Tự hào những người lính tàu hộ vệ tên lửa đầu tiên của Việt Nam

VOV.VN - 10 năm với nhiều khó khăn, thử thách, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ (CBCS) tàu mang tên vị vua Đinh Tiên Hoàng tự hào khẳng định khả năng chính quy, tinh nhuệ của chiến hạm đầu tiên, hiện đại nhất Quân chủng Hải quân.

Trước yêu cầu phát triển lực lượng, xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, ngày 5/3/2011, tàu 011-Đinh Tiên Hoàng chính thức được thành lập, trực thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân. 10 năm với nhiều khó khăn, thử thách, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ (CBCS) tàu mang tên vị vua Đinh Tiên Hoàng tự hào khẳng định khả năng chính quy, tinh nhuệ của chiến hạm đầu tiên, hiện đại nhất Quân chủng Hải quân.

Nhắc lại quá trình tiếp nhận, làm chủ con tàu hiện đại, Trung tá Phạm Anh Tuấn, lúc đó là Phó thuyền trưởng tàu 011 (hiện đang là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162) vẫn không khỏi xúc động xen lẫn tự hào là những người đóng góp công sức trong việc đặt nền móng làm chủ con tàu hộ vệ tên lửa hiện đại đầu tiên của Hải quân Việt Nam. Không chỉ riêng anh, bất cứ ai khi được biên chế về khung tàu lúc đó đều thấy được niềm vinh dự, trách nhiệm. “Sức trẻ, thể lực và giỏi” là ba yếu tố chính để Lữ đoàn 162 lựa chọn nhân lực cho kíp tàu. Chỉ riêng ba yếu tố ấy khiến bất cứ người sĩ quan nào được phục vụ trên chiến hạm Đinh Tiên Hoàng cũng luôn tự hào và ra sức rèn luyện, phấn đấu. Tất cả đều trẻ, giỏi, nhiệt huyết. Họ được tuyển chọn từ nhiều vùng Hải quân, có kinh nghiệm làm việc trên nhiều loại tàu. Còn những gương mặt mới, đảm nhiệm các vị trí trên tàu đều là những học viên giỏi của Học viện Hải quân và Học viện Kỹ thuật quân sự.

Với Trung tá Phạm Anh Tuấn, trước khi giữ vị trí Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162, anh đã kinh qua nhiều loại tàu khác nhau như tàu chiến, tàu săn ngầm... Là một trong những người đầu tiên sang Nga học và tiếp nhận tàu Đinh Tiên Hoàng từ khi chiến hạm này còn nằm ở biển Baltic (Nga), anh Tuấn vẫn không quên được những xúc cảm choáng ngợp, tự hào khi lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy chiến hạm.

Còn với Trung tá Mai Văn Doanh, hiện là Phó Chính ủy Lữ đoàn 162 dẫu đã kinh qua nhiều con tàu khác nhưng anh vẫn không thể quên được cảm xúc khi lần đầu tiên đặt chân lên chiến hạm, nhận nhiệm vụ trên cương vị là Chính trị viên tàu. Buổi sáng thứ hai đầu tuần, tại vị trí bãi đáp của trực thăng săn ngầm Ka-28, quốc kỳ đỏ thắm tung bay kiêu hãnh giữa trời xanh ngắt trên Quân cảng Cam Ranh, toàn bộ chỉ huy, sĩ quan, chiến sĩ trên chiến hạm nghiêm trang, xếp thành hai khối, hướng về cờ Tổ quốc. Lời quốc ca vang lên của những gương mặt sĩ quan trẻ, rắn rỏi.

Xác đinh rõ trọng trách được giao nên ngay từ khi thành lập khung tàu huấn luyện trong nước tại Học viện Hải quân, tiếp đó tham gia khóa đào tạo tại Liên Bang Nga đến khi tiếp nhận tàu và tổ chức huấn luyện, khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại là một quá trình đầy nỗ lực của những cán bộ chiến sĩ. Bởi đó là lần đầu tiên Việt Nam sở hữu tàu chiến mặt nước có lượng giãn nước trên 2.000 tấn. Đây là loại tàu chiến có khả năng tàng hình, săn tàu ngầm, chống hạm, chống các loại tàu chiến mặt nước, được trang bị các loại vũ khí tiên tiến nhất của Nga hiện nay.

