Thông điệp Ấn Độ gửi Trung Quốc sau khi thử ICBM có “độ chính xác rất cao”
VOV.VN - Ấn Độ đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong nỗ lực thể hiện những bước tiến mới đối với việc răn đe hạt nhân Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo Agni-5 có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 5.000 km với "độ chính xác rất cao", thông báo ngày 27/10 của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay. Vụ phóng thử đã được tiến hành ở bãi thử tên lửa của Ấn Độ trên đảo APJ Abdul Kalam.
Tên lửa này - một hệ thống nhiên liệu rắn 3 tầng, từng được thử lần cuối vào năm 2018. Mặc dù các ICBM có tầm bắn từ 5.500 km trở nên nhưng các đánh giá độc lập cho biết, tầm bắn tối đa của Agni-5 là 8.000 km với đầu đạn nặng khoảng 1,5 tấn.
Vụ phóng thử ngày 27/10 rất khác với 5 lần thử nghiệm Agni-5 trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên hệ thống này được phóng vào ban đêm.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, việc phóng thử Agni-5 phù hợp với "chính sách răn đe tối thiểu đáng tin cậy", tức là nước này chỉ phát triển vũ khí hạt nhân cần thiết để răn đe các đối thủ.
Việc Ấn Độ theo đuổi các hệ thống tầm xa, chẳng hạn như Agni-5 và sự phát triển của nước này đối với các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm được cho là nhằm vào Trung Quốc, quốc gia đang tăng cường mở rộng kho hạt nhân và phát triển lực lượng tên lửa của mình.
Một số hãng truyền thông Ấn Độ dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết, vụ phóng thử này nhằm phô trương khả năng quân sự của Ấn Độ với Trung Quốc giữa bối cảnh căng thăng biên giới giữa hai nước tiếp tục leo thang.
Mặc dù thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc nhưng người phát ngôn của cơ quan này nhận định, Agni-5 có khả năng "vô hiệu hóa các mục tiêu đe dọa đến Chủ quyền và sự Toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ".
Trung Quốc không phản ứng trực tiếp trước vụ phóng thử của Ấn Độ song khi New Delhi thông báo kế hoạch thử Agni-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, Nghị quyết 1172 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã "có những quy định rõ ràng" liên quan đến việc phát triển các tên lửa đạn đạo của Ấn Độ và Bắc Kinh hy vọng tất cả các bên sẽ có những nỗ lực mang tính xây dựng để duy trì hòa bình, an ninh và sự ổn định ở Nam Á.
Nghị quyết 1172 được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua năm 1998 sau khi Ấn Độ và Pakistan tiến hành các cuộc thử hạt nhân. Nghị quyết này bao gồm những tuyên bố không ràng buộc kêu gọi hai nước "dừng phát triển các tên lửa đạn đạo có khả năng mang vũ khí hạt nhân"./.