Tiết lộ về trực thăng tác chiến điện tử của Nga chuyên “chọc mù” radar đối phương
VOV.VN - Một mẫu trực thăng quân sự ít được biết tới của Nga có thể đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đó là Mi-8MTPR-1 Rychag – trực thăng đang tiến hành tác chiến điện tử nhằm đối phó với các hệ thống phòng không của Ukraine.
Việc sử dụng trực thăng tác chiến điện tử Mi-8MTPR-1 trong cuộc xung đột ở Ukraine đã được xác nhận thông qua các hình ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố. Trong một video, một binh lính (có lẽ là phi công) đang đứng cạnh trực thăng này giải thích về hệ thống Rychag được sử dụng để "ngăn chặn các hệ thống phòng không" ở lãnh thổ của đối phương, trong đó bao gồm cả các hệ thống phương Tây và các hệ thống cũ hơn thời Liên Xô, từ đó khiến các máy bay chiến đấu của Nga có thể thâm nhập vào sâu Ukraine.
Trực thăng tác chiến điện tử Mi-8MTPR-1 là một biến thể của trực thăng vận tải chiến đấu Mi-8MTV-5-1 do nhà máy Kazan Helicopters sản xuất.
Trực thăng này có thể ngăn chặn radar kiểm soát hỏa lực của hệ thống tên lửa đất đối không của đối phương bằng cách làm nhiễu chúng. Bằng cách này, nó cung cấp sự bảo vệ cho các máy bay tấn công, trực thăng và UAV khác. Hệ thống này cũng có thể gây nhiễu radar máy bay của đối phương, từ đó cung cấp sự bảo vệ không chỉ cho các phương tiện trên không mà còn cả quân đội trên mặt đất trước các cuộc không kích.
Hệ thống Rychag-AV với bộ gây nhiễu L187A được thiết kế và phát triển bởi Viện Nghiên cứu Kaluga Research Institute of Radio Engineering (KNIRTI) và được lắp đặt trên các trực thăng tác chiến Mi-8MTPR-1.
Bên trong trực thăng Mi-8MTPR-1, khoang hành khách/chở hàng được chia thành 2 phần. Phần cứng cùng với hệ thống Rychag-AV được đặt ở phần phía sau lớn hơn trong khi trạm điều khiển hệ thống được lắp ở phần phía trước nhỏ hơn. 4 ăng ten của hệ thống được đặt ở hai bên thân máy bay. 2 ăng ten trước là thiết bị tiếp nhận tín hiệu nhằm phát hiện radar đối phương đang hoạt động, cũng như các thông tin về loại radar và vị trí của chúng. 2 ăng ten ở phía sau là thiết bị truyền tín hiệu, phát ra bức xạ để làm nhiễu vào các radar bị phát hiện.
Hệ thống Rychag-AV có thể hoạt động hoàn toàn tự động mà không cần người điều khiển với chương trình được lập trình sẵn. Ở chế độ bán tự động, người điều khiển sẽ lựa chọn các phương pháp gây nhiễu còn ở chế độ tự điều chỉnh bằng tay, người vận hành có thể đánh giá tình trạng điện từ nói chung và lựa chọn các mục tiêu để gây nhiễu.
Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga hiện có khoảng 20 trực thăng Mi-8MTPR-1.
Mi-8MTPR-1 là trực thăng tác chiến điện tử mới nhất của Nga và hiện là loại duy nhất đang sản xuất. Nó có lẽ cũng là mô hình duy nhất đang hoạt động trong quân đội Nga. Trước đó, Liên Xô từng phát triển nhiều mẫu trực thăng tác chiến điện tử, hầu hết dựa trên khung máy bay Mi-8.
Mi-8MTPR-1 cung cấp cho quân đội Nga vào đầu năm 2021 được trang bị phiên bản Rychag-AV tiêu chuẩn. Ngoài hiện đại hóa hệ thống Rychag, Nga được cho là đang nghiên cứu phát triển hệ thống tác chiến điện tử trên trực thăng mới gọi là Bosfor-2 (Bosporus). Mô hình của hệ thống này từng được ra mắt song không được giải thích cụ thể tại Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự Quốc tế Arrmy vào tháng 8/2018.
Dù vậy, một số nhà quan sát quân sự cho rằng nếu hệ thống Rychag cung cấp sự bảo vệ cho các máy bay chiến đấu khác và có thể là cả quân đội trên mặt đất thì điều này cũng chỉ được thực hiện ở mức độ hạn chế.
Mặc khác, các trực thăng và máy bay chiến thuật của Nga và Ukraine chỉ hoạt động ở cường độ thấp để tránh bị phá hủy bởi các hệ thống phòng không tầm xa và tầm trung.
Ngoài ra, trước những mối đe dọa như các hệ thống phòng không tầm ngắn, trong đó có các tên lửa vác vai và pháo phòng không tự hành, vốn dựa vào dẫn đường hồng ngoại và bán tự động, Mi-8MTPR-1 không có giá trị trực tiếp. Thách thức mà trực thăng Mi-8MTPR-1 đối mặt được cho là sẽ lớn hơn khi Ukraine nhận được các hệ thống phòng không hiện đại từ phương Tây.
Cho đến nay, Rychag chỉ đối phó với các hệ thống thời Liên Xô. Vì thế, việc trực thăng này có phát huy hiệu quả tốt hơn trong tương lai, hoặc thậm chí có thể chống lại các hệ thống tiên tiến của phương Tây hay không vẫn là một câu hỏi./.