Trung tá Nguyễn Mạnh Cường, hiện là thuyền trưởng tàu 011-Đinh Tiên Hoàng cho biết: Tàu 011 còn được mệnh danh là “Báo biển” vì có rất nhiều tính năng hiện đại, khác với những con tàu chiến đấu mặt nước khác, trong đó có tổ hợp pháo - tên lửa phòng không đa năng Palma, tổ hợp tên lửa Ural và trực thăng săn ngầm Ka-28. “Một trong những nét đặc biệt của chiến hạm là hệ thống xử lý thông tin chiến đấu gồm những trang thiết bị hiện đại so với nhiều tàu chiến trên thế giới và hệ thống vũ khí thông minh tự tìm mục tiêu. Hệ thống vũ khí của tàu tinh khôn hơn. Con người không phải trực tiếp bóp cò mà tác chiến chỉ bằng một cái click chuột trên hệ thống tác chiến điện tử”. Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

Để làm chủ “Báo biển” dũng mãnh trong đội hình tàu mặt nước chiến đấu Lữ đoàn 162, các thế hệ cán bộ chiến sĩ đầu tiên của con tàu đã phải nỗ lực ngày đêm, không biêt mệt mỏi, từ việc học tiếng Anh, tiếng Nga, tự nghiên cứu tài liệu dịch sang tiếng Việt để làm tài liệu huấn luyện đến việc nắm vững tính năng, kỹ thuật của tàu, nhanh chóng làm chủ trang bị, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm an toàn tuyệt đối, đảm bảo góp phần tăng cường sức mạnh chiến đấu của Quân chủng Hải quân trong nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo Trung tá Phạm Anh Tuấn, phó Thuyền trưởng quân sự tàu 011, so với các tàu mặt nước khác thì tàu hộ vệ tên lửa có nhiều vũ khi trang thiết bị mới, sử dụng kỹ thuật số và công nghệ thông tin, bên cạnh đó, tài liệu chủ yếu là tiếng Nga nên các CBCS trên tàu đã phải nỗ lực rất nhiều. Song song đó là công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của tàu được tiến hành thường xuyên. Vì vậy, từng ngành, từng tiểu đội, từng vị trí chiến đấu trên tàu luôn phải tập trung, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

Tự hào khi được thực hiện nhiệm vụ trên con tàu hiện đại đầu tiên có trong đội hình tàu mặt nước chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam, Trung uý Nguyễn Văn Nhân, trưởng ngành Hàng hải tàu 011 bày tỏ: Vinh dự bao nhiêu thì áp lực lại càng lớn bấy nhiêu đối với tất cả sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trên chiến hạm. Cường độ làm việc của anh em trên tàu rất cao. Công việc hàng ngày thường bắt đầu từ 5g sáng đến 21g30 mới kết thúc. Nếu không tự học, đọc, không nghiên cứu kỹ thì không nắm hết được trang thiết bị, tính năng, không chủ động và không tự tin khi thao tác. Càng học càng nghiên cứu thì càng gắn bó với con tàu. Thời gian dành cho tàu và anh em đồng đội còn nhiều hơn gia đình. Song vợ con mình rất tự hào khi có chồng, có cha công tác trên tàu hộ vệ tên lửa hiện đại này.

Trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệm vụ của tàu 011 – Đinh Tiên Hoàng ngày càng nặng nề, đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho mỗi cán bộ, chiến sĩ. Trung tá Nguyễn Văn Đức, Chính trị viên tàu cho biết, mỗi CBCS tàu luôn xác định rõ nhiệm vụ, luôn đồng thời tập trung nâng cao bản lĩnh chính trị và chất lượng huấn luyện để vừa giỏi tác chiến, vừa có bản lĩnh vững vàng; lấy thao trường trên biển làm chiến trường huấn luyện; lấy nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng biển được phân công quản lý, hướng trọng điểm làm mục tiêu huấn luyện. Bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, thực hiện tốt di huấn của Bác “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Tự hào về những người lính trên chiến hạm “Báo biển” đầu tiên của Hải quân Việt Nam, biên chế về Lữ đoàn 162,  Thiếu tá Bùi Xuân Bình, Chính ủy Lữ đoàn  khẳng định, 10 năm qua, các thế hệ CBCS, quân nhân chuyên nghiệp của tàu 011 đã nỗ lực để có được kiến thức chuyên môn tốt, sẵn sàng thay thế vị trí chiến đấu cho nhau, cùng với đó là có sức khỏe tốt và khẳng định bản lĩnh chính trị vững vàng. Đó là hành trang quý giá để CBCS tự tin điều khiển con tàu vượt mọi sóng gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc, cũng như hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng.

