Vì sao Mỹ và Đức trì hoãn cung cấp xe tăng hiện đại cho Ukraine?
VOV.VN - Mỹ và Đức vẫn trì hoãn việc cung cấp xe tăng chiến đấu cho Ukraine khi quan chức các nước này dẫn ra những vấn đề về hậu cần, các yêu cầu phòng thủ cũng như mối lo ngại leo thang căng thẳng với Nga.
Lý do Mỹ và Đức trì hoãn cung cấp xe tăng cho Ukraine
Các nước phương Tây đã tiến hành đàm phán ở nhiều cấp độ trong những tuần gần đây về việc cung cấp các xe tăng chiến đấu theo tiêu chuẩn NATO như Abram và Leopard cho Ukraine. Kiev đã kêu gọi phương Tây cung cấp khẩn cấp các phương tiện trên nhưng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra, các nguồn tin thân cận với vấn đề cho hay.
Một Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, việc cung cấp cho Ukraine các xe tăng chiến đấu hiện đại sẽ mất nhiều thời gian để huấn luyện, bảo trì và hỗ trợ. Hiện nay, các quốc gia hỗ trợ cho Ukraine chủ yếu tập trung vào các loại vũ khí mà nước này có thể sử dụng nhanh chóng và hiệu quả.
Theo một quan chức Nhà Trắng, Mỹ do dự cung cấp xe tăng mà nước này sản xuất cho Ukraine do lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ coi đó là hành vi leo thang căng thẳng, trong khi các nước EU cũng chỉ có số lượng hạn chế các loại xe tăng hiện đại. Các quan Đức cũng đưa ra những lo ngại tương tự về việc huấn luyện và bảo trì xe tăng Leopard.
Trọng tâm yêu cầu của Ukraine hiện tập trung vào các biến thể xe tăng cũ, giúp hạn chế những rủi ro bị lộ công nghệ nếu rơi vào tay Nga trong khi việc huấn luyện và sửa chữa đơn giản hơn.
Dù vậy, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ không đơn phương thúc đẩy động thái trên và cũng sẽ không bật đèn xanh cho việc cung cấp xe tăng Leopard nếu không có động thái tương tự từ Mỹ và các nước NATO.
Ông Scholz đã nhiều lần bày tỏ mối lo ngại về nguy cơ cuộc xung đột Nga - Ukraine lan rộng, đặc biệt sau khi Tổng thống Putin ra lệnh huy động 300.000 lính dự bị động viên và cảnh báo sử dụng mọi phương tiện, trong đó bao gồm cả vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ. Thủ tướng Đức cũng nhắc lại lập trường này trong một cuộc trả lời phỏng vấn với New York Times ngày 26/9 rằng, "đây là một cuộc chiến rất nguy hiểm" khi được hỏi tại sao Đức không cung cấp xe tăng chiến đấu cho Ukraine.
Dù vậy, các nhà quan sát phương Tây cho rằng các hành động của Nga lúc nào cũng có thể thay đổi những tính toán trên. Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nhận định, vụ rò rỉ khí đốt trên Biển Baltic là do hành vi phá hoại có chủ đích đối với đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2, chủ yếu do tập đoàn nhà nước Nga Gazprom sở hữu đa số hoặc toàn bộ. Ông Borrell cảnh báo điều này sẽ đối mặt với "phản ứng nhất quán mạnh mẽ".
Ukraine đã kêu gọi các nước phương Tây hỗ trợ cho nước này các vũ khí hiện đại, bên cạnh các trang thiết bị thời Liên Xô. Kiev muốn những hệ thống tên lửa tầm xa, chiến đấu cơ và xe tăng mạnh mẽ hơn theo tiêu chuẩn NATO bởi đây là những vũ khí cần thiết để duy trì lợi thế trong cuộc phản công giành lại lãnh thổ ở phía Đông. Trong cuộc chiến với Nga, Ukraine đã tổn thất nhiều xe tăng, máy bay chiến đấu và các xe tăng thời Liên Xô, những phương tiện có nguồn cung ngày càng khan hiếm trên thế giới.
Cung cấp xe tăng hiện đại hoặc chấp nhận bỏ mặc Ukraine?
Mỹ đang mong muốn Đức hành động nhiều hơn. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào đầu tháng 9 với kênh ZDF của Đức, Đại sứ Mỹ tại Đức Amy Gutmann cho biết bà "hoan nghênh và ngưỡng mộ" sự ủng hộ mà Đức dành cho Ukraine song nhận định "những kỳ vọng của tôi thậm chí còn cao hơn thế".
Yuriy Sak, cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho rằng, các xe tăng hiện đại "có hiệu quả trên chiến trường lớn hơn so với các xe tăng thời Liên Xô khi có tầm bắn và độ chính xác cao hơn cũng như bảo vệ tốt hơn cho các binh lính".
Nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg, ông Sak cho rằng những xe tăng hiện đại sẽ sửa chữa dễ dàng hơn và có sẵn đạn dược hơn so với các xe tăng thời Liên Xô. Quan chức Ukraine cũng dự đoán Kiev cần khoảng 200 xe tăng để chiến đấu hiệu quả trong giai đoạn hiện nay và có thể dần thay thế các phiên bản thời Liên Xô bằng những phiên bản hiện đại hơn.
Sau khi các quan chức châu Âu ngày 27/9 cáo buộc đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 hư hại là do hành vi phá hoại, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine bình luận trên Twitter rằng, "cách phản ứng và sự đầu tư an ninh hiệu quả nhất" là cung cấp xe tăng cho Ukraine, "đặc biệt là các xe tăng của Đức".
Các nước NATO hồi tháng 4 đã bắt đầu cung cấp nhiều vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine cũng như các trang thiết bị theo tiêu chuẩn NATO để thay thế các vũ khí thời Liên Xô đang hao hụt, đồng thời bắt đầu huấn luyện cho quân đội Ukraine sử dụng các vũ khí trên. Dù vậy phương Tây vẫn do dự cung cấp xe tăng chiến đấu và xe chiến đấu bộ binh cho Ukraine.
"Cuộc chiến càng kéo dài, kho xe tăng thời Liên Xô càng hao hụt và sẽ đến lúc chúng ta phải lựa chọn giữa cung cấp các xe tăng hiện tại cho Ukraine hay hy sinh họ vì những lý do ích kỷ. Đây là vấn đề thời gian", Jana Puglierin, người đứng đầu Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) ở Berlin đánh giá. Bà cho rằng, với việc thời gian huấn luyện để các binh lính sử dụng xe tăng mất khoảng 4 tháng, phương Tây cần phải cung cấp xe tăng cho Ukraine ngay từ bây giờ trước khi số xe tăng thời Liên Xô cạn kiệt hoàn toàn.
Các thỏa thuận trao đổi
Một lựa chọn khác có thể được cân nhắc là Mỹ sẽ bổ sung cho Đức xe tăng Abram nếu Berlin cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine, một quan chức châu Âu cho hay, song nhận định hiện chưa rõ ý tưởng này đang được cân nhắc ở mức độ nào. Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức khẳng định họ chưa nghe về một đề xuất như vậy. Trong khi đó, một nguồn tin thân cận cho biết, việc đưa xe tăng chiến đấu Abram vào phục vụ trong quân đội Đức sẽ là "một cơn ác mộng hậu cần" do công nghệ, sự đào tạo và nhu cầu nhiên liệu khác nhau.
Một số nước châu Âu, trong đó có Tây Ban Nha, Hy Lạp và Ba Lan cũng sử dụng xe tăng Leopard nhưng họ sẽ cần sự cho phép của Đức để cung cấp cho Ukraine. Thậm chí kế hoạch này diễn ra suôn sẻ thì vẫn có khả năng cao là Ukraine không thể nhận tới hàng trăm xe tăng như nước này yêu cầu.
Trong một đề xuất được think tank ECFR công bố vào đầu tháng 9, bà Puglierin cùng với các chuyên gia Gustav Gressel và Rafael Loss kêu gọi Đức thành lập một liên đoàn cùng với các nước châu Âu để cung cấp cho Ukraine khoảng 90 xe tăng Leopard 2. Bà Puglierin cũng đề xuất cung cấp các xe tăng phiên bản cũ hơn để nếu chúng rơi vào tay Nga thì những công nghệ hiện đại nhất cũng không bị lộ.
Đề xuất này dường như không thu hút sự chú ý của Berlin. Một người phát ngôn của Đức đã từ chối bình luận và nhấn mạnh những nhận định trước đó của Thủ tướng Scholz, rằng Đức sẽ không đưa ra quyết định đơn phương về việc cung cấp xe tăng cho Ukraine.
Người này cho biết, thay vào đó, Ukraine có thể nhận những vũ khí hạng nặng khác từ Đức, chẳng hạn như xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân nhân.
Đức cũng có thể sắp xếp nhiều thỏa thuận trao đổi hơn. Hồi tháng 8, Đức đã nhất trí bổ sung cho Slovakia 15 xe tăng chiến đấu Leopard 2 A4 sau khi quốc gia Đông Âu này cam kết cung cấp thêm xe tăng thời Liên Xô cho Ukraine. Trên thực tế, những thỏa thuận như vậy kể từ khi cuộc xung đột nổ ra đã giúp Ukraine nhận được hơn 120 xe tăng thời Liên Xô và xe bọc thép chở quân nhân./.