Thiết bị là khắc tinh của UAV cảm tử, tạo vòm bảo vệ vô hình cho xe tăng
VOV.VN - Xung đột ở Ukraine thúc đẩy cuộc chạy đua UAV khi cả hai bên đều tăng cường phát triển phương tiện này để phục vụ các nhiệm vụ khác nhau. Để đối phó với chúng, các thiết bị gây nhiễu đã ra đời, tạo nên một vòm bảo vệ vô hình cho xe tăng, làm nhiễu tín hiệu của bất kỳ UAV cảm tử nào định tấn công nó.
Một trong những loại UAV nguy hiểm nhất trên chiến trường Ukraine là UAV cảm tử. Ngồi tại trạm chỉ huy, phi công dựa vào camera của UAV để xác định mục tiêu. Sau đó, phi công sẽ ra lệnh cho UAV tấn công mục tiêu và kích nổ thiết bị.
Các UAV Lancet đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho các lực lượng của Ukraine khi có thể tìm kiếm xe tăng và các hệ thống pháo ở khu vực địa hình mở. Giữa bối cảnh đó, một trang blog quốc phòng của Ukraine có tên là Militarnyi, đã giới thiệu hệ thống gây nhiễu mới của Kiev. Đó là một thiết bị radio không dây vận hành ở tần số 900-Mhz với công suất 50 watt. Khi một UAV lao xuống từ bầu trời để thực hiện nhiệm vụ, hệ thống gây nhiễu sẽ cản trở tín hiệu, khiến cho người điều khiến UAV mất kiểm soát và bỏ lỡ mục tiêu.
Các UAV Lancet có thể mang lượng chất nổ đủ khả năng xuyên qua lớp giáp dày 200mm, tức là chúng có thể xuyên thủng lớp giáp mái mỏng của nhiều xe tăng và thậm chí cả tháp pháo. Hầu hết xe tăng của Ukraine đều có lớp giáp phản ứng trên mái nhưng các hệ thống pháo của Kiev thì không có sự bảo vệ đó. Vì thế, một số video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy UAV Lancet tấn công vào pháo dã chiến của Ukraine.
Các thiết bị gây nhiễu được đặt trên mái của tháp pháo, nằm sau cửa sập của chỉ huy xe tăng trên vị trí cao nhất. Các thiết bị điện tử nằm trong một cái hộp chống nước, sau đó được đặt trong một hộp kim loại kín để bảo vệ nó trước hỏa lực của đối phương. Ăng ten gắn bên ngoài hộp sẽ truyền các tín hiệu gây nhiễu.
Militarnyi cho biết hiện chưa rõ liệu thiết bị gây nhiễu này dùng pin hay được nối điện với xe tăng.
Tần số 900-Mhz của thiết bị gây nhiễu là băng tần phổ biến với các UAV tầm xa dân sự và có cùng bước sóng với UAV Lancet. Quân đội Nga cũng được biết tới đang sử dụng các UAV dân sự với vai trò là những hệ thống trinh sát và mua chúng với số lượng lớn trên thị trường toàn cầu.
Tần số 900-Mhz là tần số giao tiếp bằng giọng nói thông thường, vì thế bất kỳ phương tiện nào phát sóng đều phải sử dụng tần số khác hoặc phải chấp nhận bị cắt liên lạc với các đơn vị khác. Điều này có thể dẫn đến mất đi sự phối hợp giữa các phương tiện gắn các hệ thống gây nhiễu.
Một vấn đề khác là bản thân các hệ thống gây nhiều sử dụng tín hiệu radio 50 watt sẽ thông báo sự hiện diện của xe tăng tới bất kỳ hệ thống nào có khả năng nghe được. Nếu đối phương có thể phát hiện và xác định vị trí của thiết bị gây nhiễu, họ gần như có thể đếm số xe tăng và biết vị trí của chúng.
Bất chấp những bất lợi trên, việc sử dụng thiết bị gây nhiễu vẫn tốt hơn việc bị phát nổ bởi một UAV cảm tử từ trên cao. Tuy nhiên, khi các UAV điều khiển bằng sóng radio đến, các chỉ huy quân sự phải biết được khi nào phát và ngừng phát tín hiệu điện từ.
Các thiết bị gây nhiễu có thể là "phao cứu sinh" nhằm đối phó với UAV của đối phương nhưng chúng cũng có thể tước đi những khả năng quan trọng khác của các đơn vị.
Các UAV đang phát triển mạnh, hiện diện ở từng ngõ ngách chiến trường. Các lực lượng quân sự trên không, trên mặt đất và trên biển đều phải học cách đối phó với chúng. Đây là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn trong tình hình xung đột hiện nay. Đối với Ukraine, các lực lượng của nước này sẽ phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp đối phó hoặc sẽ thất bại trên chiến trường.