lượng Quốc phòng Israel tiết lộ.  

Mặc dù những tên lửa này còn thô sơ và thiếu hệ thống dẫn đường song số lượng vượt trội cùng chi phí thấp đã mang lại lợi thế cho chúng khi đối phó với Vòm Sắt. Trong khi một quả tên lửa thông thường có giá khoảng vài trăm USD thì một tên lửa đánh chặn có giá khoảng 80.000 USD./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đường ống dầu khí Israel bốc cháy do trúng rocket Hamas phóng từ Gaza sang
Đường ống dầu khí Israel bốc cháy do trúng rocket Hamas phóng từ Gaza sang

VOV.VN - Căng thẳng gia tăng giữa Israel và phái Hồi giáo Hamas của Palestine vào đầu tháng 5/2021. Từ thành phố Gaza, Hamas đã phóng hàng loạt rocket vào Israel, đánh trúng đường ống dầu khí gây ra cháy lớn.

Đường ống dầu khí Israel bốc cháy do trúng rocket Hamas phóng từ Gaza sang

Đường ống dầu khí Israel bốc cháy do trúng rocket Hamas phóng từ Gaza sang

VOV.VN - Căng thẳng gia tăng giữa Israel và phái Hồi giáo Hamas của Palestine vào đầu tháng 5/2021. Từ thành phố Gaza, Hamas đã phóng hàng loạt rocket vào Israel, đánh trúng đường ống dầu khí gây ra cháy lớn.

Israel và Hamas đụng độ ác liệt, LHQ cảnh báo nguy cơ chiến tranh toàn diện
Israel và Hamas đụng độ ác liệt, LHQ cảnh báo nguy cơ chiến tranh toàn diện

VOV.VN - Các vụ không kích đáp trả lẫn nhau dữ dội nhất trong nhiều năm qua giữa Israel và phong trào Hamas đã khiến 35 người Palestine và 3 người Israel thiệt mạng.

Israel và Hamas đụng độ ác liệt, LHQ cảnh báo nguy cơ chiến tranh toàn diện

Israel và Hamas đụng độ ác liệt, LHQ cảnh báo nguy cơ chiến tranh toàn diện

VOV.VN - Các vụ không kích đáp trả lẫn nhau dữ dội nhất trong nhiều năm qua giữa Israel và phong trào Hamas đã khiến 35 người Palestine và 3 người Israel thiệt mạng.

Israel-Palestine: Khi những mâu thuẫn trong quá khứ chưa được giải quyết
Israel-Palestine: Khi những mâu thuẫn trong quá khứ chưa được giải quyết

VOV.VN - Tình trạng bạo lực liên tục tiếp diễn trong nhiều tuần qua, đẩy khủng hoảng trong quan hệ giữa Israel và Palestine tăng cao.

Israel-Palestine: Khi những mâu thuẫn trong quá khứ chưa được giải quyết

Israel-Palestine: Khi những mâu thuẫn trong quá khứ chưa được giải quyết

VOV.VN - Tình trạng bạo lực liên tục tiếp diễn trong nhiều tuần qua, đẩy khủng hoảng trong quan hệ giữa Israel và Palestine tăng cao.