Việc làm chủ hoàn toàn vũ khí trang bị kỹ thuật mới có trong biên chế được khẳng định trong những chuyến đi biển huấn luyện đường dài, diễn tập, thực hành bắn đạn thật các bài bắn trong năm, đối ngoại quốc phòng... Điển hình, tàu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thăm, tuần tra liên hợp với Hải quân các nước trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á- Thái Bình dương, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen năm 2014; nhiều năm đạt đơn vị Quyết thắng cấp Quân chủng, Vùng và Lữ đoàn.

Chặng đường 10 năm kể từ khi tiếp nhận chiến hạm 011 – Đinh Tiên Hoàng về Quân cảng Cam Ranh, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ luôn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ-người chiến sỹ Hải quân, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, xứng đáng là “Báo biển” dũng mãnh trong đội hình tàu mặt nước chiến đấu Lữ đoàn 162. Đại tá Nguyễn Thiên Quân, Phó Tư lệnh, tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân nhấn mạnh: Quan trọng nhất là những con người trên con tàu ấy có khả năng làm chủ, khai thác, sử dụng vũ khí khí tài được trang bị cùng với việc vận dụng chiến thuật và phương thức nghệ thuật quân sự Việt Nam trên biển để tạo nên sức mạnh và phát huy tối đa những ưu điểm nổi trội của chiến hạm này.

Cùng với những lực lượng khác của Lữ đoàn 162, khẳng định rằng, chiến hạm 011 Đinh Tiên Hoàng là một trong những lực lượng tiền thân đóng góp thành công vào công tác đào tạo nhân lực, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cho những hạm đội khác được lần lượt biên chế vào đội hình tàu chiến mặt nước của “Lữ đoàn thép” 162, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thềm lục địa của Tổ quốc và đã có những đóng góp to lớn cho việc giữ gìn, đảm bảo hòa bình vùng biển Việt Nam, khu vực và thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tết sớm của lính tàu ngầm
Tết sớm của lính tàu ngầm

VOV.VN - Hòa chung không khí tưng bừng cùng đất nước đang vào Xuân, những thủy thủ tàu ngầm Lữ đoàn 189 Hải quân cũng đang rộn ràng chào đón một năm mới với nhiều kỳ vọng.

Tết sớm của lính tàu ngầm

Tết sớm của lính tàu ngầm

VOV.VN - Hòa chung không khí tưng bừng cùng đất nước đang vào Xuân, những thủy thủ tàu ngầm Lữ đoàn 189 Hải quân cũng đang rộn ràng chào đón một năm mới với nhiều kỳ vọng.

Lữ đoàn tàu ngầm 189: Hướng về Đảng với niềm tin và quyết tâm cao nhất
Lữ đoàn tàu ngầm 189: Hướng về Đảng với niềm tin và quyết tâm cao nhất

VOV.VN - Mỗi người lính tàu ngầm luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

Lữ đoàn tàu ngầm 189: Hướng về Đảng với niềm tin và quyết tâm cao nhất

Lữ đoàn tàu ngầm 189: Hướng về Đảng với niềm tin và quyết tâm cao nhất

VOV.VN - Mỗi người lính tàu ngầm luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

Phản ứng của Việt Nam về thông tin tàu ngầm Pháp tuần tra ở Biển Đông
Phản ứng của Việt Nam về thông tin tàu ngầm Pháp tuần tra ở Biển Đông

VOV.VN - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng Hoạt động của các quốc gia ở Biển Đông cần đóng góp vào mục tiêu duy trì hoà bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này.

Phản ứng của Việt Nam về thông tin tàu ngầm Pháp tuần tra ở Biển Đông

Phản ứng của Việt Nam về thông tin tàu ngầm Pháp tuần tra ở Biển Đông

VOV.VN - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng Hoạt động của các quốc gia ở Biển Đông cần đóng góp vào mục tiêu duy trì hoà bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này.